Với những
mỹ từ đầy “hoa lá” và xảo trá, nếu người đọc thiếu hiểu biết sẽ ngộ như đây là
những “nhân vật anh hùng”, đấu tranh cho mục tiêu cao cả nào đó. Kỳ thực, tất
cả đã bị đánh tráo một cách thô thiển, biến những kẻ phạm tội, làm hại đất nước
thành “có công với nước”...
Giảo hoạt
theo Từ điển Tiếng Việt nghĩa là những kẻ hay dối trá, gian xảo, lừa lọc người
khác một cách khó lường, xảo quyệt. Những kẻ giảo hoạt lợi dụng lá bài nhân
quyền để chống phá đất nước thường có nhiều mưu mô, xảo trá để đổi trắng thay
đen, đánh tráo bản chất về vấn đề, sự việc, tình hình liên quan đến nhân quyền
ở Việt Nam nhằm tạo ra hình ảnh xấu xa, tiêu cực để đánh lừa dư luận, lấy cớ
chống phá, gây áp lực tới Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Những hành
động sai trái của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam.
Điển hình
trong số này là Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (VNHRN) có trụ sở ở Mỹ, tổ chức
vừa trao giải thưởng nhân quyền 2022 cho Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch và 5
đối tượng mà họ gọi là “Thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết”. Tất cả
những người này hiện đều đang thụ án tù giam ở Việt Nam. VNHRN coi những trường
hợp này là dũng cảm “đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bằng chính cuộc sống
của họ”! Khi “vinh danh” các đối tượng phạm tội, VNHRN đã dùng những mỹ từ đánh
tráo bản chất để ca ngợi như: “Nhà báo Tường Thụy từng là một cộng tác viên của
Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết án tù hồi tháng 1/2021 cùng với các thành viên
khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Phạm Chí Dũng của
VOA.
Ông Thụy,
từng làm đơn ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 với tư cách đại biểu độc lập, bị
kết án 11 năm tù với tội danh “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà
nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thụy, 72 tuổi, luôn khẳng định mình vô tội và
viết trong một bức thư gửi ra từ nhà tù rằng: “Người ta chỉ sống có một lần.
Nếu cho làm lại, tôi vẫn làm như thế”!
Đoạn nói
về Trần Đức Thạch, VNHRN mô tả: “Trước phiên phúc thẩm hồi tháng 3 năm ngoái,
ông Thạch, 70 tuổi, nói rằng ông “xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối
của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi” và rằng ông “rất tự hào vì được
cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam”! Tương tự là những
mỹ từ có cánh với đối tượng Lưu Văn Vịnh mà VNHRN gọi là “nhà hoạt động” và cho
rằng “ông Vịnh và các bạn của ông đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng
nhân quyền này cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội”!
VNHRN cũng
tâng bốc cho các trò xảo trá của mình: “Dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng
kể từ ngày công bố hoạt động nhưng Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết đã chứng
tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn
là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang
sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản”!
Với những mỹ từ đầy
“hoa lá” và xảo trá như trên, nếu người đọc thiếu hiểu biết sẽ ngộ như đây là
những “nhân vật anh hùng”, đấu tranh cho mục tiêu cao cả nào đó. Kỳ thực, tất
cả đã bị đánh tráo một cách thô thiển, biến những kẻ phạm tội, làm hại đất nước
thành “có công với nước”!
Tháng
11/1997, một nhóm người Việt tại Mỹ tổ chức hoạt động về một “Hội nghị quốc tế”
tại thành phố Santa Ana, quận Cam, bang California. Nhóm này công bố tổ chức và
đến năm 2002 ra mắt chính thức ở Litte Sài Gòn (Mỹ) với tên viết tắt tiếng Anh
VNHRN. Mục tiêu, cương lĩnh ghi là “khuyến khích, ủng hộ và đấu tranh dân chủ,
nhân quyền cho Việt Nam”, “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân
quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt
Nam”.
Hàng năm,
VNHRN đều có báo cáo về nhân quyền và lựa chọn một số đối tượng được gọi là
“hoạt động nhân quyền” ở Việt Nam để “vinh danh”. Tổ chức này đã tìm mọi cách
đánh bóng tên tuổi và móc nối với một số tổ chức thường xuyên có hoạt động
chống phá Việt Nam như tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Nhà báo Không biên giới
(RSF), Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ)…
VNHRN cũng
tích cực móc nối, gây dựng quan hệ với hàng chục nhóm, tổ chức người Việt ở
nước ngoài như “Báo Tự do ngôn luận”, “Ủy ban Quốc tế tự do tôn giáo cho Việt
Nam”, “Tiếng dân kêu cứu”, “Diễn đàn dân chủ”, “Tập hợp thanh niên dân chủ”,
“Nhóm Thông luận”, “Đàn chim Việt”, “Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam lên đường”,
“Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ”... Trong đó, có những nhóm
liên hệ chặt chẽ với Việt Tân, đã bị Bộ Công an xác định là tổ chức khủng bố.
Số đối
tượng được “vinh danh” năm 2022 gồm có Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch, Lưu
Văn Vịnh. Nguyễn Tường Thụy là một trong số 40 thành viên của tổ chức tự xưng
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, với vị trí Phó Chủ tịch. Nguyễn Tường Thụy dùng
nhiều bút danh để đăng tải bài viết lên trang facebook cá nhân, trang của Hội
Nhà báo độc lập với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của
Đảng và Nhà nước.
Ngày
5/1/2021, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án 11 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ,
phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
CHXHCN Việt Nam”. Còn Trần Đức Thạch (trú tại Nghệ An) đã soạn thảo, đăng tải
nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội,
bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhận hỗ trợ về tài chính của các cá
nhân, tổ chức trong ngoài nước.
Ngày
24/3/2021, Thạch bị tòa tuyên phạt 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân”. Lưu Văn Vịnh, trú tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã
có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khi đứng ra lập tổ chức phản động
“Liên minh dân tộc Việt Nam” do Vịnh làm Chủ tịch.
Với bảng
“thành tích” chống phá nhiều năm của 3 đối tượng trên cho thấy bản chất của cái
gọi là “Giải thưởng Nhân quyền 2022” mà VNHRN đưa ra là nhằm động cơ, mục đích
gì? Gọi là “vinh danh giải thưởng” nhưng tất cả đều là những đối tượng đang thụ
án trong các trại giam, hiển nhiên không thể trực tiếp đến nhận giải. Trước đó,
bản danh sách cá nhân được trao giải cũng là những cái tên cộm cán trong hoạt
động chống phá, bị phạt tù giam như: Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu cày), Nguyễn
Chính Kết, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần,
Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, Lê Công Định, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Đài… Thực chất của cái gọi là “giải thưởng Nhân
quyền Việt Nam 2022” chỉ là một màn kịch cũ được soạn lại, đạo diễn làm mới cho
có tính thời sự. Trong lần đại hội tháng 8/2021, VNHRN đưa ra 5 tuyên bố, trong
đó cơ bản lặp lại nhiều nội dung cũ, đồng thời đưa ra thêm vấn đề có vẻ thời sự
như “chống dịch COVID-19”.
Không khó
để nhận ra mưu đồ thực chất của VNHRN, thông qua cái gọi là “giải thưởng Nhân
quyền” để tự đánh bóng tên tuổi của tổ chức, cổ xúy cho các đối tượng hoạt động
chống phá Việt Nam dưới danh nghĩa “nhà hoạt động nhân quyền”. Thông qua việc
trao giải thưởng, VNHRN tiếp tục lôi kéo nhiều đối tượng cực đoan vào các hoạt
động chống phá dưới các vỏ bọc như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động nhân quyền”,
“nhà hoạt động xã hội”; đánh lừa dư luận quốc tế về đối xử thiếu nhân quyền
trong tù với những “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động dấn thân vì nhân
quyền”…
Cũng như
các tổ chức AI, RSF, CPJ... mang danh nghĩa đẩy nhanh “tiến trình cải tiến dân
chủ, nhân quyền ở Việt Nam” nhưng thực chất là công cụ trong chiến lược “diễn
biến hòa bình” mà các thế lực thù địch sử dụng chống phá Đảng, Nhà nước Việt
Nam.
Cùng với
đó, tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) trước nay vẫn tự cho
mình quyền “điều tra và đưa ra ánh sáng các vi phạm nhân quyền”. Tuy nhiên, căn
cứ vào hoạt động của HRW thì lâu nay tổ chức này đang đi lệch tôn chỉ, mục đích
ban đầu và trở thành con rối đội lốt nhân quyền phục vụ mục đích, động cơ của
chính họ. Ai cũng hiểu, nếu báo cáo, đánh giá mà dựa trên nhãn quan của những
tổ chức như Human Rights Watch thì bất kỳ nơi đâu cũng chỉ là màu xám xịt khi
mà kẻ giảo hoạt chỉ sử dụng lá bài nhân quyền để phục vụ ý đồ chính trị của họ
mà thôi.
Đáng chú ý
là những hoạt động, các báo cáo, giải thưởng, phúc trình… nêu trên lại nhận
được sự hậu thuẫn của cơ quan ngoại giao một số nước, điển hình là Bộ Ngoại
giao Mỹ, từ đó có những đánh giá sai lệch. Mới đây là việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa
Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Ngày 15/12/2022,
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Những nỗ lực và thành tựu
của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho
người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao
đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi
mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa
hai nước”.
Đăng Minh
Việt Nam lấy con người làm gốc
Trả lờiXóa