Trước bước leo thang nguy hiểm và các thủ đoạn mới của địch, việc nghiên cứu chống nhiễu, đặc biệt là nhiễu trong đội hình B-52, kịp thời phát hiện, thông báo sớm, chính xác mục tiêu B-52 cho các lực lượng phòng không-không quân (PK-KQ) tiêu diệt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972.
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng radar trong chiến dịch này thể hiện trên mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, nắm chắc hoạt động của địch để phát hiện địch sớm, từ xa. Cuối năm 1967, không quân Mỹ cho B-52 leo thang ra đánh phá hành lang cửa khẩu Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đầu năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ cử đoàn cán bộ và các trắc thủ radar vào chiến trường, trực tiếp quan sát, nghiên cứu đội hình bay, quy luật hoạt động của máy bay B-52. Tháng 9-1971, Binh chủng Radar đưa các đơn vị dẫn đường vào Ba Đồn (Quảng Bình) và Vĩnh Linh trực ban chiến đấu để phát hiện B-52 trong nhiễu và tìm các biện pháp chống nhiễu. Những tình huống và số liệu thu thập về B-52 đều được ghi chép đầy đủ, đó là: Thời gian hoạt động, các loại nhiễu địch thường sử dụng, đội hình bay (cự ly, giãn cách), tốc độ, độ cao và chiến thuật bảo vệ đội hình B-52 của các loại máy bay tiêm kích... Những kinh nghiệm phát hiện B-52 trong nhiễu là bài học quý về nghệ thuật chủ động nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động của địch để phát hiện địch sớm, giành thế chủ động trong tác chiến chiến dịch.
Bộ đội radar tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu |
Thứ hai, nghệ thuật tạo lập thế trận radar liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu và bề rộng hợp lý, bố trí phân tán, sử dụng tập trung. Hệ thống các trạm radar, các đài radar được tổ chức, sử dụng và bố trí hết sức khoa học, kết hợp giữa tuyến và các cụm trên từng hướng, từng khu vực trọng yếu, tạo thành trường radar khép kín ở các hướng, các độ cao, để khi máy bay địch bay vào bầu trời Hà Nội, ta đều có thể phát hiện, bám sát liên tục; kết hợp các đài radar phát hiện mục tiêu theo chính diện và hai bên sườn, từ xa đến gần, ở các độ cao; kết hợp trinh sát bằng radar với các trạm quan sát xa bằng khí tài quang học, trạm quan sát của các đơn vị tên lửa, pháo phòng không, trận địa phòng không của dân quân, tự vệ, hình thành mạng lưới radar trinh sát phát hiện, thông báo mục tiêu từ thấp đến cao, từ xa đến gần. Ta còn sử dụng các đài radar bố trí đón lõng dọc theo các cửa sông, cửa biển, trong nội địa và dọc tuyến biên giới Việt Nam-Lào, tạo thành trường radar khép kín với độ chồng lấn cao, bảo đảm tính vững chắc, liên tục trong quá trình trinh sát phát hiện và bám sát mục tiêu B-52.
Thứ ba, nghệ thuật tập trung lực lượng cho các khu vực trọng điểm. Nhằm giúp các đơn vị chủ động phòng tránh địch bắn phá, đồng thời đánh địch có hiệu quả cao, đánh trúng, tiêu diệt được “pháo đài bay” B-52, ta đã bí mật bố trí tập trung radar trên các hướng chiến lược trọng điểm, khu vực trọng yếu: Bố trí các đài radar có chất lượng cao với các trận địa cơ bản, dự bị; các đài radar có khả năng chống nhiễu và độ phân giải cao, phát hiện xa; kết hợp trinh sát radar với các trạm trinh sát, quan sát bằng khí tài quang học, các đài quan sát mắt của các trận địa hỏa lực. Ngoài ra, những phương tiện thông tin liên lạc của các mạng thông báo, báo động và ở các sở chỉ huy trên các khu vực vòng ngoài cũng được tăng cường, bảo đảm bí mật, vững chắc, thông suốt trong thông báo, báo động, chỉ thị mục tiêu theo phương án.
Thứ tư, nghệ thuật ngụy trang, nghi binh phòng, chống tác chiến điện tử của địch có hiệu quả. Tác chiến điện tử là một trong những biện pháp tác chiến cơ bản trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt luôn gắn liền với hoạt động tiến công đường không của địch. Các phân đội radar làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu của ta chủ yếu phát sóng ở các tần số khác nhau nên công tác ngụy trang, nghi binh, giữ bí mật tần số làm việc có vị trí rất quan trọng. Chúng ta đã tận dụng địa hình, địa vật để ngụy trang, giữ bí mật trận địa. Một số đài radar chỉ mở trong những thời điểm nhất định hoặc chỉ mở máy thu để giữ bí mật về số lượng, vị trí trận địa, kiểu loại đài và tần số, công suất phát... Để nghi binh lừa địch, chúng ta cũng đã áp dụng tạo các tín hiệu giả, thông báo giả, trận địa giả, những tín hiệu thông tin liên lạc giả... Mặt khác, các đài radar đã chủ động có kế hoạch cơ động chuyển dịch, sơ tán theo kế hoạch hoặc khi có nguy cơ bị phát hiện. Ở những vị trí dự kiến bố trí đài radar đều có hệ thống hầm hào, công sự trú ẩn làm sẵn để giảm thiểu tổn thất khi bị địch đánh phá.
Thứ năm, xây dựng phương án chiến đấu, quy trình thao tác hợp lý, chính xác. Binh chủng Radar và từng trung đoàn, phân đội đến các đài radar đều chủ động xây dựng phương án, kế hoạch chiến đấu sớm; đồng thời chủ động tổ chức huấn luyện chiến đấu sát thực tế nhằm bảo đảm phát hiện, bám sát mục tiêu theo cả 3 tầng (thấp, trung, cao); các phân đội radar xây dựng quy trình thao tác chống nhiễu, chống tên lửa có điều khiển; nghiên cứu các biện pháp mới về kỹ thuật, chiến thuật trong phát hiện, bám sát mục tiêu B-52 trong nhiễu; tổ chức cho các kíp trắc thủ trao đổi thông tin thực tế quan sát được trên màn hình và những kinh nghiệm thao tác phát hiện B-52 trong nhiễu ở các trận địa khác nhau. Từ đó tổng hợp, phân tích đánh giá, phân biệt tín hiệu từ các loại máy bay chiến thuật và tín hiệu của B-52 trong dải nhiễu dày đặc. Nhờ phối hợp nhiều biện pháp khác nhau trên từng hướng và ở từng khu vực nên dù địch luôn thay đổi các thủ đoạn gây nhiễu, tổ chức đội hình, độ cao bay nhưng bộ đội radar vẫn phát hiện ra các tốp B-52 từ xa và liên tục thông báo về sở chỉ huy các cấp.
Nguồn: QĐND.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét