Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

KHOẢNG TRỜI RIÊNG CỦA PHI ĐỘI NGÀY ẤY.


Những đồng đội trong phi đội ngày ấy (người ngoài cùng, bên phải là Phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa). Ảnh do nhân vật cung cấp.
QĐND-Tôi hơi ngạc nhiên khi được Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa mời lên căn phòng riêng của vợ chồng ông. Thông thường, ở không gian riêng tư như vậy, người ta hay trưng bày các hình ảnh lãng mạn của vợ chồng, con cái… Nhưng ở đây, nó giống như một “bảo tàng” nhỏ về truyền thống của bộ đội không quân, trong đó có nhiều hình ảnh, hiện vật quý giá về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mà ông là một người anh hùng, có đóng góp xứng đáng vào chiến công chung. Ký ức của 12 ngày đêm oanh liệt trên bầu trời Hà Nội 40 năm trước đã trở thành một phần máu thịt của cuộc đời ông. Ngày ấy, Nguyễn Văn Nghĩa là một Phi đội trưởng thuộc Trung đoàn 927 Không quân, trực tiếp bắn rơi tại chỗ một máy bay F4 của Mỹ. Với ông, đó không chỉ là những chiến công hiển hách, ghi tên ông vào danh sách những người anh hùng của lực lượng không quân Việt Nam ngay sau chiến dịch kết thúc, mà còn là khoảng ký ức thấm đẫm nghĩa tình đồng đội, là nhịp cầu duyên cho những mối tình cảm động. “Mình được trở về, được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc, trong lúc nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại tuổi hai mươi. Mỗi năm cứ đến dịp này, vợ chồng tôi lại nhớ về những kỷ niệm ngày xưa, lòng chợt ngậm ngùi!” - Ông Nghĩa tâm sự.
Từ trong hạnh phúc…
Ngày đó, những phi công thuộc Trung đoàn 927 sau những khoảng thời gian lăn lộn trên đường băng, lướt cánh cùng những “con chim sắt” trên bầu trời để huấn luyện, chiến đấu, định kỳ các anh lại được đưa về chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện 108. Không gian bệnh viện trong những khoảng thời gian hiếm hoi ấy đã trở thành “ông tơ, bà nguyệt” kết nối trái tim của những chàng phi công với các nữ y sĩ, y tá, điều dưỡng viên. Bà Phan Thị Quỳnh, vợ Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại:
- Thời kỳ ấy ở Bệnh viện 108 có một khoa chuyên chăm sóc sức khỏe cho các anh phi công. Tôi là y sĩ của Khoa Xét nghiệm. Trong một lần lấy máu cho anh để làm xét nghiệm, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến của chàng phi công lịch lãm, điển trai. Các anh phi công ngày ấy ai cũng rắn rỏi, cường tráng, đẹp trai nên được các nữ y sĩ, y tá, điều dưỡng viên “chăm sóc” chu đáo lắm.
Ông Nghĩa cũng hồi tưởng:
- Nữ thầy thuốc trẻ ở bệnh viện ai cũng xinh đẹp, duyên dáng, dịu dàng, hết lòng vì bệnh nhân. Cánh phi công chúng tôi mỗi lần vào viện lại “ra về mà chẳng muốn về”…
Nhiều mối tình giữa các phi công và nữ thầy thuốc trẻ đã chớm nở, nhưng trong phi đội ngày ấy, chỉ có Nguyễn Văn Nghĩa và Phan Thị Quỳnh đến được bến bờ hạnh phúc. Những đồng đội còn lại, nhiều người đã hy sinh, để lại sau lưng mình một khoảng trời riêng dang dở mà cho đến nay, dẫu đã 4 thập kỷ đi qua, vẫn còn nặng trĩu nỗi niềm…
Nguyễn Văn Nghĩa - Phan Thị Quỳnh bén duyên nhau từ năm 1969. Với phong cách lịch lãm, vốn hiểu biết sâu rộng, anh dũng trong chiến đấu… chàng phi công quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã khiến trái tim cô gái trẻ vừa tốt nghiệp trường y thầm nhớ, trộm thương. Nhưng rồi nhiệm vụ liên miên, họ rất ít có cơ hội gặp nhau. Ròng rã 4 năm kể từ lần gặp đầu tiên đến ngày cưới, hai người chỉ ở bên nhau được 3 lần. Còn lại, lời thương lời nhớ chỉ trao gửi qua những cánh thư. Mỗi lần có đồng đội của anh Nghĩa đến bệnh viện, cô y sĩ trẻ lại được nghe kể về những câu chuyện trong chiến đấu của người yêu. Tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân của đế quốc Mỹ, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã cất cánh làm nhiệm vụ 100 lần, trong đó xuất kích trực tiếp chiến đấu 68 lần, có 9 lần gặp địch, 8 lần nổ súng, phóng 8 quả đạn tên lửa, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, có 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 2 giặc lái và tạo điều kiện cho số 2 bắn rơi 1 chiếc máy bay F4 khác của Mỹ. Cô gái luôn tự hào về người yêu. Ngược lại, cô y sĩ trẻ chính là động lực, niềm tin tiếp sức cho chàng phi công hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Họ hẹn nhau khi chiến tranh kết thúc, hai người sẽ xây tổ ấm. Và lễ cưới của đôi uyên ương đã được tổ chức đúng vào ngày ký Hiệp định Pa-ri năm 1973. Sau này, khi Đại tá Nghĩa được phân công vào TP Hồ Chí Minh công tác, cô Quỳnh cũng chuyển vào làm cán bộ quân y của một đơn vị. Từ năm 1992 đến khi nghỉ hưu năm 2007, ông Nguyễn Văn Nghĩa chuyển ngành đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam. Ông bà có 2 con, một trai, một gái, hiện nay đều công tác trong ngành hàng không, trong đó cậu con trai là phi công lái máy bay dân dụng.
Đau đáu khoảng trời riêng
Nhớ lại những ngày khói lửa trên bầu trời Hà Nội, ông Nghĩa bùi ngùi:
- Các phi công trong phi đội của chúng tôi ngày ấy phần lớn là trai chưa vợ. Trong nhiều trận chiến đấu ác liệt, máy bay bị thương, nhiều đồng chí đã hành động dũng cảm, chấp nhận hy sinh để cứu máy bay, để lại những mối tình dang dở. Tôi là người may mắn được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn nên vợ chồng thường bảo nhau, mình sống không chỉ cho riêng mình mà còn sống phần của đồng đội đã mất…
Dòng hồi ức của vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa giúp tôi hiểu thêm, tại sao trong không gian riêng tư của mình, ông bà lại trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật của ngày xưa như vậy. Trong niềm hạnh phúc riêng tư, ông bà vẫn luôn gìn giữ, trân trọng những kỷ vật, ký ức về đồng đội. Các hình ảnh, hiện vật được ông bà sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trong một chiếc tủ kính trang trọng.
Có nhiều câu chuyện tình yêu dang dở, cảm động của những người cùng phi đội với Nguyễn Văn Nghĩa ngày ấy mà mỗi câu chuyện đều là một biểu tượng của phẩm chất anh hùng…
Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa đã khóc khi kể lại cho tôi câu chuyện tình của phi công Nguyễn Sĩ Giáp với cô y sĩ tên Thắm ở Bệnh viện 108. Họ cũng bén duyên nhau từ những lần anh Giáp đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Tình yêu đang độ chín muồi thì trong một trận chiến đấu, máy bay của Nguyễn Sĩ Giáp điều khiển bị trúng đạn kẻ thù và cạn nhiên liệu. Chỉ huy mặt đất phát tín hiệu cho phi công nhảy dù để bảo toàn tính mạng nhưng Nguyễn Sĩ Giáp đã quyết định cho hạ cánh để cứu máy bay. Khi tiếp đất, với tốc độ cực lớn của máy bay tiêm kích, phi công Nguyễn Sĩ Giáp bị va đập gây chấn thương nặng toàn thân. Anh được chuyển ngay đến Bệnh viện 108 cấp cứu nhưng mọi nỗ lực của các y, bác sĩ đều bất thành. Anh trút hơi thở cuối cùng ngay trong vòng tay cô Thắm ở bệnh viện…
Phi công Nguyễn Ngọc Thiên cũng vậy. Trong một trận chiến đấu vào ban đêm, máy bay của anh bị thương. Nhận được lệnh nhảy dù nhưng anh đã quyết định hạ cánh để cứu máy bay. Ngày anh hy sinh, người yêu anh khóc cạn nước mắt và quyết định để tang anh, thờ di ảnh của anh suốt đời. Ngày đi lấy chồng, cô đã kể cho chồng nghe tâm nguyện của mình. Người bạn đời của cô hết sức cảm động, trân trọng tình cảm thiêng liêng cao đẹp của cô. 40 năm qua kể từ ngày anh hy sinh, cô vẫn nhang khói thờ anh…
Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa cho tôi xem tấm ảnh chụp cảnh gia đình một đồng đội ở Vĩnh Long trong ngày đón nhận hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972. Người phi công ấy là Nguyễn Văn Lung. Thi hài của anh được đồng đội an táng tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Năm 2002, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa cùng đồng đội đã cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Lung về an táng tại quê nhà, thực hiện trọn vẹn lời ước nguyện cuối cùng của người mẹ già trước khi cụ nhắm mắt. Trước lúc hy sinh, phi công Nguyễn Văn Lung đã có mối tình tuyệt đẹp với một thiếu nữ xinh đẹp. Lời ước hẹn không thành, người con gái ấy đã để tang người yêu và thủ tiết để giữ trọn mối tình sắt son với anh. Về sau, cô gái ấy là một phụ nữ thành đạt, làm lãnh đạo một công ty lớn. Rất nhiều người yêu thương, theo đuổi nhưng cô không nhận lời cầu hôn của bất cứ ai. Hiện nay người con gái ấy đã ngoài sáu mươi, đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, nhưng với bà, mối tình với người sĩ quan phi công ngày ấy vẫn thắm tươi như bông hoa hồng vừa hé nụ trước hiên nhà…
Còn nhiều câu chuyện tình cảm động của phi công trong các phi đội chiến đấu trên bầu trời Hà Nội năm ấy, nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn, xin hẹn bạn đọc vào một dịp khác. Trước lúc rời căn nhà riêng của vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, tôi xin phép được chụp ảnh hai ông bà để đăng kèm bài báo, nhưng bà Quỳnh vội lấy khăn thấm khóe mắt, khẽ lắc đầu. “Tâm trạng cô thế này, cháu đừng chụp ảnh” - Bà nói nhỏ với tôi thế. Bà đã không kìm được sự xúc động khi nhắc đến những ký ức một thời khói lửa. Ở đó, phía sau những chiến công vang dội của những cánh bay, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy là một khoảng trời riêng mà nếu không kể, không viết ra, rất ít người biết tới.
Đó là khoảng trời riêng của những trái tim bất tử!
ST(LỮ NGÀN)
Có thể là hình ảnh về 3 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét