CÁCH NGĂN CHẶN TIN
GIẢ TRÊN MẠNG
Khó ngăn chặn hoàn toàn tin giả nếu không có sự tham gia, tuân thủ của người dùng Internet và các nền tảng mạng xã hội, theo cơ quan quản lý.
Không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, thông tin lan truyền
nhanh trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự
thật, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Các thông tin này ảnh hưởng đến
các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng an ninh và gây thiệt hại về kinh tế.
Bộ TTTT cho biết đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản
lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn và xử lý tin giả, thông tin sai sự
thật, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó ngăn
chặn hoàn toàn. Đó là lý do Bộ vừa ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả
Cần sự tham gia của người dân để ngăn nạn tin giả
“Muốn quản lý được tin giả không dừng lại các công cụ đo, rà
quét, đánh giá dành cho cơ quan quản lý, mà còn phải trao cho cộng đồng người
dùng Internet những bộ công cụ để có cách ứng xử
phù hợp và góp phần chung tay loại trừ tin giả”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết tại buổi giới thiệu cẩm nang phòng chống
tin giả.
Cẩm nang này có 2 phiên bản, giấy và điện tử, với dung lượng
khoảng 100 trang. Nội dung được chia làm 2 phần, thứ nhất là các điểm cơ bản cần
nhớ khi đọc thông tin trên mạng, thứ hai là các chi tiết chuyên sâu hơn về xử
lý tin giả.
“Phần thứ nhất là phần cần tiếp cận rộng rãi đến người dân
nhất, gồm 8 điều cần nhớ, bắt đầu từ việc nhận biết một tin thế nào là giả dựa
trên một số dấu hiệu”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền
hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết.
Theo đó, cẩm nang cho biết các dấu hiệu của tin giả là tiêu
đề giật gân, không rõ nguồn thông tin hoặc nguồn không đáng tin cậy. Ngoài ra,
khi tiếp cận thông tin, người đọc cần kiểm tra chéo và tránh bình luận, chia sẻ
khi thông tin chưa được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền.
“Có những trường hợp người đọc chia sẻ, phát tán tin giả và
vô tình vi phạm pháp luật”, ông Thanh Lâm nói. Trong trường hợp “lỡ” chia sẻ, cẩm
nang hướng dẫn người dân gỡ bỏ thông tin sai sự thật, đưa ra lời đính chính và
hợp tác với cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Xử lý tin giả như thế nào?
Khi đã xác định tin giả, bước xử lý đầu tiên là cần lưu lại
bằng chứng như đường link, hình ảnh. Ông Lê Quang Tự Do cho biết đây là bước
quan trọng, bởi chính Trung tâm xử lý tin giả cũng gặp khó khăn khi người dân
phản ánh mà không có bằng chứng.
Về phương diện xử phạt, Cục trưởng PTTH&TTĐT thừa nhận mức
phạt hành chính hiện tại ở Việt Nam vẫn thấp, không so được với mức tiền mà nhiều
người nổi tiếng nhận để tung quảng cáo sai sự thật. “Quảng cáo sai sự thật cũng
là tung tin giả”, ông Do khẳng định, tuy nhiên cho biết thêm không thể tăng mãi
mức phạt hành chính để “đọ” với tiền quảng cáo.
Giải pháp cho hiện tượng này, theo đại diện Cục
PTTH&TTĐT, là chặn dòng tiền quảng cáo đối với các nhãn hàng sử dụng tin giả
để quảng bá. Bên cạnh đó, Cục cũng đưa ra biện pháp là hạn chế, khóa tài khoản
của KOL, như trường hợp một TikToker gần đây.
Ngoài ra, Cục PTTH&TTĐT cũng đang phối hợp với Bộ Văn
hóa, Thể thao, Du lịch để đưa ra quy trình hạn chế hình ảnh của nghệ sĩ, người
nổi tiếng, từ đó giảm hiện tượng lợi dụng sự nổi tiếng để kiếm tiền.
Cơ quan quản lý cũng lưu ý một phần trách nhiệm thuộc về các
nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. “Thậm chí một số nền tảng còn có thuật toán để
những tin giả lan truyền nhiều hơn tin thật, bởi vì các tin này được nhiều lượt
tương tác hơn, ví dụ như Facebook”, ông Tự Do nói.
Vì vậy các yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ trong và
ngoài nước bao gồm cảnh báo cho người dùng về rủi ro khi hoạt động trên mạng, đảm
bảo đầy đủ điều kiện về kỹ thuật để loại bỏ nội dung vi phạm và phối hợp với cơ
quan chức năng để xử lý nội dung vi phạm. “Đây không phải những quy định pháp
luật mới, mà là tập hợp các quy định đã có hiện nay đối với các nền tảng mạng xã
hội”, Cục trưởng PTTH&TTĐT cho biết.
cần xử lý thật nghiêm những người tung tin giả
Trả lờiXóa