Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG XÂY DỰNG TIỀM LỰC AN NINH QUỐC GIA

 

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia luôn được xác định là vấn đề trọng yếu, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi đây là một trong những khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay địa bàn các dân tộc thiểu số cư trú vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, được tôn trọng như nhau, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia.
Đường biên giới trên đất liền ở nước ta trải dài 4.000km thì có tới 3.000km nằm ở khu vực miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ðây là địa bàn rất thuận lợi trong mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác về kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước láng giềng, từ đó mở rộng tới các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng về chính trị-xã hội, là vùng “phên dậu” của Tổ quốc, địa bàn chiến lược về an ninh-quốc phòng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chống âm mưu xâm nhập, bạo loạn, lật đổ, song cũng dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc.
Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, Ðảng ta luôn khẳng định quan điểm nhất quán: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở tất cả các lĩnh vực. Xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng nhiệm vụ phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn.
Ðể xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia thì tiềm lực kinh tế là yếu tố cấu thành hết sức quan trọng. Phải xây dựng được khả năng kinh tế ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó Nhà nước có thể huy động chính nguồn lực từ trong dân để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nơi thu hút nguồn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của cả nước, cung cấp lực lượng lao động dồi dào cho xã hội và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ.
Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình để phát triển kinh tế tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc; chính sách “Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 (theo Quyết định số 755/QÐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ); chính sách “Hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015 (Quyết định số 33/2013/QÐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ);
Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quy định số 1722/QÐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào đời sống sản xuất, sử dụng giống mới đem lại năng suất lao động cao; việc làm và thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng tăng lên. Kinh tế-xã hội từng vùng được thúc đẩy phát triển, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị-tinh thần cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia. Nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó không thể không nhắc tới việc thực hiện Ðề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, Ðề án “Ðẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
Lực lượng Công an nhân dân tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin vận động đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt và có hiểu biết về các chủ trương, chính sách, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước; củng cố niềm tin ngày càng sâu sắc vào sự lãnh đạo, quản lý của Ðảng và Nhà nước, khơi dậy truyền thống yêu nước, ý thức về quốc gia dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo đảm tiềm lực an ninh quốc gia.
Cùng với đó, vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia ngày càng được khẳng định. Với đặc thù nơi cư trú mang tính địa-chính trị, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng miền núi và biên giới là những địa bàn cốt yếu trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đấu tranh chống các loại tội phạm đe dọa ổn định an ninh trong nước. Ðây là lực lượng có vai trò to lớn trong tạo nên tiềm lực an ninh-quốc phòng, tham gia tích cực trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn liền với thế trận quốc phòng toàn dân.
Do đó, Ðảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Bộ Công an đã điều động gần 400 cán bộ tăng cường về các xã biên giới, trọng điểm, có phức tạp về an ninh trật tự. Qua đó tổ chức tốt mô hình các tổ tự quản, gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn (xóm, làng, bản); giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về tôn giáo, tín ngưỡng bất hợp pháp; vận động được đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, xây dựng được lực lượng an ninh có sự tham gia của người dân tộc thiểu số trên địa bàn góp phần nắm bắt tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, góp phần kiềm chế, đẩy lùi hoạt động tuyên truyền ly khai, tự trị, kích động người dân chống đối chính quyền.
Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; tình trạng di cư tự do, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, hủ tục lạc hậu, mua bán phụ nữ, buôn bán ma túy và hoạt động tôn giáo trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp; nguồn nhân lực có chất lượng thấp, kinh tế-xã hội phát triển chậm, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn.
Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân tộc, xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc nói chung và xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc gắn với xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia. Một số chính sách chưa thật sự phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi như chính sách thu hút đầu tư, khoa học-công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…
Quá trình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và sơ kết, tổng kết, đánh giá các chính sách phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia còn chậm, dẫn tới một số chính sách không còn phù hợp với sự phát triển và khi có sự thay đổi địa bàn do phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì không kịp bổ sung, điều chỉnh.
Thực tiễn trên cho thấy, để làm tốt hơn nữa việc phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia cần sự tham gia của cả hệ thống và đặc biệt là sự vào cuộc của chính người dân. Các cơ quan chức năng cần nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bài học “dân là gốc”, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tốt chính sách an dân, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của mọi người dân trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng phòng tuyến nhân dân hoàn thiện và vững mạnh. Lấy lòng dân, ý chí sức mạnh của nhân dân làm nền tảng cốt lõi trong xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia. Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển hạ tầng, khai thác tiềm lực kinh tế-xã hội-văn hóa ở mỗi địa phương, tập trung phát triển những thế mạnh về hàng hóa, sản phẩm truyền thống và đặc trưng của mỗi dân tộc. Ðây chính là nền tảng vững chắc cho công tác xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia./.
TS. MAI DIỆU ANH
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng, quân phục và ngoài trời

1 nhận xét: