Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

LAN TỎA, TẠO ĐỘNG LỰC, TĂNG SỨC MẠNH CỦA ĐẢNG: TẠO CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG


Thúc đẩy việc học tập và làm theo Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của từng cán bộ, đảng viên và người dân, các cấp ủy, chính quyền đã hiện thực hóa bằng những kế hoạch hành động, chương trình cụ thể. Hiệu quả của việc học tập và làm theo Bác tạo động lực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đề cao vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.
Giải quyết hiệu quả các khâu đột phá
Năm 2022, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tới 11 điểm cầu ở các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và 98 điểm cầu cấp xã với gần 6.000 đại biểu tham gia học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, phát huy sáng tạo, khát vọng xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững”.
Câu chuyện đưa Bắc Kạn, một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, phát triển nhanh, bền vững đã có trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình hành động, kế hoạch. Và lần đầu tiên, nội dung này đã được đưa vào chương trình học và làm theo Bác ở mức cao hơn, đó là phát huy sáng tạo, khát vọng. Đảng bộ tỉnh mong muốn và quyết tâm đưa việc học tập và làm theo Bác bằng những hành động cụ thể, khơi dậy khát vọng và sáng tạo của hệ thống chính trị và từng người dân đối với sự phát triển của quê hương.
Bắc Kạn đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực trong học tập và làm theo Bác. Nổi bật trong đó là việc phân công các sở, ngành giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tỉnh ủy đã phân công 70 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 60 xã khó khăn (đạt dưới chín tiêu chí) xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm vận dụng lợi thế chuyên môn, tranh thủ các nguồn lực xã hội, các địa phương, đơn vị đã có nhiều hình thức giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Từ năm 2015 đến 2022, hàng nghìn việc làm có ý nghĩa với trị giá khoảng hơn 40 tỷ đồng đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tại các xã khó khăn. Đến hết năm 2021, Bắc Kạn có 21 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao; có 53 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bắc Kạn gắn việc học tập và làm theo Bác với giải quyết các vấn đề bức xúc.
Ngành Tài nguyên và Môi trường giải quyết những bất cập, vướng mắc trong công tác tái định cư công trình đường và đê bao chống lũ thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Bắc Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết vấn đề công tác quản lý giống cây trồng còn hạn chế... Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc tồn tại nhiều năm và những vấn đề mới phát sinh tại địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội và tạo niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền.
Dấu ấn rõ nét và thuyết phục
Thời gian qua, điểm nhấn nổi bật của việc học tập, làm theo Bác ở Lâm Đồng là mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa, đạt kết quả cao trong học tập và làm theo Bác. Các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị dưới cờ đầu tháng.
Các phong trào “Ngày chủ nhật vì môi trường” ở huyện Đạ Huoai; “Ngày chủ nhật vì nhân dân” ở huyện Đạ Tẻh; “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới” ở huyện Di Linh; “Ngày chủ nhật xanh” ở các cấp bộ đoàn trong tỉnh; đưa chữ “Lễ” vào trong trường học ở Lâm Hà; truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên ở huyện Lạc Dương, Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai; “Mỗi ngày làm một việc tốt, có ích” ở huyện Cát Tiên; “Cán bộ chủ chốt làm việc tại các cụm, địa phương ít nhất 1 lần/1 tháng” ở huyện Đam Rông; “Hũ gạo tình quân dân” ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Ngày thứ bảy vì dân” của Công an tỉnh; “Giám sát và phản biện xã hội” của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp…
Toàn tỉnh có 109 trong số 111 xã và bảy đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 217 khu dân cư tiêu biểu, 50 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận; 24 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; 1.012 mô hình tự quản tiêu biểu trong cộng đồng dân cư… đang phát huy hiệu quả và tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng chí Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, các cấp ủy đảng đã lựa chọn, xác định nội dung đổi mới, sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân thông qua các hoạt động, như nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri; tăng cường đối thoại với nhân dân; thực hiện dân chủ, chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống nhũng nhiễu, tiêu cực; nâng cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, “nói đi đôi với làm”…
Qua đó, đã phát huy được dân chủ, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, tạo sự đồng thuận trong huy động sức dân để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc tại địa phương, nhất là trong xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo các cấp ủy đảng rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức, xây dựng các tiêu chí phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, như “Minh bạch-Chuyên nghiệp-Liêm chính-Đổi mới”, “Công minh-Chính trực-Khách quan-Thận trọng-Khiêm tốn”, “Kỷ luật tốt, làm việc tốt, tự giác tốt, đánh giá tốt”, nội dung “5 xây, 5 chống”, “5 tiêu chí rèn luyện - 10 tiêu chí hành động”… tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên về tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân.
Quyết tâm chính trị và hành động thiết thực
Mặc dù việc đăng ký, xây dựng kế hoạch học tập và làm theo Bác là bài bản và cụ thể nhưng thực tiễn triển khai, tại Bắc Kạn vẫn còn tình trạng vi phạm chính những điều đã đăng ký. Tại huyện Chợ Mới, từ năm 2021 tới nay, chính quyền huyện và xã buông lỏng quản lý đất đai để cho nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hàng loạt các công trình vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng trên địa bàn xã Quảng Chu.
Theo xác định của ngành chức năng, có 11 tổ chức và hai cá nhân vi phạm nghiêm trọng, đã tự ý san ủi đất làm biến dạng địa hình, làm mất khả năng sử dụng khoảng hơn 78.600m2 đất; tự ý chuyển mục đích sử dụng khoảng hơn 88.800m2 đất trồng cây lâu năm, rừng sản xuất, đất ở nông thôn… Những sai phạm này diễn ra trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới đã ban hành hơn 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm. Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai tại Quảng Chu để chỉ ra sai phạm, xử lý nghiêm minh.
Theo Tỉnh ủy Bắc Kạn, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở một số cấp ủy cơ sở còn chậm, chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa có sự chuyển biến rõ nét. Việc xây dựng kế hoạch làm theo Bác của tập thể, cá nhân chưa sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chưa được kiểm điểm thường xuyên tại các cuộc họp chi bộ, cơ quan. Một số ít cán bộ, đảng viên chưa phát huy vai trò gương mẫu, nêu gương cho nên còn để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực được phân công quản lý làm giảm niềm tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ năm 2022, trong học tập và làm theo Bác, Tỉnh ủy Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo việc triển khai phải gắn với việc cụ thể, thiết thực. Gương mẫu đi đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đề ra ba nội dung học tập và làm theo Bác, gồm: lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lãnh đạo chỉ đạo công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Một trong những nội dung mà Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh trong học tập và làm theo Bác đó là xây dựng đội ngũ cán bộ “tâm huyết với quê hương”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho biết: Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể, phù hợp chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Những nội dung cốt lõi là: Có lòng tự trọng, có trách nhiệm với công việc, với nhân dân; Có đạo đức cách mạng, lòng nhân ái, là gương sáng cho nhân dân tin tưởng làm theo; Có kỹ năng, lòng nhiệt huyết, ý chí dũng cảm trong sáng tạo, đổi mới để nâng cao hiệu quả công việc góp phần đưa Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Những mô hình, cách làm hiệu quả tại các địa phương, đơn vị đã tạo sức mạnh, là nguồn động lực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét