Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, quân dân Hà Nội cùng với Hải Phòng và toàn miền Bắc đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Một trong nhiều yếu tố quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng kỳ tích lịch sử này chính là sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Với tinh thần chủ động, ngay từ rất sớm, thế trận chiến tranh nhân dân đã được xây dựng và củng cố vững chắc, đặc biệt là lực lượng phòng không - không quân và sự chuẩn bị về mọi mặt của quân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng. Đó là cơ sở vững chắc để sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát huy tối đa trong cuộc đối đầu với sức mạnh của không lực Haa Kỳ 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương miền Bắc.
Đúng như nhận định của ta, đêm 18, ngày 19/12/1972, Mỹ tập trung lực lượng không quân lớn, với nhiều máy bay B-52 cùng các loại máy bay hiện đại khác, mở cuộc tập kích chiến lược mang tên “Linebacker II”, đánh vào Hà Nội và Hải Phòng. “Quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ”, các đơn vị ra-đa đã phát hiện địch từ xa và kịp thời báo cáo. Mệnh lệnh chiến đấu, tín hiệu thông báo báo động nhanh chóng được chuyển tới quân và dân Thủ đô. Cả Hà Nội bước vào chiến đấu, lực lượng không quân được lệnh xuất kích chặn đánh máy bay địch từ xa. Ngay trận đầu, bộ đội tên lửa cùng quân và dân Hà Nội đã bắn rơi máy bay B-52 và bắt sống phi công Mỹ, từ đó củng cố vững chắc lòng tin đánh thắng kẻ thù.
Cùng với quá trình triển khai sơ tán và tổ chức báo động, Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân bắn máy bay địch, lấy lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt, xây dựng và phát triển phòng không của dân quân tự vệ. Hai lực lượng phòng không của dân quân tự vệ Hà Nội được tổ chức hiệu quả là lực lượng trực chiến, gồm các tổ bắn máy bay tầm thấp, bố trí và cơ động trên các trận địa đã chọn lựa và lực lượng không trực chiến, vừa tiến hành sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, khi có báo động thì triển khai tại các công sự đã chuẩn bị trước để bắn máy bay địch. Không khí chiến đấu của nhân dân Hà Nội được một nhà báo Mỹ mô tả: “Trong bom đạn mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường theo các máy bay phản lực của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng, họ có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là một ý chí có tính chất truyền thống trong những người dân mà tôi đã gặp”.
Điểm nổi bật của thế trận chiến tranh nhân dân là hình ảnh toàn dân làm công tác đảm bảo giao thông, vận chuyển. Khi cuộc đánh phá của không quân Mỹ bắt đầu, Hà Nội xác định phải kiên quyết bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, liên tục, an toàn để phục vụ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò nòng cốt lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp và lực lượng công binh làm nhiệm vụ xung kích ở những trọng điểm bị địch đánh phá. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố triển khai rộng rãi lực lượng bảo đảm giao thông vận tải không chuyên, các tổ ứng trực và khắc phục hậu quả ở các tuyến giao thông, các bến vượt, các cầu nhỏ…
Việc tổ chức và kết hợp chặt chẽ các hoạt động của hai lực lượng không chuyên và lực lượng chuyên nghiệp trên mặt trận giao thông vận tải là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải trong chiến tranh nhân dân chống lại kẻ thù. Do làm tốt công tác này, dù các mục tiêu giao thông vận tải trên địa bàn thành phố bị đánh phá liên tục, nhưng lực lượng bảo đảm giao thông vận tải của chiến tranh nhân dân đã kiên cường bám trụ, kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm được sự thông suốt trên các tuyến chính, phục vụ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Đó là kết quả nổi bật của thế trận chiến tranh mà quân và dân Hà Nội tổ chức thực hiện nhằm chống lại chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ.
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, quân dân Hà Nội cùng với Hải Phòng và toàn miền Bắc đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không vĩ đại”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới. Biểu hiện sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân là những tấm gương xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước quả cảm, kiên cường, anh hùng, bất khuất của Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, đồng chí Dương Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bất chấp bom đạn địch, đã bám máy đến cùng để bảo vệ dòng điện và anh dũng hy sinh. Các xạ thủ xuất sắc Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Hải, Bùi Mai, Nguyễn Hùng, Phạm Thị Viễn, chỉ với súng cao xạ 14,5mm trên trận địa Vân Đồn (thuộc quận Hai Bà Trưng) đã góp phần quan trọng bắn rơi máy bay F-111. Điện thoại viên Lê Thị Vân ở Bưu điện huyện Gia Lâm liên tục giữ vững vị trí bên đài, bên máy, cùng đồng đội bảo đảm giao thông liên lạc. Bốn cô gái ở chòi quan sát xã Giang Biên (huyện Gia Lâm) không rời vị trí quan sát suốt chiến dịch, kịp thời báo cáo về Huyện đội từng khu vực bị ném bom…
Đồng hành cùng nhân dân Hà Nội, đồng bào Sài Gòn, đồng bào miền Nam ruột thịt và nhân dân cả nước luôn dõi theo và hòa nhịp vào “Bản hợp xướng” của thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch. Ở thành phố Hải Phòng, quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích của đế quốc Mỹ; trực tiếp bắn rơi 17 máy bay các loại, trong đó có 04 máy bay chiến lược B-52, 01 máy bay F-111. Tại tỉnh Thái Nguyên, quân dân đã bắn rơi 02 máy bay B-52 của địch. Bên cạnh đó, trong những ngày bom đạn ác liệt, rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây... đã cùng chia lửa với Hà Nội, góp phần phân tán lực lượng kẻ thù. Tham gia chiến đấu, lao động sản xuất tại Thủ đô, không chỉ có người Hà Nội mà hàng chục nghìn người con ưu tú của các tỉnh, thành phố cả nước cũng đã cùng san sẻ khó khăn, hy sinh. Những thành tích, kinh nghiệm quý trong lao động, sản xuất, chiến đấu của các địa phương cũng được chia sẻ để nghiên cứu vận dụng trong hoàn cảnh, điều kiện của Thủ đô.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của sức mạnh chiến tranh nhân dân. Không chỉ các tỉnh miền Bắc cùng chia lửa đánh trả máy bay Mỹ, mà chiến thắng vang dội này còn gắn liền với những chiến công oanh liệt của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Bên cạnh đó, trong thế trận chiến tranh nhân dân, một cao trào toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân bắn máy bay địch, toàn dân làm công tác giao thông vận tải, toàn dân hợp tác và giúp đỡ bộ đội chiến đấu,… đã được kết hợp nhuần nhuyễn; cộng với trí thông minh và lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã trở thành điểm tựa to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Viết về sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Robert Gillan, học giả người Mỹ cho rằng: “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ, “vị tất” đã tìm trong lịch sử có kẻ sánh bằng. Thực chất là người Mỹ đã không biết tý gì về cái đất nước mà họ đã tiến công… Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước này thậm chí kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”. Còn tác giả G.Levy trong bài viết “Mỹ ở Việt Nam” khẳng định: “Linebacker II là thất bại chính trị - quân sự của Mỹ, vì nó không buộc đối phương đầu hàng, nghĩa là có những nhượng bộ mới”./.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Sáu
Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. (Ảnh tư liệu)
vubao9-st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét