Trong nhiều thập niên qua, bàn về sự ra đời của dân tộc ở Việt Nam, nhiều người thường gắn nó với thời kỳ phong kiến và sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, với độc lập dân tộc và giải phóng đất nước. Khởi đầu, vấn đề này được đặt ra từ cuộc thảo luận “Sự hình thành dân tộc Việt Nam” vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, với sự chủ trì của giới sử học. Trong các cuộc thảo luận đó, một số ý kiến cho rằng, dân tộc Việt Nam hình thành sớm, thuộc loại hình dân tộc tiền tư bản chủ nghĩa, và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam bước vào quá trình hình thành dân tộc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, có quan điểm khẳng định, dân tộc Việt Nam ra đời muộn hơn, song cụ thể vào giai đoạn nào thì khó chỉ ra(11).
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đề cao chủ nghĩa yêu nước gắn với
chủ nghĩa quốc tế vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ
nghĩa yêu nước được phát huy cao độ, là động lực to lớn để đoàn kết mọi giai
cấp, tầng lớp xã hội, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc và là nguồn gốc của mọi
thắng lợi. Vậy chủ nghĩa yêu nước có phải là chủ nghĩa dân tộc hay không? Trên
thực tế, khái niệm chủ nghĩa dân tộc hầu như không được sử dụng trong diễn ngôn
chính trị và học thuật của Việt Nam giai đoạn này. Tuy nhiên, sự thảo luận của
nhiều học giả trên thế giới cho thấy, chủ nghĩa yêu nước (Patriotism) thực chất
chỉ là một dạng thức của chủ nghĩa dân tộc hoặc luôn đan kết với chủ nghĩa dân
tộc, bởi nói đến chủ nghĩa dân tộc, không thể không đề cập tới chủ nghĩa yêu
nước(12). Nói cách khác, chủ nghĩa yêu nước là mặt tích cực của chủ
nghĩa dân tộc.
Sau cuộc thảo luận “Sự hình thành dân
tộc Việt Nam”, một số tác giả vẫn tiếp tục nghiên cứu về vấn đề dân tộc ở nước
ta, nhất là trong tình hình mới. Giáo sư Phan Hữu Dật cho rằng, trong sự phát
triển hơn nửa thế kỷ qua ở Việt Nam, đã hình thành một cộng đồng người mới, một
dân tộc Việt Nam thống nhất trong quốc gia Việt Nam xã hội chủ nghĩa và gọi đó
là cộng đồng quốc gia - dân tộc(13). Về ý thức dân tộc, tác giả Lê
Thị Lan cho rằng, nó được hình thành từ thế kỷ III sau Công nguyên, gắn với
việc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. Theo đó, tầng lớp tinh hoa theo Nho học
có vai trò lớn trong xây dựng chủ nghĩa dân tộc, với ý thức về độc lập dân tộc
và toàn vẹn lãnh thổ, sự tự hào về nền văn hóa riêng, tinh thần đoàn kết dân
tộc và lòng yêu nước sâu sắc. Tác giả Lê Thị Lan còn gợi ý, ngày nay, vẫn có
thể tiếp tục phát huy chủ nghĩa dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước(14).
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện
nay, nên chú trọng đến việc xây dựng ý thức quốc gia - dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc có tính hai mặt và
Việt Nam phải đối diện với nó trong bối cảnh thế giới đương đại. Về phương diện
quốc tế, Việt Nam không tránh khỏi những tác động của chủ nghĩa dân tộc trên
thế giới, nhất là với các nước trong khu vực đã dùng chủ nghĩa này như một công
cụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của họ. Do đó,
Việt Nam cần phát huy chủ nghĩa yêu nước - một di sản quý giá trong các cuộc
chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, chủ nghĩa yêu
nước không chỉ cần thiết cho công cuộc bảo vệ độc lập, tự chủ, trọng tâm là bảo
vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, mà còn có vai trò quan trọng
trong phát triển kinh tế, nhất là đối với việc xây dựng thương hiệu và sử dụng
hàng hóa Việt Nam. Để làm được như vậy, cần có chính sách và hành động thiết
thực nhằm quy tụ, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước
ngoài.
Để phát huy chủ nghĩa yêu
nước và ngăn ngừa, phòng tránh mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, cần xử lý tốt
hai vấn đề phức tạp sau đây:
Một là, tránh nguy cơ nảy sinh chủ nghĩa dân
tộc cực đoan. Chủ nghĩa này dễ xuất hiện khi xảy ra mất đồng thuận trong quan
điểm, phương thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Thời gian qua,
các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân tiến hành kích động
chống đối, biểu tình hay có phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Nếu tiếp tục
để xảy ra những tình huống như vậy, sẽ gây phân tâm xã hội, không phát huy được
chủ nghĩa yêu nước chân chính và là cơ sở làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực
đoan.
Hai là, tránh nguy cơ tái phát và kiên quyết
đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc ly khai. Lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là kết quả lao động, sản xuất và đấu tranh qua hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước, gắn với sự ra đời và phát triển của nhà nước
dân tộc. Là nước có chủ quyền, với biên giới lãnh thổ được xác định và là thành
viên của Liên hợp quốc, song các thế lực dân tộc cực đoan vẫn chưa từ bỏ âm
mưu, hoạt động chống phá. Vì vậy, cùng với tăng cường các biện pháp để củng cố,
bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khối đại đoàn kết
toàn dân tộc là đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan,
chủ nghĩa ly khai.
Tóm lại, trong bối cảnh trỗi dậy mạnh mẽ
của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới hiện nay, Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh
hưởng. Để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc,
bên cạnh việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần có biện
pháp hiệu quả để ngăn ngừa chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân tộc ly
khai./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét