Các quan điểm sai trái, thù địch, điển hình là những báo cáo phiến diện, lệch lạc, thiếu căn cứ khoa học lẫn pháp lý của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ - USCIRF(1), thường lặp đi lặp lại điệp khúc rằng: tình trạng vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam; sự đàn áp của Chính phủ tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký(?!). Có thể nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc đó trên các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, các thế lực phản động, thù địch thường lập luận một cách vô căn cứ về quyền tự do tôn giáo được ghi nhận trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam, xuyên tạc rằng các quy định về quyền tự do tôn giáo trong pháp luật Việt Nam là “hạn chế về bản chất”, “đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”(?!).
Cần phải khẳng định rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong luật pháp ở Việt Nam được xây dựng dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - một học thuyết khoa học, đúng đắn về tự do tôn giáo khi đặt nó trong quyền con người (nhân quyền) - như C. Mác đã khẳng định: “Tự do tín ngưỡng là quyền thực hành bất cứ tín ngưỡng nào,... quyền được mộ đạo, được mộ đạo theo bất luận kiểu nào, được hành đạo theo tôn giáo riêng của mình. Đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”(2). Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tự do tín ngưỡng là một quyền lợi căn bản của nhân dân ta”(3).
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thay cụm từ “mọi công dân” (quyền công dân) (Hiến pháp năm 1992), bằng cụm từ “mọi người” (nhân quyền, quyền con người). Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(4).
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng cho cả những “người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”, và “người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam” (Điều 8).
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế, mà còn có sự tương thích, phù hợp với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam tham gia năm 1982) quy định: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm việc tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do thể hiện tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo; 2. Không một ai có thể bị ép buộc phải làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”(5). Tương tự như vậy, Điều 9 Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản (ECHR) ghi: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của mình thông qua hành vi thờ phụng, thuyết giảng, thực hành và tuân thủ giáo luật một mình hoặc với một nhóm, ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng”(6).
Thứ hai, các thế lực phản động, thù địch, trong đó có USCIRF, xuyên tạc rằng, cả Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều có những quy định nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo: Hiến pháp cũng quy định sự tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng nó cho phép các cơ quan chức năng hạn chế quyền con người, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có các quy định tương tự cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo(?!). Những lập luận xấu, độc, nguy hiểm này là bất chấp an ninh quốc gia, trật tự công cộng, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Chúng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, mang tính áp đặt của các thế lực phản động, thù địch và của USCIRF đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Trong luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ. Tự do tín ngưỡng phải tôn trọng và không ảnh hưởng đến các quyền công dân, đến quyền tự do của người khác và đặc biệt không được ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, môi trường, đạo đức xã hội. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định, phát triển xã hội, Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”.
Những quy định về hạn chế quyền tự do tôn giáo trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam nêu trên hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) ghi: “Quyền tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”(7). Điều đó cũng được Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản thừa nhận tại Điều 9: “Quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của một người chỉ bị luật pháp giới hạn nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, phục vụ an ninh công cộng, bảo vệ trật tự trị an, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức chung hoặc các quyền và sự tự do của người khác”(8). Luật pháp của nhiều nước trong khi khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng chế định quyền ấy sẽ bị hạn chế vì trật tự công cộng, an ninh quốc gia. Nước Pháp là một ví dụ, Luật Phân ly 1905 quy định: “Cộng hòa Pháp bảo đảm tự do tín ngưỡng. Nó bảo đảm quyền tự do hành đạo với những hạn chế vì quyền lợi duy trì trật tự công cộng”(9).
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như đòi hỏi vô lý của USCIRF và một số giới chức Mỹ.
Thứ ba, các luận điệu sai trái, thù địch nhìn nhận không đúng về mô hình quản lý tôn giáo theo chế độ “đăng ký” của Việt Nam. Họ lập luận hàm hồ rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo bắt các tôn giáo phải đăng ký, bao gồm: các điều khoản mơ hồ cho phép tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội; đặt ra gánh nặng và yêu cầu phức tạp đối với các nhóm tôn giáo để đăng ký với chính phủ; có những quy định sự kiểm soát đáng kể của chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo bằng những điều khoản hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như duy trì một quy trình đăng ký và công nhận nhiều giai đoạn cho các nhóm tôn giáo (?!).
Những nhận định trên rõ ràng là mang tính áp đặt, không đúng với điều kiện thực tế công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam. Bởi lẽ, mỗi quốc gia đều có cách thức quản lý hoạt động tôn giáo phù hợp với truyền thống và thực tế của mình, trong đó quản lý hoạt động tôn giáo thông qua con đường đăng ký là một hình thức phổ biến, thích hợp và hiện thực ở nhiều quốc gia (như Pháp, Bun-ga-ri, Ba Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc...), trong đó có Việt Nam. Theo đó, mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng về điều kiện và thể thức việc đăng ký xem xét tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Có quốc gia xem việc đăng ký pháp nhân của tổ chức tôn giáo thuộc vấn đề ở cấp quốc gia, như Ba Lan, Nga, I-ta-li-a, Đức, Lat-vi-a; có quốc gia chỉ ở cấp hội đồng tỉnh, thành phố (Bun-ga-ri). Về điều kiện, có sự khác biệt giữa các nước, trong đó yếu tố thời gian tồn tại, số lượng, cơ sở tài sản tôn giáo, nhân sự, khả năng tài chính..., là những tiêu chí cơ bản(10). Việt Nam lựa chọn mô hình quản lý theo hình thức “đăng ký” và phân cấp chủ thể có thẩm quyền cấp đăng ký theo phạm vi hoạt động của tôn giáo là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Luật pháp Việt Nam đưa ra những tiêu chí cụ thể để công nhận tổ chức tôn giáo chứ không phải để cản trở tự do tôn giáo. Theo đó, mọi tôn giáo nếu bảo đảm những điều kiện đó đều được công nhận, khác với một số quốc gia chỉ thừa nhận một số tôn giáo chủ yếu(11). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ngoài những điều kiện về thời gian (giảm từ 23 năm theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo xuống còn 5 năm), nhân sự, địa điểm hợp pháp, còn có yêu cầu về hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích... Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn phân cấp quản lý (Trung ương và địa phương) theo phạm vi hoạt động của tổ chức tôn giáo. Bởi lẽ, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng, có tôn giáo phạm vi sinh hoạt trên khắp cả nước, như Phật giáo, Công giáo, Tin lành; có tôn giáo phạm vi hoạt động chỉ trong một khu vực, như Phật giáo Hòa Hảo, Bà-la-môn giáo, có tôn giáo thuộc loại nhóm nhỏ, như Minh sư đạo, Minh lý đạo, Bửu sơn Kỳ hương, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Mặc Môn, đạo Baha’i (ở Việt Nam); có tôn giáo có nhiều tổ chức, hệ phái khác nhau, như Cao Đài, Tin lành,... Do đó, cơ chế công nhận và quản lý hoạt động của tổ chức tôn giáo theo hình thức đăng ký theo quy mô hoạt động của tôn giáo là phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, cũng giống như nhiều quốc gia khác và được luật pháp quốc tế thừa nhận (tính đặc thù). Đó không phải là điều kiện đặt ra để hạn chế hay cản trở quyền tự do tôn giáo như USCIRF hay các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc.
Thứ tư, các quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu dựa vào một số hiện tượng, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, chưa được công nhận, có hiện tượng hoạt động vi phạm pháp luật để quy kết Việt Nam “đàn áp tôn giáo”. Ví như: Nhóm bất hợp pháp Dương Văn Mình (Tây Bắc), Hà Mòn (Tây Nguyên), Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được thừa nhận là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo). Các hiện tượng (nhóm) đó chưa đủ điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hay công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tôn chỉ, mục đích, điều lệ, tổ chức, nhân sự). Thậm chí có một số nhóm lợi dụng hoạt động tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam, như Văn phòng Công lý và hòa bình (do một số giáo sĩ, tu sĩ cực đoan của tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam); nhóm Hội đồng Liên tôn (gồm một số giáo sĩ cực đoan thuộc 5 tôn giáo tham gia: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo); nhóm Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất; nhóm Phật giáo Hòa Hảo thuần túy và Phật giáo Hòa Hảo truyền thống; nhóm Khối Nhơn sanh (Cao Đài); nhóm Tin lành Đấng Christ, Tin lành Lutheran Việt Nam - Hoa Kỳ (trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; nhóm Giê-sùa, Bà Cô Dợ (Tin lành ở Tây Bắc)... đã được USCIRF nêu lên như những minh chứng cho việc Việt Nam “đàn áp tôn giáo”(?!).
Dựa vào các nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo cực đoan, chưa được chính quyền công nhận, lấy đó làm cơ sở để phê phán “đàn áp tôn giáo” là cách thức mà USCIRF và một số cá nhân, tổ chức thường sử dụng để áp đặt một cách vô lý quan điểm của họ, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết dẹp bỏ các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, như Trung Quốc đối với Pháp luân công; Nga đối với giáo phái Hội anh em trong trắng (The White Brotherhood), nhân chứng Giê-hô-va; Nhật Bản đối với phái Chân lý tối thượng (Aum Shirikyo); kể cả Pháp đối với các giáo phái cực đoan, cũng bị Mỹ xếp vào diện các nước hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Các báo cáo của USCIRF và quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu dựa vào một số phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo hoạt động chống Nhà nước Việt Nam, bị tòa án phạt tù, lấy đó là những “tù nhân lương tâm” (?!) để quy kết Việt Nam vi phạm nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo. Trong đó có các đối tượng như: Nguyễn Bắc Truyển (nhóm Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, bị tuyên phạt 11 năm); Y Yich (bị kết án 12 năm) - người dân tộc thiểu số theo nhóm Tin lành cực đoan ở Tây Nguyên; Phan Văn Thu (án tù chung thân) - người sáng lập nhóm Ân đàn Đại đạo (Phú Yên),... Đó đều là những phần tử lợi dụng tôn giáo chống Nhà nước Việt Nam nên bị phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự, chứ không phải các “tù nhân lương tâm”, như USCIRF gán cho.
Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn, có nhãn quan chính trị và tỉnh táo tránh bị kẻ xấu lợi dụng
Trả lờiXóa