Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

NHIỀU CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP CHƯA QUAN TÂM XỬ LÝ

KHI CÓ CẢNH BÁO TẤN CÔNG MẠNG

 

Dù nhận được cảnh báo về tấn công mạng hay cảnh báo về điểm yếu, lỗ hổng từ các cơ quan chức năng, song nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý để giảm thiểu rủi ro.

Nhận xét trên vừa được ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ tại hội thảo “An toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2022” được Sở TT&TT Hà Nội tổ chức ngày 15/12.

Hội thảo là dịp để các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội cùng các chuyên gia thảo luận về những vướng mắc khi triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của thành phố trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố đã khẩn trương triển khai xây dựng các hệ thống nền tảng, hệ thống thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, từng bước thay đổi quy trình, thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ và hoạt động của bộ máy hành chính sang môi trường số.

“Cùng với sự phát triển các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thông tin. Sở TT&TT đã xác định an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Ông Trần Đăng Khoa cho hay, tình hình an toàn an ninh mạng Việt Nam năm 2022 có nhiều "điểm sáng" nổi bật, an ninh mạng tại Việt Nam đang ở mức kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn mối đe dọa về an toàn thông tin.

Bên cạnh việc điểm ra hiện trạng còn nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý khi có cảnh báo an toàn thông tin của cơ quan chức năng, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng: Nhận thức và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có sự thay đổi.

Nhận định hành vi lừa đảo trực tuyến trên mạng đã trở nên phổ biến hơn, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, một trong những mục tiêu chính trong năm 2022 của Bộ TT&TT là bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn rất nhiều trang web, blog giả mạo lừa đảo trực tuyến để bảo vệ gần 4 triệu người dân Việt Nam, tương đương khoảng 6% người dùng Internet.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Đưa ra khuyến nghị về công tác đảm bảo an toàn thông tin của cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc mảng Nghiên cứu phát triển sản phẩm An ninh mạng của Bkav cho rằng cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý bố trí đủ kinh phí cho an toàn thông tin, bởi có như vậy mới đủ nguồn lực để đảm bảo an toàn cho các hệ thống.

Nói rõ hơn về những giải pháp mà các đơn vị cần quan tâm, chuyên gia Bkav chỉ rõ, việc mất an toàn thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, bất cứ cơ quan có hạ tầng CNTT nào, không chỉ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, cũng cần đặt mối quan tâm về an ninh mạng, an toàn hệ thống lên hàng đầu. Để cải thiện tình hình, tăng cường an ninh cho hệ thống, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện biện pháp rà soát bảo vệ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra.

 “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng giống như việc xây dựng ngôi nhà cần có kiến trúc sư. Để đảm bảo an toàn, các cơ quan, tổ chức nên tìm đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an ninh mạng chuyên nghiệp để được tư vấn và hỗ trợ. Như vậy, vừa đảm bảo an toàn vừa tối ưu về đầu tư”, chuyên  gia Bkav khuyến nghị.

  

1 nhận xét: