Tôi nhớ một lần trong nghị trường, khi được chất vấn về vấn đề cục bộ lợi ích trong xây dựng chính sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long từng cho rằng, quy trình làm luật của chúng ta, cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này, cách khác vẫn có cái nhìn thiên vị, có phần dành thuận lợi hơn cho bộ, ngành mình. Bên cạnh đó, tình trạng cục bộ còn xảy ra khi xây dựng văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách có lợi cho bộ, ngành mình, mà không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội.
Theo tôi, hệ quả của vấn đề này là hết
sức nguy hại. Khi những chính sách cài cắm “lợi ích nhóm” ra đời sẽ chồng chéo
với văn bản pháp luật trước đó, từ đó dẫn tới xung đột trong thực hiện pháp
luật. Mặt khác, các luật ra đời có tuổi thọ ngắn, khó khả thi, từ đó buộc phải
sửa đổi luật nhiều lần. Nếu bộ, ngành nào cũng chỉ vì lợi ích của bộ, ngành
mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, của nhân dân, của đất nước thì
không bao giờ chúng ta xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ,
ổn định và có tính khả thi cao.
“Lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ cài cắm
trong các văn bản chính sách, văn bản pháp luật là một dạng tham nhũng chính
sách. Khi tham nhũng chính sách không bị phát hiện, ngăn chặn sẽ cản trở sự
phát triển lành mạnh của xã hội; nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp
luật bị xâm hại; nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia
suy giảm. Một chính sách phát triển ngành có sự lồng ghép lợi ích cục bộ mà
được thông qua có thể làm lợi rất lớn cho một số người, cho một bộ phận người
trong ngành đó, nhưng cũng có thể làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước và xã
hội. Một quyền năng không chính đáng được cài cắm vào trong luật có thể hợp
pháp hóa sự nhũng nhiễu của một số người, nhưng cũng có thể làm cho đời sống
của người dân, hoạt động của doanh nghiệp thêm khó khăn.
Gắn với 3 công đoạn dự thảo, thẩm định,
thẩm tra văn bản pháp luật, nếu để lợi ích chi phối thì có 3 nhóm chủ thể, đó
là nhóm chủ thể xây dựng dự thảo luật; nhóm thứ hai là nhóm thẩm định của Bộ Tư
pháp và các cơ quan liên quan; nhóm thứ ba là hoạt động thẩm tra của Hội đồng
Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Chúng ta cần coi trọng xử lý ở cả 3 công
đoạn này mới ra được một văn bản có hiệu lực cao và không mâu thuẫn với những
văn bản pháp luật trước đó. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là phải đề cao sự
liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật.
Vì sự liêm chính được ví như tấm áo
giáp có thể chở che, bảo vệ uy tín, danh dự, phẩm giá của những người gắn bó
với trọng trách xây dựng pháp luật; đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích chính
đáng của nhân dân và đất nước.
Pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, cho nên rất
cần thiết phải có sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật. Bởi, có liêm
chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, ít chồng chéo với
các văn bản pháp luật ban hành trước đó. Đặc biệt, có liêm chính sẽ không lồng
ghép lợi ích cục bộ của bộ, ngành khi soạn thảo, xây dựng dự án luật.
Tôi cho rằng, nếu thiếu liêm chính
trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật
có ít nhất 3 khuyết tật. Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn, chồng chéo với văn
bản pháp luật mà Quốc hội các khóa trước đã dày công ban hành. Khuyết tật thứ
hai là công cụ để ban soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành
mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để
chiếm quyền của bộ, ngành khác và trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ
cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khuyết tật thứ ba là vòng đời của
các văn bản luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời
gian, kinh phí để ban hành luật khác thay thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét