Cụ Hồ Tùng Mậu xuất thân trong gia đình giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, yêu nước và liên tục có những đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp chống Pháp; của một gia tộc thuộc “dòng giống xứ Nghệ, thế phiệt Hoan Châu” ở đất học Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Với 55 tuổi đời (15/6/1896 - 23/7/1951), Hồ Tùng Mậu có 31 năm hoạt động cách mạng (1920-1951), trong đó hơn 14 năm bị giam cầm, đày ải trong các nhà lao đế quốc (ở Hỏa Lò, Vinh, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê), 5 lần bị địch bắt, 2 lần bị kết án tử hình.
Bất luận trong hoàn cảnh nào, Hồ Tùng Mậu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không màng danh lợi, hy sinh tất thảy cho cách mạng; đã “bao phen đồng cam cộng khổ”, “như tay với chân”, trở thành “anh em chí thiết” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và được đồng bào Liên khu IV gọi là “Cụ Hồ em”.
Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “lãnh đạo tân tụy”, “cán bộ lão luyện”, “đồng chí trung thành”, “anh em chí thiết”, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Điều đó thể hiện rõ thông qua những hoạt động, đóng góp của Hồ Tùng Mậu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta:
Hồ Tùng Mậu trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển tiến từ các tổ chức tiền thân, là cộng sự đắc lực của Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và tham dự Hội nghị thành lập Đảng.
Sau khi nhận thấy tổ chức Việt Nam quang phục Hội theo chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu không còn thích hợp với điều kiện mới, Hồ Tùng Mậu cùng với Lê Hồng Sơn, Đặng Xuân Hồng, Lê Cầu, Nguyễn Giản Khanh, Trương Quốc Huy và Nguyễn Công Viễn sáng lập Tâm Tâm xã (1923) có mục đích, tôn chỉ, điều lệ hoạt động theo phương hướng mới với mong muốn “liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phải, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”.
Sau vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương M.Méclanh ở Sa Diện - Quảng Châu do Phạm Hồng Thái đạc đạn vào tháng 6/1924 đạt mục đích, Phạm Hồng Thái hy sinh, Tâm Tâm xã rơi vào tình trạng bế tắc. Đó cũng là lúc Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam quang phục Hội, thành lập Việt Nam quốc dân Đảng, phỏng theo hướng đi của cách mạng Tôn Trung Sơn, nhưng Hồ Tùng Mậu vẫn không lay động, quyết đi tìm hướng mới phù hợp hơn.
Đúng thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, qua tìm hiểu và có một số cuộc tiếp xúc, Người đã chọn Hồ Tùng Mậu là 1 trong 9 thanh niên xuất sắc thành lập nhóm Cộng sản đoàn vào tháng 2/1925 làm hạt nhân cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời tháng 6/1925…
Hồ Tùng Mậu là trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ái Quốc và là người lãnh đạo chủ chốt của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được Người tin tưởng giao nhiều trọng trách như: tham gia dự thảo điều lệ của Hội, chuẩn bị phương tiện, tài liệu để xuất bản báo Thanh niên; thiết lập đường dây liên lạc giữa trong nước và cơ quan Tổng bộ của Hội, tham gia đưa người sang Quảng Châu huấn luyện; tham gia quản lý, phụ đạo, hướng dẫn thảo luận, hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị thuốc men, bố trí ăn ở cho các lớp huấn luyện chính trị…
Cuối năm 1925, Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng lập ra “Huệ quần thư quán” ở làm nơi liên lạc giữa Tổng bộ của Hội với các cơ sở trong nước để chọn người sang Quảng Châu huấn luyện; năm 1926, sang Xiêm tổ chức Hội trong Việt kiều ở đây và tháng 3/1927 cùng với Lê Hồng Sơn về biên giới tổ chức lớp huấn luyện ở Cống Chạp.
Khi có sự phân liệt của các tổ chức cộng sản, Hồ Tùng Mậu kịp thời ngăn chặn tình hình, liên tục viết thư kêu gọi sự hợp nhất, báo cáo để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm từ Xiêm về Hương Cảng tổ chức Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị này với tư cách là cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại, sau đó được phân công đi Hàng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải thiết lập cơ sở liên lạc và hoạt động cho Đảng ta.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa