Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế
Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật liên quan đến tự do tôn giáo tương đối hoàn chỉnh, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Với sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cơ bản đã xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo làm công cụ pháp lý cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành luật riêng về tự do tôn giáo (hơn 20 quốc gia ban hành luật riêng về tôn giáo). Việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách và luật pháp về tôn giáo được quan tâm coi trọng, quyền tự do tôn giáo của mọi người được bảo đảm trong thực tế theo quy định của pháp luật.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được thực hiện trong thực tiễn, được pháp luật bảo hộ và được chính quyền tạo điều kiện.
Trước hết, số lượng tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng, sinh hoạt đời sống tâm linh, tôn giáo diễn ra sôi động. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo không ngừng tăng lên. Năm 1997, cả nước có trên 15 triệu tín đồ, chiếm hơn 20% dân số; đến năm 2021, số tín đồ của 41 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tăng lên 26,59 triệu người, chiếm trên 27% dân số. Bên cạnh đó có hơn 200 nghìn người thuộc 70 nhóm Tin lành tư gia và trên 30 nghìn người thuộc hơn 60 hiện tượng tôn giáo mới (“đạo lạ”), chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung(12). Ngoài ra, đại đa số người Việt Nam có đời sống tâm linh, theo tín ngưỡng đa thần truyền thống.
Người Việt Nam ít theo tôn giáo (27% dân số theo tôn giáo, trong khi 84,5% dân số thế giới theo tôn giáo), nhưng đa số người Việt Nam (trên 75% người Việt Nam nói chung; trên 80% người dân tộc thiểu số nói riêng) theo tín ngưỡng đa thần truyền thống. Đó là điểm khác biệt so với các quốc gia phương Tây hay quốc gia theo tôn giáo độc thần (Kitô giáo, Islam giáo). Vì thế, dù không theo tôn giáo, song người Việt Nam lại có đời sống tâm linh sâu đậm, tham gia sinh hoạt tín ngưỡng sôi nổi, nhiệt tình. Điều này thể hiện khá rõ trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động ở khắp các vùng, miền, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội, nhất là vào dịp đầu năm, lễ hội truyền thống. Tín đồ các tôn giáo đều thực hiện sinh hoạt tôn giáo thường xuyên trong gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của mỗi tôn giáo. Các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thời gian kéo dài, thu hút một số lượng rất lớn, không chỉ tín đồ, mà cả những người không theo tôn giáo tham dự. Nhiều hoạt động tôn giáo thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, như các kỳ đại lễ Vesark của Phật giáo (các năm 2008, 2014, 2019); lễ hành hương thánh địa La Vang, lễ khai mạc Năm thánh (năm 2010), đại hội giới trẻ của Công giáo; lễ công nhận pháp nhân, kỷ niệm khai đạo của Cao Đài; Phật giáo Hòa Hảo; lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam (năm 2011); lễ kỷ niệm 500 năm cải cách Tin lành (năm 2017)(13). Các tôn giáo, như Phật giáo, Công giáo, Tin lành tổ chức nhiều cuộc lễ kết nạp tín đồ tập thể với quy mô lớn, số lượng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, như lễ Quy y cho 3.755 người dân tộc thiểu số (Ba Na và Sơ Đăng) ở tỉnh Kon Tum (tháng 4-2009); cho 5.311 người (dân tộc Xtiêng) ở tỉnh Bình Phước (tháng 7-2011)(14); lễ Báp-tem tập thể của Tin lành; lễ rửa tội, lễ thêm sức tập thể của Công giáo(15). Đây là những điểm mới, ít nơi nào trên thế giới có được, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước Việt Nam và các cấp chính quyền tạo điều kiện, bảo đảm.
Thứ hai, các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân ngày càng nhiều và tiếp tục gia tăng. Trước năm 1990, Nhà nước mới công nhận ba tổ chức, gồm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc, năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981). Từ năm 1990 đến năm 2004 (trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) 6 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo (Hồi giáo), 12 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2004 đến năm 2017 (thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) có 15 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2018 đến năm 2021 (thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo): 1 tổ chức tôn giáo được công nhận, 3 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Đến năm 2021, cả nước có 16 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hay đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tổ chức tôn giáo trực thuộc, 3.803 điểm, nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân hay cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, tích cực củng cố tổ chức giáo hội, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Công tác đào tạo chức sắc được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 6 cơ sở đào tạo tôn giáo (Phật giáo: 2, Công giáo: 4). Đến năm 2021, cả nước có 63 cơ sở đào tạo người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp (Phật giáo: 46; Công giáo: 11; Tin lành: 3; Cao Đài: 2; Phật giáo Hòa Hảo: 1), mỗi năm có hàng nghìn người tốt nghiệp. Năm 2021, cả nước có 8.884 người tốt nghiệp ra trường, 13.350 người đang theo học. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài. Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh (từ 31.548 người năm 1995, lên 54.125 người năm 2021). Ngoài ra còn có đội ngũ nhà tu hành đông đảo (riêng Phật giáo hiện có 54.000 tăng, ni; Công giáo có 6.000 giáo sĩ, 31.000 tu sĩ). Cả nước hiện có trên 108.770 chức sắc, nhà tu hành(16), cơ bản đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ.
Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1990 đến nay, cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khá mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở(17), tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự. Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang to lớn, có công trình lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, cấp đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo(18).
Các tôn giáo còn đẩy mạnh việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo. Trong 5 năm (2000 - 2004), Nhà xuất bản Tôn giáo đã in ấn, xuất bản được 719 ấn phẩm tôn giáo với số lượng 4,2 triệu bản, trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai. Đó là chưa kể một số lượng rất lớn kinh sách in ấn thông qua xuất bản khác hoặc được in ấn ở các cơ sở khác(19). Bên cạnh kinh, sách, báo chí in ấn, mảng kinh, sách, tài liệu, báo chí điện tử rất đa dạng, phong phú với số lượng không hạn chế cấp không cho tín đồ và những người quan tâm qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về tôn giáo, năm 2022, Bộ Công an cung cấp 17 đầu sách (9 đầu kinh sách, 8 đầu sách tìm hiểu về tôn giáo) với 4.418 cuốn cho 54 trại giam, tạm giam trong cả nước.
Những số liệu nêu trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều ấy càng khẳng định sự đúng đắn trong chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo của Việt Nam và sự phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, chứ không phải dựa vào một số hiện tượng nhỏ lẻ để rêu rao rằng, luật pháp Việt Nam “đi ngược với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”. Những nhận định ấy là không đúng, thiếu khách quan với thực tế luật pháp, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Do đó, việc Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa Việt Nam vào nhóm các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) theo đề nghị của Ủy ban này trong suốt 15 năm (từ năm 2007) đến nay là đúng đắn.
Đồng thời, để công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc có hiệu quả, góp phần làm cho xã hội và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn luật pháp về tự do tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta cần chú trọng đến các giải pháp sau: 1- Tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến về luật pháp về tự do tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở nước ta cho toàn dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn; 2- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 3- Quán triệt nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị về quan điểm, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; nghiêm túc chấp hành chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 4- Đa dạng hóa công tác truyền thông, kịp thời và nâng cao chất lượng của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên phương diện tín ngưỡng, tôn giáo. Đi đôi với đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch cần phải tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận của Đảng về tôn giáo ngày càng sâu sắc hơn, đáp ứng với yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới./.
tự do tôn giáo ở Việt Nam là số 1
Trả lờiXóa