Năm 2022 GDP của Việt Nam tăng ngoạn mục 8,02%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
năm 2022 ước tăng 8,02%; trong đó, quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III
tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92% so với năm trước.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố
số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022, sáng 29/12, tại Hà
Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, nền kinh tế nước ta phục
hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối
lớn được đảm bảo.
Môi trường đầu tư kinh doanh cải
thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được
sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã
có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch COVID-19.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước
(GDP) năm 2022 ước tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III
tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục
trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong
mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng
3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh
tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch
vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền
kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ
tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%,
đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm
phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây
dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của
toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ
tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử
lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành sản xuất
và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng
tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp
0,59 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và
tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai
đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào
tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: ngành bán buôn,
bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận
tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm.
Tiếp đến là ngành dịch vụ lưu trú và
ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm
phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53
điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm
phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm
0,13 điểm phần trăm do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu
vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và
xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp
sản phẩm chiếm 8,53%.
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng
góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%;
xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng
2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu
đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao
động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu
đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Theo giá so sánh, năng suất lao
động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ
lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm
phần trăm so với năm 2021).
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh
tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn
2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã
chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính
sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các
giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời, triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm
vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số
11/NQ-CP về
Chương trình phục hồi, phát triển
kinh tế – xã hội.
“Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân
đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh
hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã
hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin
tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Tổng cục trưởng Nguyễn
Thị Hương nhấn mạnh./.
mức tăng trưởng này quá mạnh
Trả lờiXóa