Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

 

Không thể phủ nhận vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế trong quá trình phát triển đi lên. Đúng là nước ta còn nghèo, thu nhập còn ở mức trung bình thấp, nhưng đó không phải là lỗi của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc ta lựa chọn mà do chính thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch, tay sai đã kéo lùi sự phát triển của đất nước ta.

          Nhưng giờ đây, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc đổi mới 35 năm qua là bằng chứng của sự vươn lên, khẳng định quá trình phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là bằng chứng sống động bác bỏ những toan tính của các phần tử chống đối, thù địch muốn chúng ta rời bỏ lựa chọn này, chia rẽ sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã tạo ra kỳ tích về xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ 50% xuống còn khoảng 2%. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm.

          Việt Nam đang hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng khi tầng lớp trung lưu chiếm 10% dân số hiện nay sẽ tăng lên 50% vào năm 2035 theo như dự báo của Ngân hàng thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết cũng chính là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới và cố gắng đạt được.

          Nhìn lại những năm qua, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột quân sự đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân ở nhiều quốc gia khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Mặc dù vậy, vượt bao khó khăn, sóng gió của đại dịch, Đảng, Nhà nước luôn giữ những nguyên tắc bất di, bất dịch. Đó là ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết. Mục tiêu ấy phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Những nỗ lực của Việt Nam đã chứng minh rằng, chúng ta đã giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Chính thực tế này thêm khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ còn lâu dài, liên tục, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách và không thể nóng vội. Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường ấy sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn, đất nước sẽ ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, giàu mạnh.

 

1 nhận xét: