Lịch sử lật sang nhiều trang mới, Chiến thắng Điện Biên Phủ lùi xa tới 70 năm (1954-2024); kẻ thù, đối thủ của nhau năm xưa đã trở thành bạn bè đối tác bây giờ, đấy là điều rất mừng. Nhưng vẫn không cho phép ai được lãng quên quá khứ bi tráng ấy vì đó là di sản yêu nước của dân tộc, là sự biết ơn của thế hệ sau với cha anh và cũng là bài học thấm thía cho hôm nay và hậu thế.

Điện Biên Phủ gắn với sự lãnh đạo của Đảng, tên tuổi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong hai tiếng Việt Nam đã đi vào không ít công trình nghiên cứu lịch sử, khoa học và các tác phẩm văn học-nghệ thuật gồm nhiều thể loại. Trong đó, thơ ca cũng góp phần khắc tạc tượng đài Điện Biên Phủ mà bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" là một tác phẩm tiêu biểu nhất. Thi phẩm này mang trong nó hàm lượng của một bản anh hùng ca vừa đậm chất sử thi, vừa có tính trữ tình được kết bện rất nhuần nhuyễn nên đi sâu vào lòng người nhiều thế hệ.

 Nhà thơ Tố Hữu và vợ năm 1965. Ảnh tư liệu

Đó là một trong những tác phẩm mang đậm phong cách sáng tác của Tố Hữu; chính trị mà trữ tình, trữ tình mà chính trị; thơ vừa đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền cách mạng, vừa bám sát hiện thực chiến đấu, lao động của bộ đội và nhân dân với dấu ấn riêng không lẫn về nghệ thuật thi ca. Cần nói thêm, thơ Tố Hữu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nghiêng về sự ngợi ca, chất hào hùng chiếm lĩnh trong nhiều thi phẩm và nó đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng tới công chúng cùng nhiều người làm thơ khác. Tuy nhiên, ta rất cần phải soi chiếu thơ ông trong ánh sáng và bóng tối của lịch sử, của thời cuộc mà cốt lõi của nó không gì khác là lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Âm hưởng bao trùm của bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" là chiến thắng. Trước tiên, trước hết nó là tiếng reo vui tưng bừng của dân tộc khi quân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Tin báo tiệp dội về từ lòng chảo Mường Thanh khi lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries vào chiều 7-5-1954: Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy/ Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!/ Trông: Bốn mặt, lũy hầm sụp đổ/ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/ Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/ Rực trời đất Điện Biên toàn thắng...

Toàn thắng! Điện Biên toàn thắng. Trong thời khắc ấy, với quân và dân ta thì chẳng có niềm vui nào sánh bằng niềm vui Chiến thắng Điện Biên Phủ. Niềm vui như sóng cuộn triều dâng, sự ngất ngây chỉ đo được bằng đất trời cao rộng bao la, tiếng reo, nụ cười hòa trộn nước mắt chiến sĩ, đồng bào. Rồi ta sẽ nói, nói sau một chút sự hy sinh không kể xiết của nhân dân Việt Nam, của người lính Cụ Hồ trong cuộc trường chinh kéo dài non một thập kỷ đầy cam go, nguy hiểm, không hiếm khúc đoạn chênh vênh, éo le.

Từ tiếng bom ba càng vang lên trên chiến lũy ở Hà Nội vào mùa đông 1946, đến dư âm Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, Biên giới 1950, Hòa Bình 1951, Đông Xuân 1951-1952, Tây Bắc 1952 và cuối cùng là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế thì làm sao không vui đến trào nước mắt được, không tự hào được: Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng...

Niềm vui bất tuyệt, niềm tự hào to lớn đó bật ra tiếng reo của một người, của muôn người, của cả dân tộc anh hùng và tỏa lan ra bốn biển năm châu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi/ Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!

Và, không thể khác được, tiếng reo mừng "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" được nhắc lại như lời lĩnh xướng cho bản hùng ca Điện Biên vang dội. Đây là một Điện Biên nhìn gần, Điện Biên của chiến hào, của trận địa, của những ngày gian khổ nhất, ác liệt nhất, hy sinh nhất, Điện Biên của lòng dũng cảm, của máu thấm đỏ dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, lòng chảo Mường Thanh..., của bài ca bất tử cất lên từ sự dâng hiến cao cả cho Tổ quốc, vì Tổ quốc của bao sinh thể thanh xuân. 

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn... Đấy là bức tranh phác họa chung có tên chiến sĩ Điện Biên. Có thể đó là chiến sĩ pháo binh, chiến sĩ xung kích, chiến sĩ thông tin, chiến sĩ công binh, chiến sĩ quân y, chiến sĩ văn công và cả những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... mang áo lính nữa. Tất cả có chung năm mươi sáu ngày đêm máu lửa, mưa dầm. Những anh hùng dũng sĩ có tên tuổi cụ thể như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót... vào thơ trở thành biểu tượng Điện Biên.

Nhà thơ Tố Hữu với văn nghệ sĩ ở Trường Sơn. Ảnh tư liệu 

Họ không phải là một, là số ít mà thuộc số nhiều, số đông, là Quân đội ta, là nhân dân ta, ai cũng có thể trở thành anh hùng dũng sĩ khi đối mặt với kẻ thù xâm lược. Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão,/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện./ Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây, gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Trong cảm nhận của riêng tôi, đây là đoạn thơ ấn tượng nhất, hay nhất của thi phẩm "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên". Bởi nó nói lên được cái đáng nói nhất về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cái giá của một chiến thắng vĩ đại được đo bằng mồ hôi, xương máu của chiến sĩ và đồng bào ta. Vì thế nó muôn đời là vô giá. Cũng như độc lập, tự do dân tộc là vô giá, hòa bình thống nhất non sông là vô giá, hạnh phúc nhân dân là vô giá. Đừng ai, đừng bao giờ quên điều đó.

Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", Tố Hữu viết vào tháng 5-1954. Như vậy, mặc nhiên tác phẩm mang trong nó những yếu tố thời sự nhất định. Trong bài thơ có đề cập đến danh tính của Ngoại trưởng Pháp (Bidault) và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ (Smith), những người có mặt trong Hội nghị Geneva năm 1954 cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng. Tôi nghĩ đây là một đoạn thơ thú vị dù rằng mới đọc qua ta thấy nó có vẻ thời sự quá, không nhiều chất thơ lắm.

Cái thú vị cũng là cái hay để bài thơ nâng tầm vóc lên khi Tố Hữu nói về bài học Việt Nam từ Điện Biên Phủ: ...Tổ quốc chúng tôi/ Muốn độc lập, hòa bình trở lại/ Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái/ Nước chúng tôi và nước các anh./ Nếu còn say máu chiến tranh/ Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/ Tre đã thành chông, sông là sông lửa./ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên! Bài học này không phải đến Chiến thắng Điện Biên Phủ mới có mà nó đã được minh chứng hùng hồn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đầm đìa mồ hôi, nước mắt và máu xương của dân tộc Việt Nam.

Công viên văn hóa và Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: ĐIỀN QUANG 

Thế mà, có những thế lực hùng mạnh nhưng tham lam vẫn không chịu học bài học từ Điện Biên Phủ, từ Việt Nam để gây ra cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai mươi năm nữa trên đất nước này. Giá như, ngày ấy, chiến tranh Việt Nam chỉ dừng lại ở Điện Biên Phủ, ở Hội nghị Geneva năm 1954 thì Mỹ và Việt Nam không phải tốn bao xương máu như thế.

Bài học từ Điện Biên Phủ là bài học hòa bình. Hòa bình cho một dân tộc và cho cả nhân loại. Hòa bình cho hôm nay và mai sau. Từ chiến tranh, qua chiến tranh, không ai thấu hiểu giá trị của hòa bình như dân tộc Việt Nam. Cho nên trân trọng, nâng niu, gìn giữ hòa bình là phương châm ứng xử lâu dài của dân tộc ta. Vì thế, sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm, nhân dân ta lại ngỏ lời muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Hòa bình để tồn tại, mới tồn tại. Hòa bình mới có hạnh phúc, đó là điều nhân loại không thể quên.

Trong một thế giới đang có nhiều xung đột hay chiến tranh như hiện nay thì bài học về hòa bình không bao giờ là cũ. Trong Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có bài học về hòa bình. Bài học đầu tiên và bài học cuối cùng của nhân loại sẽ đồng hành với dư âm Điện Biên Phủ-Việt Nam bằng khát vọng hòa bình bay cao, bay xa...