Chưa
có con số thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn hằng năm ở nước ta đều đặn tổ chức
hàng nghìn cuộc hội thảo diễn ra ở các cấp, các ngành, địa phương...
Không thể phủ nhận tính thiết thực, hiệu quả và giá trị khoa học của những hội thảo trong công cuộc hiến kế, cải tổ, xây dựng, đổi mới đất nước; thế nhưng xoay quanh câu chuyện công tác tổ chức hội thảo thì vẫn còn đó nhiều vấn đề đáng bàn và đáng buồn.
Đâu
phải dịp tung hô
Tại một hội thảo của
ngành, chủ đề được xác định khá thiết thực, có ý nghĩa cả về phương diện lý
luận và thực tiễn. Thế nhưng, sau phần đề dẫn, các ý kiến tham luận khiến những
người chứng kiến, thậm chí những người trong cuộc không khỏi rầu lòng, lo nghĩ.
Tham
luận đầu tiên bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với báo cáo đề dẫn, rồi dành toàn bộ
thời gian trình bày về kết quả công tác mà cơ quan mình đạt được;
cũng không chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, cũng không đề cập đến những khó khăn,
vướng mắc. Đáng ghi nhận duy nhất của ý kiến này là nêu lên một vài kiến nghị,
nhưng nghe ra đề xuất đã quá cũ kỹ, mang nặng tính phiên phiến mà ai cũng đã
từng được nghe qua. Một số người chứng kiến hội thảo tỏ ra ái ngại: Hội thảo
chứ có phải hội nghị báo công đâu mà phát biểu “sặc mùi” báo cáo thành tích như
vậy?
Càng
thất vọng khi lần lượt các ý kiến tiếp theo có nội dung na ná như vậy. Kiểu là
cơ quan mình, địa phương mình đã rất cố gắng quán triệt, triển khai, rồi khẳng
định: Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính
quyền; nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của cấp trên...
Có rất ít ý kiến mổ
xẻ vấn đề trọng tâm của hội thảo, nói thẳng về những vấn đề đặt ra, chia sẻ
những băn khoăn, trăn trở, đề xuất kiến nghị. May thay, có một ý kiến thẳng
thắn nói rõ: Hội thảo hoàn toàn khác với hội nghị báo cáo thành tích. Nếu
tất cả đại biểu chỉ tập trung nói về kết quả của cơ quan, địa phương mình thì
chủ đề, nội dung hội thảo đưa ra sẽ không tìm được lời
giải, sẽ không có căn cứ khoa học để tổ chức thực hiện trên thực tế. Nếu như
vậy thì ý nghĩa, mục đích của hội thảo không thể đạt yêu cầu và hội thảo
không còn đúng nghĩa nữa.
Chính
vì hội thảo bị biến tướng, trá hình như thế nên mới xảy ra tình trạng đại biểu,
khách mời đến dự khai mạc, tham luận báo cáo xong thành tích của cơ quan, địa
phương mình là “cáo bận rút về”. Có trường hợp thản nhiên ngủ gật hoặc sử dụng
điện thoại... chờ đến “phần hội” sau hội thảo.
Điều
đó phần nào cho thấy những vấn đề được nêu ra tại các hội thảo không nhận được
sự quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng không tâm huyết, thiếu trách nhiệm. Chính
vì thế mà không ít tham luận khoa học có nội dung “báo cáo thành tích” của các
đại biểu bị “xếp xó”, “cất tủ” sau khi hội thảo tuyên bố kết thúc.
Hội thảo phải là cuộc
gặp gỡ của những người có cùng mối quan tâm về một vấn đề khoa học hoặc thực
tiễn cấp thiết, cần thiết để cùng nhau tranh luận đi đến chân lý của tri thức.
Các cuộc hội thảo cần tập trung thảo luận về các vấn đề mang tính khoa
học,
lý luận và thực tiễn đang xảy ra.
Mục
đích hội thảo là làm sáng tỏ các cơ sở lý luận, thực tiễn của vấn đề. Có thể
nói, đây là hình thức mang đậm tính chất chuyên đề, nhằm mang lại hiệu quả tốt
trong công tác nghiên cứu khoa học hoặc quản lý, điều hành xã hội. Nói cách
khác, hội thảo phải thu hoạch được giá trị khoa học và thực tiễn về một vấn đề
thiết yếu cần quan tâm, chứ không phải một dịp tung hô, bày tỏ lòng biết ơn với
cấp trên hay đi kể lể công trạng của tổ chức, cơ quan, địa phương mình.
Cái
cớ để giải ngân, giải trí?
Vì
hội thảo có vai trò, vị trí hết sức quan trọng như vậy nên ở tầm vi mô hay vĩ
mô, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn, nhỏ
khác nhau là cần thiết. Thế nhưng thực tế cho thấy, số lượng hội thảo càng tăng
thì chất lượng hội thảo lại bị “giảm xuống”-ấy mới là điều đáng bàn và đáng
buồn.
Thẳng
thắn mà nói, nhiều hội thảo bảo đảm rất tốt phần nghi lễ, thể hiện sự
trang trọng, nghiêm cách, có số lượng đại biểu tham dự khá đông đảo, hiện thực
“phần hội” thì rất trịnh trọng, nhưng “phần thảo” gần như chưa được quan tâm
đúng mức. Thành thử, “hội” nhiều nhưng “thảo” ít nên mục đích cao nhất của hội
thảo vô hình trung bị “biến tướng”, sai lệch nghiêm trọng.
Thật
đáng lên án nếu như có hội thảo nào đó được tổ chức là để... “giải ngân” vì
trong kế hoạch hằng năm của các cơ quan, đơn vị thường có nguồn chi cho các...
hội thảo. Thế nên mới có những hội thảo kéo dài 2-3 ngày một cách không đáng.
Thậm
chí, rất dễ “điểm mặt” các cuộc hội thảo của ngành này, địa phương nọ lại “kéo
nhau” đến một địa điểm du lịch nổi tiếng để tổ
chức rầm rộ, rình rang. Ở đó, dù hội thảo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn,
nhưng các đại biểu được triệu tập từ rất sớm, được tham gia các hoạt động “bên
lề”; được tiệc tùng liên hoan, nghỉ khách sạn và “thụ hưởng” các chế độ chẳng
khác gì một dịp đi du lịch.
Lại có một thực tế
nữa là cùng với họp hành, “công việc” hội thảo đang chiếm một thời lượng không
ít của nhiều cán bộ, công chức. Thế nên mới có thông tin báo chí nêu về một vị
lãnh đạo cấp thành phố mỗi năm nhận được 700 giấy mời đi họp, đi hội thảo ở cấp
Trung ương và địa phương.
Đã
có những thống kê cho thấy, trên cả nước, mỗi tuần có vài trăm cuộc hội thảo.
Ngoài việc đi hội thảo theo kế hoạch, theo nhiệm vụ được phân công, một điều rõ
ràng là không ít cán bộ tham dự vì xem đây là một dịp xả stress, được nghỉ
dưỡng, hoặc được tri ân, được nhận tiêu chuẩn “phong bao, phong bì”.
Vậy là, dù mang danh
hội thảo, tổ chức rất tốn công, tốn sức nhưng kết quả và ý nghĩa mang lại thì
hết sức khiêm tốn. Thực tế này phải chăng đang là một biểu hiện hết sức đáng
quan ngại, gây thất thoát tài sản công, lãng phí trí tuệ, sức người, sức của
của tổ chức và nhân dân.
Thực
chất, cái đích cao nhất của hội thảo là đi đến tận cùng các vấn đề tri thức
khoa học, tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề mà thực tiễn đang cần, lòng dân
đang mong. Vì vậy, bất di bất dịch, hội thảo phải tập trung vào phần “thảo”,
chứ không chỉ chăm chăm vào phần “hội” như không ít cơ quan chủ trì và những
người làm công tác tổ chức phải lo lắng, trăn trở. Trong khi không ít địa
phương, cơ quan, đơn vị đang khó khăn, chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu
tư công, thì tổ chức hội thảo lại đang trở thành một kênh lãng phí, gây bức xúc
trong dư luận xã hội và chính những người trong cuộc.
Để
khắc phục tình trạng này, rất cần những chuẩn mực về quy trình, quy định cấp
phép cho các hội thảo; không nên để hội thảo diễn ra tràn lan, hình thức, tốn
kém như thời gian qua. Trong đó, những người đứng đầu, những người làm công tác
tổ chức cần thay đổi tư duy, đặt ra yêu cầu cao trong công tác chuẩn bị và vận
hành hội thảo.
Để hội
thảo không bị biến tướng, trá hình
Rõ
ràng, giá trị của hội thảo là rất lớn. Đó là dịp để các nhà khoa học, đại biểu
góp tiếng nói, ý kiến cá nhân để luận bàn, tranh thảo, thống nhất tư duy và
hành động; phát huy trí tuệ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên
quan đến chủ đề. Để hội thảo đạt thực chất, việc trước hết và quan trọng hàng
đầu hiện nay là những người tổ chức phải biết cách lựa chọn chủ đề cho thật
đúng và trúng. Hội thảo sẽ nói về chủ đề gì? Mục đích nhằm hướng tới cái gì? Từ
xác định rõ chủ đề, mục đích, yêu cầu, rồi lựa chọn đúng diễn giả để bàn bạc kỹ
nội dung, sắp xếp các ý kiến tham luận, phản biện sao cho phù hợp...
Các
buổi hội thảo sẽ rất cuốn hút, mang lại những kiến thức và sự trải nghiệm bổ
ích nếu biết khơi dậy những quan điểm, ý kiến (kể cả trái chiều) khi muốn tìm
hiểu một vấn đề nào đó. Quá trình hội thảo phải có người này nêu vấn đề, người
kia giải đáp, người khác tranh biện, thì mới trở nên hấp dẫn; chứ không phải
mỗi người một tham luận riêng lẻ, trình bày lần lượt theo kịch bản sơ cứng, có
sẵn.
Để
hội thảo không rơi vào hình thức, không bị biến tướng, những người có trách
nhiệm phải làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là về nội dung hội thảo. Nhiều nhà
quản lý cho rằng, nội dung thảo luận cần đi vào những vấn đề cụ thể, toàn diện,
đề cập cả phương diện lý luận, thực tiễn và xoáy sâu vào các vấn đề vướng mắc
để thống nhất đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Định hướng thảo luận
cần cả nội dung trái chiều để tranh luận, làm rõ vấn đề chính, xuyên suốt. Cần
tránh tình trạng nội dung chính thì thảo luận sơ sài, việc cũ bàn nhiều, việc
hiện tại và tương lai bàn ít, việc không liên quan thì đề cập một cách tùy
hứng, cảm tính, nặng tính chủ quan.
Các
đại biểu dự hội thảo phải nghiên cứu kỹ chủ đề, nội dung, nắm chắc yêu cầu và
“đầu bài” ban tổ chức đặt ra để tập trung vào vấn đề trọng tâm một cách ngắn
gọn-chỉ nói những nội dung cần nói. Có như vậy thì khi hội thảo diễn ra mới
thật sự là một diễn đàn khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả.
Cũng cần lưu ý rằng,
hội thảo muốn đạt mục đích và có chất lượng thì phần thảo luận phải bảo
đảm tính dân chủ, công khai, thực chất với sự tham gia của đông đảo đại
biểu, chứ không phải cầu toàn, chỉ định một số cá nhân diễn theo kịch bản.
Có
nghĩa, cần khắc phục tình trạng “kịch bản hóa hội thảo” một cách sơ cứng; rơi
vào dân chủ hình thức, dân chủ một chiều, chỉ tung hô thành tích, hoặc cổ xúy
cho những nội dung, yếu tố tích cực. Dân chủ trong phát biểu, trình bày quan
điểm cá nhân nhưng phải bảo đảm tính nguyên tắc, xây dựng, hướng đến làm rõ vấn
đề quan tâm, chứ không phải dựa vào thảo luận để phê bình, xoáy vào thực trạng
mà không bàn giải pháp, chỉ ra khó khăn, vướng mắc mà thiếu đề xuất, hiến kế...
Một
khi thực hiện tốt các phần việc nêu trên thì chắc chắn chất lượng hội thảo sẽ
có bước chuyển biến tích cực. Đồng thời, khi kết thúc hội thảo, phải làm tốt
việc rút kinh nghiệm, phê bình, chỉ rõ mặt tồn tại, hạn chế trong công tác tổ
chức; nhất là phải đấu tranh, khắc phục tình trạng “khai hội”, “tan hội” trong
tiếng vỗ tay, rồi “khi xong xuôi tất cả lại về”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét