Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

NGƯỜI BẤM NÚT TÊN LỬA TIÊU DIỆT MÁY BAY B-52 ĐẦU TIÊN TRONG CHIẾN DỊCH

 

Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận đang luyện tập động tác điều khiển tên lửa. Ảnh chụp lại.
QĐND-“Sau khi nghe thông báo chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ là chiến công của kíp 1, Tiểu đoàn Tên lửa 59 (Trung đoàn 261-Sư đoàn 361), tôi mừng đến rơi nước mắt”. Đó là lời tâm sự của Trung tá CCB Dương Văn Thuận, người có cú bấm nút quyết định, mở màn cho thắng lợi của chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972.
Ghi dấu ấn đầu tiên
Trong căn nhà khang trang nằm bên đường Quách Văn Tuấn, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), cựu sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận vui mừng đón chúng tôi, thân mật như người ruột thịt. Ở tuổi 65, ông vẫn rất tráng kiện và đầy cương nghị. CCB Dương Văn Thuận kể:
- Trận địa chính của Tiểu đoàn 59 chúng tôi bố trí tại Cổ Loa. Cuối tháng 11-1972, đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh B-52. Chiều tối ngày 18-12-1972, đơn vị được lệnh vào “cấp 1”. Khoảng 19 giờ, lợi dụng trời tối, mưa phùn, giá rét, địch bắt đầu mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội. Dù đã quen với những trận đánh trên không nhưng chúng tôi vẫn rất hồi hộp, bởi kết quả của trận đánh đang được quân và dân cả nước trông đợi.
- Khi đó, ông đảm nhiệm cương vị gì trong đơn vị?
Ông Thuận trả lời:
- Tháng 10-1972, mới chỉ chuẩn úy, tôi đã được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 1, kiêm sĩ quan điều khiển kíp 1. Cho nên, với cương vị của mình tôi khá áp lực, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới nhiệm vụ.
Ngừng lại giây lát, ông kể tiếp:
- 19 giờ 30 phút ngày 18-12, nhiều tốp máy bay địch xuất hiện, trong đó có B-52. Tại trận địa Cổ Loa, Tiểu đoàn 59 đã phóng 4 quả đạn nhưng không trúng mục tiêu. Thấy tình thế khẩn cấp, tôi liền trấn an 3 trắc thủ hết sức bình tĩnh, giữ đúng yếu lĩnh động tác như khi luyện tập. Khoảng hơn 20 giờ, một tốp B-52 có F-111 hộ tống, bay vào từ hướng Tam Đảo xuống đánh Đông Anh. Kíp trắc thủ căng mắt nhìn màn hiện sóng để xác định nhiễu của B-52. Bất chợt, cả 3 trắc thủ đều đồng thanh báo cáo “có nhiễu B-52”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng hạ lệnh phát sóng nhưng các dải nhiễu lại dày đặc, đan chéo vào nhau, không xác định được tọa độ B-52. Hồi hộp, căng thẳng… Đúng lúc đó, một ý nghĩ vụt lóe lên, tôi lệnh cho các trắc thủ tập trung vào hướng chủ yếu, nâng cao tần số, liền phát hiện được dải nhiễu đậm, sáng, mịn hơn, đích thị là của B-52. Toàn kíp hiệp đồng bám sát mục tiêu. Đợi đến khi chiếc đi đầu vào đến cự ly 36km, tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: “Phóng”. Lúc đó, tôi bình tĩnh lạ thường, mắt không rời mục tiêu, tay bấm nút phóng liền 2 quả tên lửa rồi hiệp đồng cùng 3 trắc thủ điều khiển đạn trúng đích. Đạn nổ ở cự ly 27km. Ngay lập tức, trên màn hình mất dải nhiễu, xuất hiện một vệt sáng rơi nhanh xuống đất. Chiến sĩ quan sát báo cáo: “Máy bay cháy rồi”. Như có một sức mạnh vô hình, cả kíp trắc thủ bật dậy, reo lên: “B-52 cháy rồi”. Tiếng reo vỡ òa trong niềm mong đợi, dồn nén bấy lâu. Lúc đó vào đúng 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972.
Tôi hỏi:
- Lúc ấy, ông có biết đó là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ không?
- Làm sao mà biết được, cả sư đoàn gồm mấy đơn vị cùng tham gia đánh B-52, ở cương vị của tôi thì chỉ biết kết quả chiến đấu trong tiểu đoàn thôi. Chính vì để chứng minh đó là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ nên chỉ huy trung đoàn đã cử người lên tận cánh đồng Chuôm, xã Phủ Lỗ (Đông Anh), nơi chiếc máy bay rơi để xác minh. Kết quả là tổ công tác đã mang về mảnh xác chiếc B-52G và tấm phù hiệu của không lực Hoa Kỳ.
Vậy là chiến công đầu thuộc về kíp chiến đấu 1 của Tiểu đoàn 59 mà người có cú bấm nút quyết định, ghi dấu ấn lịch sử chính là sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận. Thắng lợi đầu tiên ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng, xua tan bao lo âu, căng thẳng của bộ đội phòng không và mở màn cho sự thảm bại của cái gọi là “pháo đài bay bất khả chiến bại”.
Giản dị, khiêm nhường
Sau chiến công đêm 18-12, kíp chiến đấu của Đại đội trưởng Dương Văn Thuận còn tham gia bắn rơi thêm 2 máy bay B-52 nữa, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã trực tiếp tham gia 47 trận đánh, đều ở kíp 1 của Tiểu đoàn 59. Sau đó, Đại đội trưởng Thuận được cử đi học tại Học viện Phòng không và trở thành giáo viên khoa xạ kích. Năm 1981, ông chuyển vào Nam công tác tại Sư đoàn 367, rồi về nghỉ hưu năm 1992 với cấp hàm trung tá. Hiện tại, niềm vui lớn nhất của ông là sự giỏi giang, thành đạt, hiếu thảo của các con. Họ đều có địa vị xã hội và luôn tự hào về ông, một người cha mẫu mực, đã đóng góp công lao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những ngày nghỉ cuối tuần, cả gia đình đoàn tụ, quây quần, hạnh phúc, ông lại nhắc nhở con cháu vượt khó để trưởng thành, sống có ích cho xã hội…
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH
Có thể là hình ảnh về 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét