Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

 

Xây dựng văn hóa giao thông 
an toàn ở đô thị
        Để hình thành văn hóa giao thông, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho mỗi người, xây dựng và hình thành văn hóa giao thông bền vững, tự giác trong mỗi cá nhân khi tham gia giao thông có vai trò quan trọng.
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chiều 14/12, Báo Đại biểu nhân dân phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị”.

Chương trình nhằm trao đổi ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý về tầm quan trọng của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người.

So với 11 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 170 vụ (tăng 1,67%), tăng 656 người chết (tăng 12,75%), giảm 88 người bị thương (giảm 1,25%).

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Minh lý giải, nếu so với cùng kỳ 2021, tình hình tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết. Nhưng năm 2021 là thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng giao thông có nơi giảm từ 50-80%, nên tai nạn giao thông trong năm 2020, và đặc biệt năm 2021 giảm rất sâu so với các năm trước.

Để đánh giá đúng, cần so sánh với năm 2019 - thời điểm năm trước đại dịch Covid-19 - nhằm bảo đảm các điều kiện so sánh tương đồng.

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị ảnh 1

Hình ảnh tại tọa đàm.

Với cách tiếp cận đó, so với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 5.562 vụ (giảm 35%), giảm 1.175 người chết (giảm 16,8%), giảm 5.171 người bị thương (giảm 42,6%).

Điều này thể hiện đúng bức tranh về trật tự an toàn giao thông, khi kinh tế-xã hội tăng trưởng và các hoạt động giao thông phục hồi như trước đại dịch Covid-19. Các chỉ tiêu về trật tự an toàn giao thông vẫn đang được kiểm soát tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu số vụ, số người chết và bị thương giảm so với năm 2019.

Trong nhiều năm qua, an toàn giao thông luôn là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Luật Giao thông đường bộ đã được ban hành, các cơ quan quản lý trực tiếp như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an vào cuộc rất quyết liệt.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, mỗi ngày vẫn xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương nhiều người. Hậu quả để lại là nỗi đau cho người thân, thêm gánh nặng cho xã hội, gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Song, lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được coi là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo đảm an toàn giao thông, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.

Cùng với đó, mỗi công dân cần góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Người tham gia giao thông luôn cố gắng tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ vì lợi ích của bản thân, mà còn vì sự an toàn của những người khác.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dành hẳn Điều 7 để quy định về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ. Nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chú trọng công tác này nhằm làm thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện.

Việc giáo dục ý thức chấp hành giao thông cũng được từng bước đưa vào nhà trường, thậm chí ngay từ bậc mầm non. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự nêu gương từ người lớn, xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện tốt điều này, không thể hình thành văn hóa tham gia giao thông.

Để hình thành văn hóa giao thông, quan trọng hơn là việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho mỗi người; xây dựng và hình thành văn hóa giao thông bền vững, tự giác trong mỗi cá nhân khi tham gia giao thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét