GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương:
1. Quân đội cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ
“Bộ đội cụ Hồ” là danh hiệu cao quý và tình cảm thân thương nhất mà Nhân dân ta trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong mọi sự tôn vinh thì tôn vinh của nhân dân dành cho những gì và những ai mà nhân dân tin cậy, yêu mến, tự hào là điều cảm động, sâu sắc, bền bỉ nhất. Đảng, Bác Hồ và Quân đội ta là những đối tượng nổi bật nhất mà Nhân dân ta tôn vinh với tất cả niềm tin và tình cảm sâu sắc nhất của mình.
Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng cách mạng chân chính do Bác Hồ sáng lập, rèn luyện đã phấn đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do cho dân tộc và hạnh phúc của mọi người dân. Ngoài lợi ích cao cả và thiêng liêng đó, Đảng ta không có bất cứ một lợi ích nào khác. Bản chất và mục đích đó của Đảng là làm cho quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng gắn bó thân thiết, không tách rời, tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Đảng, của dân tộc và nhân dân. Đảng vì dân, Đảng lãnh đạo toàn dân trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhưng suốt đời, Đảng tự nguyện làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân. Nhân dân cảm nhận sâu sắc hơn ai hết điều đó từ chính cuộc đời và số phận của mình. Nhờ có Đảng dẫn đường, nhờ sự dũng cảm, chiến đấu, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên mà Nhân dân ta từ tình cảnh nô lệ trở thành người tự do và làm chủ. Hiếm có đảng cách mạng nào như Đảng ta được nhân dân tin tưởng, tự hào, gọi là đảng của mình. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà Đảng phải ra sức gìn giữ và phát huy trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến trọn đời mình vì nước, vì dân. Không chỉ vậy, Người còn hóa thân vào dân tộc, vào nhân dân. Với tất cả sự ngưỡng mộ và tự hào, mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế, từ em nhỏ tới người già đều gọi Người với hai tiếng trìu mến: “Bác Hồ”. Trong lễ Độc lập, mừng cách mạng Tháng Tám thành công, mừng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 02/9/1945, khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, áng “thiên cổ hùng văn bất hủ” của dân tộc, Người hỏi: Đồng bào nghe tôi nói có rõ không? Đó không chỉ là tình cảm gần gũi, thân thiết của Bác Hồ đối với đồng bào mình, mà còn là sự tôn trọng, kính trọng nhân dân của vị lãnh tụ mang tầm vóc “Đại trí - Đại nhân - Đại dũng”, suốt đời vì dân, gần dân và được toàn dân tin yêu nhất. Từ hồi ấy, trên báo chí đã viết “Hồ Chủ tịch - Vị cha già của dân tộc” với tất cả lòng ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ bởi vô cùng tin yêu, bởi “Hồ Chủ tịch là hình ảnh của dân tộc, lương tri của thời đại” .
Người dân Nam Bộ tự hào bởi cái tên đẹp nhất của Người:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Nhà thơ Bảo Định Giang đã nói đến tấm lòng tin tưởng của đồng bào đối với Bác Hồ, khi mượn lời các bà má tiễn con tập kết ra Bắc:
Con ra thưa với Cụ Hồ,
Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao.
Quân đội ta được Bác Hồ đặt tên là “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đó là quân đội cách mạng do đảng cách mạng lãnh đạo. Ngoài việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân - thời chiến cũng như thời bình, Quân đội ta không có lợi ích nào khác. Nguồn gốc sức mạnh của Quân đội ta là từ Nhân dân. Nhân dân nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ, giúp đỡ cho bộ đội ngày một trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Bác Hồ đã nói tới Vệ quốc quân: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc” . Đồng thời căn dặn: “Đối với nhân dân, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội” . Vì vậy, trên thế giới, trong thế kỷ XX hiếm có quân đội nước nào như Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám, năm 1945, Quân đội ta mới ra đời mà tiền thân là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” với 34 chiến sĩ đầu tiên, vũ khí thô sơ, hoạt động trong rừng núi, nhờ được nhân dân cưu mang mà đã làm nên chiến công ngay từ đầu. Trong chỉ thị thành lập đội quân cách mạng đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bộ đội phải làm công tác tuyên truyền trong dân chúng, dựa hẳn vào dân mà gây dựng lực lượng. Do đó, quân đội có chức năng tuyên truyền, buổi đầu phải chú trọng chính trị, “chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau”, có dân giúp đỡ thì rồi sẽ có súng, đánh thắng ngay từ trận đầu để gây thanh thế. Các đội viên của đội đã cùng với người đội trưởng do đích thân Bác chọn cử là Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó mới 33 tuổi, đọc mười lời thề danh dự trước khi xuất quân, đánh trận Phai Khắt, Nà Ngần, rồi tới đỉnh cao là Điện Biên Phủ. Sau này, Ông trở thành Đại tướng, Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang, đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, đánh thắng những đế quốc sừng sỏ nhất là Pháp và Mỹ, trở thành một danh tướng huyền thoại, không chỉ là Dũng tướng, mà còn là Nhân tướng, “Đại tướng của lòng dân”.
Quân đội ta, Bộ đội ta chưa đầy một tuổi (22/12/1944 - 02/9/1945) đã làm nên cách mạng Tháng Tám cùng với lực lượng vĩ đại, yêu nước nồng nàn, đó là Nhân dân.
Mới mười tuổi đầu, ở tuổi thiếu niên, Quân đội ta đã gây chấn động địa cầu bởi Điện Biên Phủ ở Việt Bắc, đánh thắng kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp, một điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Quân đội ta còn làm nên một Điện Biên Phủ thứ hai, “Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm cuối năm 1972 tại Hà Nội, đánh bại B52 của Mỹ, vượt qua mưa bom bão đạn, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ đồng bào, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới, làm cho Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”. Qua đó, Quân đội ta trưởng thành nhanh chóng với các quân chủng, binh chủng, trang bị vũ khí hiện đại, chỉ huy mưu lược, chiến sĩ dũng cảm, “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một quân đội mẫu mực trong quan hệ với nhân dân, “quân với dân như cá với nước”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc đã lập nên những chiến công hiển hách. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Quân dân ta ở hậu phương lớn đã hết lòng chi viện cho tiền tuyến lớn, với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”,… để “Bắc Nam sum họp một nhà”.
Đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, đại thắng mùa Xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân.
Làm nên lịch sử vẻ vang đó, Quân đội ta mới 30 tuổi.
Những mốc son chói lọi đó làm cho những trang sử vàng truyền thống của Quân đội ta ngày thêm rạng rỡ. Từ các tướng lĩnh dạn dày kinh nghiệm đến lớp lớp các chiến sĩ anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” . Người còn nhấn mạnh: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến, quân đội thi đua giết giặc, để bảo vệ nhân dân. Hòa bình trở lại, quân đội vừa lo học tập, vừa ra sức giúp nhân dân trong mọi việc” . Nói tóm lại, “Vì bộ đội luôn luôn ra sức phục vụ nhân dân, cho nên nhân dân thương yêu bộ đội, coi như con em ruột thịt của mình” .
Một quân đội như thế nên Nhân dân ngợi ca “Bộ đội Cụ Hồ” là một lẽ tự nhiên. Đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc của Quân và Dân ta.
2. “Bộ đội Cụ Hồ”-Những hàm nghĩa và ý nghĩa
“Bộ đội Cụ Hồ”, từ lời lẽ giản dị, rất đỗi chân thành và tự nhiên mà Nhân dân ta dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Không chỉ là một khái niệm khoa học, cao hơn thế, “Bộ đội Cụ Hồ” còn là một biểu tượng cao quý, một giá trị của văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.
“Bộ đội Cụ Hồ” cất lên từ tiếng nói của người dân - mộc mạc, chất phác trong đời thường, qua năm tháng thời gian đã kết tinh và lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của đồng bào và chiến sĩ trong suốt chiều dài lịch sử của sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời đại Hồ Chí Minh, đỉnh cao của mọi thời đại của dân tộc Việt Nam.
“Bộ đội Cụ Hồ” đã từ lâu trở thành một điển hình nghệ thuật trong nguồn cảm hứng vô tận của các văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội, trong mọi loại hình, thể loại sáng tác văn học nghệ thuật ở nước ta.
“Bộ đội Cụ Hồ” còn trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học, từ khoa học quân sự đến lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn,… Nhiều tướng lĩnh, học giả nghiên cứu lịch sử quân sự, học thuyết quân sự Việt Nam đã viết nên những tác phẩm đặc sắc luận chứng về sức mạnh Việt Nam, về phẩm chất cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam… nhận thấy ở “Bộ đội Cụ Hồ” những điều kỳ diệu, tạo nên chiến công của quân và dân, lập nên công trạng của những anh hùng, dũng sĩ.
“Bộ đội Cụ Hồ” nhắc nhở chúng ta mãi mãi nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra quân đội cách mạng. Người đã từng dạy cán bộ, chiến sĩ phải luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm “Nhân dân là cha mẹ của bộ đội”, phải “trung thành tuyệt đối với Đảng”, “giữ trọn lòng Trung - Hiếu với Nước, với Dân”, “ăn ở sao cho được lòng dân”, “không làm điều gì trái ý dân”, “không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân”.
Sinh thời, Bác Hồ rất mực quan tâm, chăm sóc, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác là hình ảnh của dân tộc, là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, là hiện thân tình thương yêu của nhân dân đối với bộ đội, bởi cuộc sống của Bác đã trọn vẹn, toàn vẹn ở trong dân, ở trong cuộc sống nhân dân. Đến khi viết “Di chúc” để lại cho đời, Bác vẫn gửi muôn vàn tình thương yêu cho “toàn thể bộ đội” . Cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta thường xuyên thực hành lối sống, lẽ sống “tận trung với nước, tận hiếu với dân” cũng chính là để xứng đáng với tình thương yêu của Bác, làm yên lòng Bác ở chốn vĩnh hằng.
Nói đến Bác Hồ, đến Cụ Hồ là nói đến một con người viết hoa, toàn tâm toàn ý vì dân, vì nước và cả nhân loại; một biểu tượng cao quý của khát vọng tự do, của ý chí và nghị lực phi thường đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ để cho dân tộc phú cường và nhân dân hạnh phúc. Người còn tiêu biểu cho một triết lý sống cao thượng, tuyệt đối không màng danh lợi, cả đời ở ngoài vòng danh lợi, là lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng chỉ coi mình “như một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra trận”. Đến lúc từ biệt thế giới này, “không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” . Tâm nguyện này của Người là bài học lớn về rèn luyện nhân
Với tất cả những biểu hiện ấy, có thể nói, mọi hàm nghĩa và ý nghĩa của “Bộ đội Cụ Hồ” đều quy tụ vào phẩm chất của người chiến sĩ, quân nhân cách mạng, của đội quân bách chiến bách thắng “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ”. Đội quân ấy là Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng với dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Xét đến cùng, phẩm chất ấy là đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là sự trung thực và khiêm tốn, lòng trung thành và đức hy sinh; là trí tuệ, mưu lược, lòng dũng cảm, sự hội tụ cả “đức và tài”; là kỷ luật tự giác, nghiêm minh, bởi “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” . “Bộ đội Cụ Hồ” có giá trị và ý nghĩa của một thông điệp lịch sử. Đối với các thế hệ từ tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ quân đội đó là phải đánh thắng cả giặc ngoại xâm lẫn giặc nội xâm, chiến thắng chính bản thân mình trước mọi cám dỗ đời thường để mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Có một thực tế cảm động là, Nhân dân yêu thương cán bộ, chiến sĩ quân đội, gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhân dân còn coi cán bộ, chiến sĩ là “con của Cụ Hồ”. Và, Bác Hồ cũng không ít lần mượn lời của nhân dân về “Bộ đội Cụ Hồ” để giáo dục, động viên, nhắc nhở bộ đội phải luôn biết phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Dưới đây là những minh chứng:
Tháng 10/1954, trong bài “Bộ đội đánh thắng giặc lụt”, Bác viết: Quân đội nhân dân chẳng những khi cầm súng đánh giặc mới lập được công mà trong thời kỳ hòa bình cũng lập được công. Năm nay (1954), nước sông to hơn mọi năm trước. Ở Liên khu III nhiều chỗ đê vỡ. Bộ đội ta ở những vùng đó đã ra sức cùng nhân dân chống lụt, giữ đê. Đã có những hành động oanh liệt và anh hùng tập thể như ở Vụ Bản (Nam Định) và Lý Nhân (Hà Nam). Khi thấy đê sạt, cống vỡ, toàn thể đại đội L và trung đội M liền nhảy xuống nước, nắm chặt tay nhau, dùng thân mình làm con đê sống. Nước lên ngập cổ, các chiến sĩ vẫn kiên quyết giữ vững để đơn vị khác và nhân dân có thời gian chữa lại đê. Nhiều đơn vị không quản mưa to gió lớn, làm việc suốt ngày đêm. Có đơn vị khéo kết hợp giúp dân giữ đê với việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và chính phủ. Kết quả là đã cứu được hàng vạn mẫu ruộng, lại thắt chặt tình quân dân. Đồng bào Nam Định đã đặt câu hát thắm thiết để tặng bộ đội:
“Dù rằng công việc khó khăn,
Các anh bộ đội cũng lăn mình vào.
Dù cho nguy hiểm thế nào,
Các anh bộ đội chẳng bao giờ chùn.
Một lòng vì nước, vì dân,
Các anh xứng đáng là con Bác Hồ!”
Đó là một giải thưởng rất quý báu cho Bộ đội ta.
Ngày 19/11/1954, trong bài viết “Nhân dân với quân đội”, Bác nhấn mạnh: Quân đội ta là quân đội nhân dân. Cho nên nhân dân rất yêu thương bộ đội. Trong tám, chín năm kháng chiến, Quân đội ta ăn gió, nằm sương, xông pha bom đạn, hy sinh quên mình vì nước vì dân. Hòa bình trở lại, Quân đội ta giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản công cộng, tính mạng, tài sản của nhân dân, làm trụ cột giữ vững hòa bình, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì thương yêu quân đội, đồng bào ta ghi tạc những công trạng to lớn của quân đội mà cũng chú ý đến việc nhỏ ngày thường của Quân đội ta. Thí dụ: Ở Thủ đô Hà Nội, Tiểu đội đồng chí Quế đã cảnh giác, bắt được tên ăn trộm xe đạp, lấy xe trả lại cho người bị mất cắp. Đồng chí Vinh, đồng chí Cẩm nhặt được nhẫn vàng và khuyên vàng đã tìm hỏi trả lại cho nhân dân. Nhiều tiểu đội giúp đồng bào làm vệ sinh, dạy hát cho thiếu nhi, giúp các lớp bình dân học vụ. Những việc làm đó làm cho đồng bào càng cảm động và kính phục bộ đội.
Nhưng có một vài đồng chí và cán bộ ra đường không được chỉnh tề, cũng làm cho đồng bào chú ý như đội mũ lệch, đánh tú lơ khơ ngoài đường, đồng bào nhầm tưởng là đánh bạc. Đồng bào chú ý như thế là đúng vì đồng bào muốn cho Quân đội ta gương mẫu về mọi mặt. Nhiều nhân sĩ quốc tế qua lại nước ta, điều mà họ để ý nhất, cho họ ấn tượng trước hết là kỷ luật của Quân đội ta. Vậy, rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn trọng trong mọi cử chỉ, để cho thế giới thấy rằng, “Quân đội Cụ Hồ có khác!”.
Ngày 25/11/1954, trong bài “Tuyên truyền”, Bác Hồ chỉ rõ: Mỗi người yêu nước phải làm tuyên truyền. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng ta có thể là một công tác tuyên truyền. Ví dụ: mới đến chỗ đóng quân, cơ quan N đặt kế hoạch chia tổ, phân công vận động nhân dân,… Cán bộ, chiến sĩ và bà con trong phố đã đoàn kết, thân mật như anh em một nhà. Nghe nói Bộ đội ta rất trong sạch, một ông Hoa Kiều muốn thử xem có thật như thế không? Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ đến mua gì thì ông cứ thoái tiền thừa. Lần nào các chiến sĩ ta cũng đều trả lại tiền thừa cho ông ta. Sau đó, tự ông ta tuyên truyền khắp phố: “Bộ đội Cụ Hồ liêm chính thật”.
Đặc biệt, Bác viết bài báo “Bộ đội làm dân vận” ngày 20/6/1955. Bác nêu chuyện ở Hạc Trì (Phú Thọ), bộ đội giúp dân tăng gia sản xuất, chống đói, làm nhà cho dân. Bộ đội ăn cơm độn ngô để dành gạo giúp dân, làm cho dân rất cảm động. Ở Suối Pao (vùng Tả ngạn) là vùng toàn Hoa Kiều, suốt thời gian kháng chiến bị Tây chiếm đóng, mới được giải phóng. Địch tuyên truyền nói xấu ta nên bấy giờ, thấy bộ đội đến, đồng bào tỏ ý nghi ngại. Bằng những việc làm thiết thực để giúp đồng bào như: Kiếm củi, làm vệ sinh, mua bán công bằng, tôn trọng phong tục tập quán của dân. Dân hiểu rõ, hết nghi ngờ, lại còn yêu quý bộ đội. Đem quà biếu. Bộ đội giữ kỷ luật, không nhận. Đồng bào lại thắc mắc: Vì sao bộ đội không nhận? Sau ngày nào dân cũng tới nghe bộ đội nói chuyện. Sự thực ấy làm dân nhận ra: Tây nói láo, bộ đội Việt Nam tốt lắm! Khi bộ đội chuyển đi, họ luyến tiếc. Một cụ già nói: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bây giờ tôi mới thấy có bộ đội tốt như Bộ đội Cụ Hồ!”. Qua đó, Bác nhấn mạnh: “Đó là những kinh nghiệm tốt cho toàn thể bộ đội cũng như cho toàn thể cán bộ ta: Nắm vững chính sách, làm đúng ý nguyện của nhân dân, thì công tác dân vận nhất định thành công” .
Nêu ra một vài ví dụ trên để thấy được sự tinh tế và sâu sắc của Bác Hồ trong phương pháp giáo dục cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác Hồ mượn lời của dân, ý của dân để nói tới “Bộ đội Cụ Hồ” bởi Người rất mực khiêm tốn. Bài học này càng cần phải học tập, rèn luyện, thực hành từ nhân cách văn hóa của Bác Hồ - vĩ nhân trong đời thường.
Để mãi mãi phát huy truyền thống, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ chiến sĩ trong quân đội, trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới ra sức thực hiện những lời dạy bảo ân cần của Bác, xây dựng quân đội thật trong sạch, làm dân vận một cách mẫu mực, từ các vị tướng lĩnh, chỉ huy đến chiến sĩ, ra sức tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, sao cho “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, vì Tổ quốc, vì Nhân dân phục vụ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét