Có thế nói, chưa bao giờ công tác lý luận lại cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt như hiện nay. Đó là vì thực tiễn cách mạng, sự phát triển xã hội nước ta cũng như tình hình khu vực và thế giới đang đặt ra cho công tác lý luận hàng loạt vấn đề cấp thiết, phức tạp, bức xúc và gay cấn. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thì vai trò của đội ngũ cán bộ lý luận trở nên ngày càng quan trọng và hơn lúc nào hết cần xây dựng đội ngũ này thực sự vững mạnh về mọi mặt; do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào, phải kiên quyết phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận với nhiều giải pháp đồng bộ sau:
Một là, thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa tính khoa học với tính đảng, giữa khoa học với chính trị trong hoạt động lý luận.
Đây vừa là nguyên tắc, vừa là định hướng giải pháp căn cốt để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận hiện nay. Về vấn đề này, V.I. Lê-nin viết: “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít”(8). Trong khi đó, ở nước ta: “Một thời gian dài chúng ta dường như đồng nhất chính trị với lý luận. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, sự đồng nhất này cố nhiên cũng không đúng, nhưng dù sao lúc ấy có lý do khách quan nhất định cho sự đồng nhất trên mức độ nào đó mà không gây tổn hại cho cả lý luận, cả chính trị... Còn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cực kỳ phức tạp, diễn ra trên mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động xã hội. Đối tượng nhận thức và tác động ở đây là những hệ cấu trúc, những quá trình cực kỳ đa dạng và phức tạp, nhiều tầng nấc, là những quan hệ chằng chịt, muôn hình, muôn vẻ... Do đó, ở đây đòi hỏi phải tính đến không biết bao nhiêu là nhân tố có liên hệ; không biết bao nhiêu vòng khâu và cấp độ khác nhau của quá trình phân tích, tổng hợp mới đem lại được căn cứ khoa học cho một quyết định chính trị. Trong những điều kiện như vậy mà đồng nhất chính trị với lý luận khoa học thì thật tai hại - tai hại cho cả khoa học, cả chính trị”(9).
Thực tiễn cách mạng và quá trình hoạt động lý luận trên thế giới và ở Việt Nam đều chứng minh rằng khi lý luận tách rời chính trị, nó sẽ không còn là khoa học chân chính. Đảng cần đến lý luận khoa học làm cơ sở cho đường lối chính trị, cũng như lý luận chỉ thực sự khoa học với định hướng chính trị đúng đắn của Đảng, cả hai đòi hỏi đó đều có tầm quan trọng như nhau, đặc biệt là trong giai đoạn phức tạp hiện nay. Và hai đòi hỏi đó là thống nhất - nó là biểu hiện quan trọng nhất của sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Đây chính là kim chỉ nam cho cán bộ lý luận giữ vững định hướng chính trị, không bị rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai là, phải có bước đột phá trong nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lý luận và xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận.
Đảng chỉ có thể làm giàu trí tuệ của mình bằng cách không ngừng nâng cao trình độ lý luận, nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn sinh động. Phát triển công tác lý luận của Đảng bằng cách tổng kết thực tiễn, tổng kết những cái mới đang hằng ngày, hằng giờ nảy sinh trong đời sống đất nước và cả thế giới, tiếp thu những thành quả trí tuệ của loài người, đó là phương hướng cơ bản để làm giàu trí tuệ của Đảng, để hoàn chỉnh và phát triển đường lối của Đảng. Để làm được điều đó, Đảng không thể không đánh giá đúng mức vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lý luận và xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận trong tình hình mới. Xét đến cùng, việc xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ lý luận có phẩm chất chính trị vững vàng, có bản lĩnh khoa học cao, đó là vấn đề then chốt nhất.
Trước thực trạng công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra; chất lượng nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học lý luận chưa cao; lý luận chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trình độ đội ngũ cán bộ lý luận còn bất cập so với yêu cầu mới. Công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động lý luận, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận, chính trị trong nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu của xã hội thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương cần tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1-8-2007, “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận trong tình hình mới với những đột phá mới trong nhận thức về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt là hiện thực hóa các mục tiêu 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược đến năm 2045 đưa Việt Nam “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” mà Nghị quyết Đại hội XIII xác định.
Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, lý luận. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên quan tâm đến công tác tư tưởng, lý luận. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng hiện đại, gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng nâng cao trình độ, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, công tác nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và làm rõ những biểu hiện mới của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận.
Ba là, dân chủ hóa trong nghiên cứu và sinh hoạt lý luận.
Trước đây và cả hiện nay có một số quan điểm cho rằng: “Lý luận coi như đã được giải quyết tất cả ở đường lối, nghị quyết của Đảng, bài nói và viết của lãnh tụ; công tác lý luận chỉ còn lại nhiệm vụ đơn thuần là thuyết minh đường lối, nghị quyết. Điều đó lâu ngày tạo thành thói quen ỷ lại, thậm chí coi chân lý chỉ có thể phát ra từ một vài người, từ đó đi tới chỗ dựa dẫm vào sự “bao cấp tư duy” từ phía lãnh đạo, không thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá, mà lẽ ra đó là chức năng đích thực, là lý do tồn tại chính yếu của khoa học lý luận. Lại cũng vì thế mà tạo ra một quan niệm quá đơn giản rằng, hễ nói gì hơi khác với lãnh đạo, với nghị quyết, là coi như sai phạm chính trị, có thể bị quy chụp đủ thứ... Đường lối đổi mới tư duy của Đảng cho phép và đòi hỏi chúng ta khắc phục sai lầm đơn giản đó, một sai lầm đã kìm hãm một thời phát triển tư duy lý luận của Đảng”(10). Điều này càng được minh chứng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuân theo đúng quy luật thì đội ngũ cán bộ lý luận, cơ quan nghiên cứu lý luận phải là lực lượng tiên phong đi tìm chân lý, quy luật chính trị để cung cấp luận cứ khoa học để Đảng và người đứng đầu Đảng ta hoạch định Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nước ta. Thế nhưng, thay vì làm điều đó thì một số cán bộ lý luận chỉ thuyết minh, phụ họa một chiều. Đành rằng, việc làm này là cần thiết vì tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề mà Đảng và người đứng đầu Đảng ta đã chỉ ra; đồng thời, cũng là đợt sinh hoạt lý luận sâu rộng và rất có ý nghĩa hiện nay. Vì vậy, một mặt, bản thân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải có trình độ lý luận nhất định và khả năng định hướng cho công tác lý luận trong phạm vi cần thiết và điều hết sức quan trọng là Đảng phải xây dựng, sử dụng đội ngũ lý luận của mình và lãnh đạo lý luận một cách khoa học.
Mặt khác, phải phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận chính trị. Khoa học phát triển có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn, đã là nghiên cứu khoa học thì có thể có sai lầm. Nếu trong chính trị, sai lầm khó tránh khỏi, thì trong tìm tòi khoa học, khả năng phạm sai lầm càng nhiều hơn. Nếu quy ngay những sai lầm đó vào lập trường chính trị, hậu quả có thể rất tai hại. Khoa học cần bầu không khí dân chủ, tự do tư tưởng, vì chỉ trong môi trường ấy, nhà khoa học mới dám có suy nghĩ độc lập và đi đến cùng sự tìm tòi, khám phá của mình. Lý luận, khoa học không thể phát triển, nếu tư tưởng không được giải phóng, nếu thiếu thảo luận, tranh luận. Để đi đến chân lý, nhà nghiên cứu phải rất mực vô tư, khách quan. Chỉ có thái độ thực sự cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, dám từ bỏ những nhận thức cũ sai lầm, biết nghe lẽ phải, không định kiến, hết sức khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau mới có thể mở mang được kiến thức và đóng góp cho khoa học.
Dân chủ hóa sinh hoạt lý luận, nhưng không thể tách rời tính đảng. Vì vậy, trong nghiên cứu, thảo luận, cần dân chủ và phát huy tự do tư tưởng, nhưng phải dựa trên lý tưởng mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn, nghị quyết Đảng đã thông qua, trong đó mục tiêu tối thượng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo đó, cán bộ lý luận “Phải nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng”(11). Đây chính là giải pháp cụ thể hóa nguyên tắc tránh “vơ đũa cả nắm” khi phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lý luận hiện nay.
Bốn là, tạo hệ động lực cho đội ngũ cán bộ lý luận cống hiến, sáng tạo và phát triển lý luận.
Thực chất của giải pháp này là giải quyết vấn đề lợi ích cho đội ngũ cán bộ lý luận. Kết quả công tác lý luận phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Xác định phương hướng nghiên cứu, tổ chức và quản lý quá trình nghiên cứu, kinh phí đầu tư, điều kiện thông tin, các chế độ chính sách,...; mỗi yếu tố có vai trò riêng, không thể coi nhẹ bất cứ yếu tố nào. Ví dụ, hiện nay đang nổi cộm lên vấn đề ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung, đặc biệt cho khoa học xã hội, cho nghiên cứu lý luận; vấn đề quan tâm và đổi mới các chính sách đối với cán bộ lý luận. Những vấn đề đó nếu không được giải quyết thì rất khó nói đến sự phát triển công tác lý luận và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận.
Cần sớm đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ lý luận nói riêng, cán bộ khoa học nói chung. Trong cải cách chế độ tiền lương, cần quan tâm đãi ngộ đúng mức cả về vật chất và tinh thần; cả lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị cho đội ngũ những người làm khoa học, làm công công tác lý luận; vì đa số họ vừa là đảng viên, vừa là người trí thức của Đảng trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển lý luận; giảng dạy và truyền bá lý luận. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và tôn vinh những cống hiến của cán bộ lý luận, nhất là những người có tư duy lý luận đột phá vì lợi ích chung, vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin, mở rộng giao lưu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học và các cơ quan khoa học tiếp cận rộng rãi và nhanh nhạy với những phát triển mới của thế giới, đó là điều kiện không thể thiếu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận giỏi toàn diện./.
giải pháp này rất hay
Trả lờiXóa