Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Cảnh báo những hiện tượng cài cắm “lợi ích nhóm” và “bảo kê” chính sách

 


Trước hết phải khẳng định rằng, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp, nhiều bộ luật, luật được ban hành góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông những ách tắc, thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển, mọi mặt đời sống xã hội có chuyển biến rõ rệt. Chỉ tính nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 80 văn bản pháp luật, trong đó đa số các luật đều được chuẩn bị cơ bản chu đáo, công phu, vì lợi ích chung của nhân dân, của doanh nghiệp, của đất nước.

Tuy nhiên, như Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống” còn nhiều. Trong khi đó, vẫn còn biểu hiện tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Theo luật định, quy trình soạn thảo, ban hành luật bao gồm các bước cơ bản như: Soạn thảo luật, nghị quyết; lấy ý kiến vào dự án luật, dự thảo nghị quyết; thẩm định dự án luật, dự thảo nghị quyết; Chính phủ xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội; thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết; thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết; công bố về luật. Về tổng thể, đó là quy định hết sức chặt chẽ, nếu làm đúng quy trình, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng ở tất cả các bước thì có thể phòng ngừa được "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật có thể nảy sinh, xuất hiện ở cả 3 công đoạn.

Ở công đoạn đưa ra sáng kiến dự thảo luật, bộ, ngành là cơ quan chủ trì đưa ra mô hình tổng thể của dự thảo luật, chứng minh sự cần thiết, tính cấp bách phải xây dựng và ban hành luật. Ở công đoạn này, cơ quan quản lý nhà nước luôn cố gắng chứng minh, giải trình phương án chính sách đưa ra theo hướng có lợi cho bộ, ngành mình. Khi dư luận hoài nghi về sự cần thiết khách quan của dự thảo luật thì chủ thể xây dựng dự thảo luật tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để rộng đường dư luận. Nhưng tôi được biết, thời gian qua, một số bộ, ngành chỉ mời những người ủng hộ quan điểm của họ, những người có ý kiến phản biện nghiêm túc, trách nhiệm thì họ không mời, từ đó dẫn tới kết quả hội thảo, tọa đàm chỉ toàn ý kiến ủng hộ, nhất trí. Điều đó phản ánh không thực chất, khách quan về dự thảo luật.

Ở công đoạn soạn thảo luật, xây dựng chi tiết các chương, điều, những người được giao trách nhiệm soạn thảo dễ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ nên thường đưa ra những quy định có lợi cho bộ, ngành mình, thậm chí có lợi cho một nhóm lợi ích thực thi chính sách sau này. Chẳng hạn, có không ít dự thảo luật đưa ra quy định về lập quỹ tài chính. Dưới vỏ bọc “xã hội hóa”, tưởng như những loại quỹ vận động tài chính từ các tổ chức, cá nhân là hợp pháp, nhưng khi đi vào cuộc sống, những quỹ này có thể được sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bị “nhào nặn” biến tướng để mang lại lợi ích cho một nhóm người.

Ở công đoạn thẩm định, thẩm tra dự thảo luật, nếu người có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dễ dãi, nể nang và thiếu trình độ, kỹ năng, năng lực thẩm định, thẩm tra thì để tồn tại những kẽ hở trong luật. Đấy là chưa kể có hiện tượng “đi cửa sau” mà nói thẳng là có sự thông đồng giữa người soạn thảo dự luật và người thẩm định, thẩm tra dự thảo luật. Thậm chí, vì đồng tiền chi phối, mua chuộc, có người được giao trọng trách thẩm tra nhưng sẵn sàng chà đạp lên lợi ích chung của nhân dân, của đất nước để “bảo kê” chính sách cho cơ quan soạn thảo.

Những người manh nha xây dựng nên “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ vốn là những con người phá vỡ nguyên tắc; họ “ăn cơm nhà nước, gánh vác việc công” nhưng lại không thật sự vì dân, vì nước, mà vì những lợi ích cá nhân hẹp hòi. Có những người còn bị hướng lái bởi sự vận động hành lang tinh vi, thiếu lành mạnh của cơ quan soạn thảo chính sách, mà thực chất là họ đã bị đồng tiền “xuyên thủng” sự liêm chính của mình. Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đã nhầm vai giữa hành pháp và lập pháp, “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên không đủ dũng khí phản biện nghiêm túc và không thể hiện bản lĩnh để bảo vệ chính kiến, chân lý xác đáng của mình.

Thế nên, không ngẫu nhiên mà trong buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật, tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11-2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: “Đã là cán bộ làm công tác pháp luật, hơn ai hết phải là những người làm rất chuyên nghiệp và cũng phải rất bản lĩnh. Tôi rất mong muốn là trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, dù làm công việc gì cũng phải quán triệt các cơ sở chính trị rất quan trọng của Nhà nước ta trong công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ pháp luật. Hơn ai hết, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có bản lĩnh dám nói thẳng. Luật pháp chỉ là đúng, sai chứ không có khái niệm ở giữa”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét