Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022
TẦM VÓC CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG
VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG
VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Cách đây nửa thế kỷ, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền bắc, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng "Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt nhất, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một là, thường xuyên giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành lập một số đơn vị phòng không và nhanh chóng điều chỉnh thế trận phòng không trên miền bắc; chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch đánh B-52, tổ chức huấn luyện, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật, nghi binh, sơ tán, kết hợp phòng tránh với đánh trả. Trong 12 ngày đêm chiến đấu (18-29/12/1972), Ðảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, là nhân tố quyết định đưa Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 đi tới thắng lợi.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, phải thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng. Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, Ðảng cần nâng cao khả năng hoạch định đường lối cách mạng, đường lối quân sự-quốc phòng. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác quân sự-quốc phòng. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng. Cấp ủy, người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang cần phát huy vai trò trách nhiệm, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án, nhất là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia...
Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình. Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và chuẩn bị mọi mặt. Tháng 6/1966, Trung đoàn Tên lửa 238 và nhiều cán bộ được cử vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B-52, cùng với kinh nghiệm thực tiễn ở các chiến trường để hoàn thành biên soạn cẩm nang đỏ "Cách đánh B-52", đưa vào huấn luyện. Tháng 2/1968, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng kế hoạch bảo vệ yếu địa miền bắc. Ngày 24/11/1972, kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội được phê chuẩn. Nhờ chủ động nghiên cứu, dự báo, xây dựng phương án đối phó mà ta đã giành thế chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về quân sự-quốc phòng; xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Nghiên cứu, dự báo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chính xác, kịp thời; chú trọng tham mưu xử lý các tình huống quốc phòng, đấu tranh quốc phòng; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" Quân đội.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tháng 2/1957, Bộ Chính trị họp và thông qua kế hoạch xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; trong đó, xác định chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, có lực lượng phòng không nhân dân mạnh và phát triển rộng khắp. Tháng 10/1963, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân và yêu cầu xây dựng "Kế hoạch Phòng không nhân dân", cử cán bộ đi đào tạo về phòng không, không quân. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chú trọng xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp để phối hợp chiến đấu với các lực lượng phòng không chủ lực. Với lực lượng phòng không vững mạnh, thế trận rộng khắp, vững chắc, lấy Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phải coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, lấy xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội "tinh, gọn, mạnh", tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Chú trọng xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, hải đảo, biên giới, nội địa, các địa bàn chiến lược trọng điểm và không gian mạng. Thực hiện tốt chức năng "đội quân công tác", "đội quân lao động sản xuất". Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.
Bốn là, chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc. Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972, ta xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, hình thành ba cụm phòng không chiến dịch; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh đội hình chiến đấu. Các lực lượng phòng không, không quân hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, đánh địch hiệu quả. Nhân dân miền bắc đóng góp hàng trăm triệu ngày công tu bổ, xây dựng sân bay, trận địa phòng không, công trình phòng tránh, cất giấu tài sản, sơ tán nhân dân… Ðó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao trong thực hiện phương châm "toàn dân tham gia bắn máy bay, vây bắt giặc lái", "toàn dân tổ chức phòng không nhân dân".
Vận dụng bài học này, Ðảng ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc. Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị định số 21/2019/NÐ-CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ" gắn với thực hiện tốt Luật Quốc phòng và các chiến lược quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng xây dựng và tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; tích cực triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng. Ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng; gắn phòng thủ dân sự với tạo lập thế trận liên hoàn vững chắc. Sẵn sàng đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 là kết quả của quá trình phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Cùng với phát huy cao độ nội lực, nhân dân ta đã có sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Vận dụng và phát huy bài học này, Ðảng ta xác định phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc. Toàn quân phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Công tác đối ngoại quốc phòng phải thực hiện nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Chiến thắng "Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không" là bản anh hùng ca hào hùng về bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học đúc kết từ chiến thắng oanh liệt này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét