Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Lối sống thực dụng, ích kỷ – Con đường ngắn nhất dẫn đến suy thoái – Kỳ 1: Xuất phát từ bệnh cá nhân

 

Những biểu hiện cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người và ở chế độ nào, thời kỳ nào cũng có. Ở Việt Nam cho dù trong thời kỳ bị đô hộ, phong kiến hay qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc rất cam go, ác liệt cũng xuất hiện tình trạng này, với mức độ nguy hại khác nhau. Song, thời kỳ trước những người mắc căn bệnh này rất hiếm mà đa phần cán bộ, đảng viên đều sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhiều đảng viên gần như dành cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, vì nghĩa lớn, vì việc chung mà không màng đến danh lợi.

Tuy nhiên, từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới đến nay, thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì lối sống thực dụng, ích kỷ xuất hiện khá phổ biến, diễn biến phức tạp, núp bóng dưới nhiều hình thức. Từ Trung ương đến cơ sở, từ người dân bình thường đến những đảng viên, thậm chí cả cán bộ cấp cao cũng có thể mắc căn bệnh này. Lối sống thực dụng, ích kỷ là cha đẻ của các căn bệnh nguy hại khác, như: Tham nhũng, quan liêu, cục bộ, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân… Những người có lối sống thực dụng, ích kỷ rất dễ nhận biết, vì luôn đặt “cái tôi” của mình lên cao nhất, luôn lấy giá trị vật chất, tiền bạc làm thước đo, chỉ chăm chăm vun vén cho bản thân và gia đình; có biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước, kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; lu mờ đạo đức cách mạng; cùng với “cánh hẩu”, thân tín của mình tìm mọi cách để trục lợi, từ những “kẽ hở” trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đôi khi còn mượn cớ tập thể lãnh đạo, lấy uy tín của tổ chức Đảng để làm lợi cho mình, gia đình mình hoặc quê quán mình. Người có căn bệnh này thường có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, lười suy nghĩ và lười làm việc, tranh công khi công việc được giao hoàn thành, đổ lỗi khi việc đó làm dở hoặc có khuyết điểm. Người có lối sống thực dụng, ích kỷ xuất phát từ bệnh cá nhân.

Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 120 vụ án/1.083 bị cáo với mức án rất nghiêm khắc… Đặc biệt, trong số này có 37 bị can, bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Về chức vụ trong Đảng, chính quyền có 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 2 bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh, thành phố; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy…

Trong tư tưởng của những người mắc căn bệnh này thường suy nghĩ “làm gì cũng phải có lợi cho ta”, “làm gì ta cũng có hoa hồng trong đó” hoặc “có màu”, có lợi ích thì việc mới trôi, mới nhanh… Người mắc căn bệnh này còn có biểu hiện rất hãnh tiến, thích được khen thưởng, ngại bị phê bình, nhắc nhở; kiếm chác được thì ha hả, không có gì thì hi hỉ, làm việc cầm chừng, “gió chiều nào, che chiều ấy”. Nếu không tiến thân được theo đúng “lộ trình”, không kiếm được “màu mè” như kỳ vọng hoặc bị kỷ luật sẽ nảy sinh tư tưởng bất mãn, chống phá, công kích tổ chức Đảng và những đồng chí lãnh đạo có uy tín, theo kiểu “không lên được, không ăn được” thì đạp đổ. Do vậy, những người này rất dễ bị kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng, cấu kết chống phá lại Đảng và chế độ ta, sẽ rất nguy hiểm. Nhất là mỗi khi cán bộ, đảng viên bị kỷ luật hoặc bị truy tố vì tham ô, hối lộ, lãng phí của công mà nguồn gốc xuất phát từ lối sống thực dụng, ích kỷ gây nên thì các thế lực thù địch, chống phá coi đó như một “món quà”, là cơ hội tốt để chúng tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu chế độ ta. Chúng thường lợi dụng các trang mạng xã hội mà người dân thường sử dụng, như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… để tuyên truyền, xuyên tạc về những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này dẫn đến suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; làm cho quần chúng nhân dân bán tín bán nghi, từ đó dần dần mất niềm tin vào Đảng và chế độ ta. Những giả thiết mà các thế lực thù địch, phản động rao giảng thường rất lập lờ, võ đoán, hòng làm suy yếu tổ chức Đảng, thậm chí còn cổ súy cho những việc làm sai trái, đưa ra quan điểm đòi đa nguyên đa Đảng, chia quyền phân lập; chia rẽ sự lãnh đạo của Đảng với quần chúng nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đã chỉ ra lối sống ích kỷ, thực dụng là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Và từ đó sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, một con đường không xa. Vậy phải làm gì với những con người, đảng viên mắc căn bệnh này, để mỗi đảng viên thực sự là công bộc của dân; là những người chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh, nhận thiệt thòi về phần mình; biết trọng danh dự và liêm sỉ, gương mẫu trong lối sống và việc làm. Có như vậy mỗi tổ chức Đảng mới xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định.

                                                                                    Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN - quankhu2.vn 

1 nhận xét: