Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay

 

Truyền thông chính sách cần được đổi mới để thích nghi với môi trường truyền thông hiện đại và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp cùng Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức ngày 1/11/2022, tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chú ý đến công tác truyền thông chính sách. Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí, mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Quan điểm này nhằm thực hiện hóa mục tiêu xây dựng chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phát triển, hướng vào phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội có mối quan hệ mật thiết, theo đó truyền thông xây dựng đồng thuận xã hội về chính sách và đồng thuận xã hội thúc đẩy quá trình thực hiện chính sách. Truyền thông hình thành văn hóa đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng và xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách”. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua báo chí nói riêng và truyền thông nói chung đã có vai trò to lớn trong việc phản ánh những  tiếng nói của người dân về phản biện chính sách. Đồng thời, các bài viết này đã góp phần tạo sức ép và khích lệ để các cơ quan chức năng sửa đổi, ban hành những quy định theo hướng đổi mới và phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của cuộc sống hiện nay.

Báo chí, truyền thông càng tham gia đầy đủ các khâu của quy trình xây dựng chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng được tăng lên. Mô hình truyền thông chính sách cần phát huy được vai trò của báo chí – truyền thông trong việc phản biện xã hội nhằm hoàn thiện chính sách; chuyển đổi mô hình từ chủ yếu tuyên truyền sang truyền thông  nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thành lập trung tâm truyền thông ở các bộ thay các vụ truyền thông làm nhiệm vụ truyền thông Chính phủ bao gồm: tham mưu, dịch vụ công và quan hệ công chúng; tổ chức, đào tạo và tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự tại các trung tâm truyền thông Chính phủ nhằm đảm bảo cho đội ngũ này có quan điểm, đạo đức, nhân cách và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cầu tổ chức, bộ máy một cách hiệu quả.

Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng cùng với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, vấn đề truyền thông chính sách cần được đổi mới để thích nghi với môi trường truyền thông hiện đại và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Trước các thách thức và yêu cầu đối với truyền thông chính sách trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông xã hội, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng Chính phủ điện tử là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách công, gia tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành cũng như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng các mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, mô hình phối hợp liên ngành trong truyền thông chính sách hay mô hình nâng cao năng lực của công chúng... trong thực tiễn rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng và thúc đẩy chính phủ thực sự liêm khiết và kiến tạo.

 

1 nhận xét: