Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỒNG GIỮA NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI KẺ PHẢN BỘI

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ (TB-LS), người có công và đẩy mạnh Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa". Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc chính sách này. Nguy hiểm hơn, chúng đã đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì cách mạng với người phản bội Tổ quốc.


Cách đây 76 năm, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL đặt ra “chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân, tử sĩ”. Để chỉ đạo công tác thương binh, tử sĩ trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục, Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập. Tháng 7-1947, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị được tổ chức tại xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ (Thái Nguyên) về công tác TB-LS đã chọn ngày 27-7 làm Ngày Thương binh. Đến năm 1955, Ngày Thương binh đổi thành Ngày TB-LS.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác TB-LS và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Ngày TB-LS (27-7) có ý nghĩa quan trọng với toàn dân Việt Nam, đó là ngày thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 27-7 cũng là ngày phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Vậy mà, thay vì đồng lòng ủng hộ các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vào dịp kỷ niệm Ngày TB-LS hằng năm vẫn có tiếng nói xuyên tạc về chính sách với TB-LS và người có công. Thâm độc hơn, chúng còn đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì cách mạng với người chết trong chiến tranh mà không tham gia, cống hiến gì, thậm chí là kẻ cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc, phản bội Tổ quốc.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lợi dụng những khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, một số địa phương tăng trưởng kinh tế chậm lại, người lao động thiếu việc làm, các thế lực thù địch đã viết bài, đưa thông tin, hình ảnh... lên mạng xã hội, trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đối với người có công. Chúng “phân tích” rằng kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có chi nhiều cho TB-LS, người có công. Mục đích là nhằm kích động, xuyên tạc chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, hủy hoại truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến của những người tự xưng là “người yêu nước chân chính” kêu gọi cần phải “đối xử công bằng” với những người được gọi là “Quân lực Việt Nam cộng hòa”. Họ cho rằng “Quân lực Việt Nam cộng hòa” cũng “có công bảo vệ Tổ quốc”, vì thế cần phải “tôn vinh những người đã hy sinh vì Tổ quốc”. Có lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết rằng chính thể “Việt Nam cộng hòa” năm 1955 mới ra đời một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía Nam của Việt Nam, đóng vai trò như một thực thể chính trị của người Mỹ nhằm theo đuổi các mục tiêu phục vụ lợi ích riêng của họ.  

Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945, sau cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngay trong năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua. Hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam.

Không những vậy, sau năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên, cả phía Mỹ và cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” đều kiên quyết từ chối thiện chí đó. Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm hai miền, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không phải là biên giới quốc gia. Theo hiệp định này, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm-do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm “Thủ tướng” của chính phủ bù nhìn Bảo Đại-đã tuyên bố: “Không có tổng tuyển cử gì hết”, trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva và đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.

Thực tế lúc đó, Mỹ và phe cánh của Ngô Đình Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận và Đảng Lao động Việt Nam. Chúng tin rằng nếu tiến hành bầu cử tự do, chắc chắn Đảng Lao động Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thắng lớn. Do vậy, Ngô Đình Diệm với sự giúp đỡ của người Mỹ đã phải sử dụng nhiều thủ đoạn để củng cố quyền lực của mình. Ngô Đình Diệm đã áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến và người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.

Chính thể “Việt Nam cộng hòa” là phi pháp nên các công cụ bạo lực của nó cũng chỉ là lực lượng phản dân, hại nước, làm tay sai cho các thế lực ngoại bang. Quân đội của chính thể “Việt Nam cộng hòa” được gọi là “Quân lực Việt Nam cộng hòa” thường khoe là “chiến đấu cho tự do”, thế nhưng thực chất, họ đã tiếp tay cho “ông chủ” của mình là quân viễn chinh Mỹ để làm hại chính đồng bào mình. Với bản chất đánh thuê (và cả chết thuê nữa), “Quân lực Việt Nam cộng hòa” hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thiếu lý tưởng, không thể đại diện cho dân tộc Việt Nam và cũng không thể kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc. Đến khi Mỹ rút viện trợ và ngưng yểm trợ thì quân đội này (cùng với chính thể “Việt Nam cộng hòa”) đã suy sụp nhanh chóng...

Với quan điểm nhân đạo và hòa bình, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã có những chính sách tri ân đối với TB-LS và người có công, đối xử nhân đạo với tù hàng binh, thương xót những người lính Pháp, lính Mỹ tử vong trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tập 4, tr.510).

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã giúp người Mỹ tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Mới đây, lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) lần thứ 160 đã diễn ra tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Rất nhiều người đã từng phục vụ trong “Quân lực Việt Nam cộng hòa” trước kia nay trở thành những nhà khoa học, doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam. Nếu những gia đình này gặp khó khăn, họ đều được hưởng chính sách an sinh xã hội, không hề có sự phân biệt đối xử. Thế nhưng không thể và không bao giờ được đánh đồng sự hy sinh, cống hiến vì cách mạng của đồng bào, chiến sĩ với những người làm tay sai cho ngoại bang.

Xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công là thủ đoạn thể hiện tính chất, bản chất vô ơn bạc nghĩa của những kẻ phản động, thù địch. Họ xuyên tạc nhằm phục vụ mục tiêu chống phá, hòng tạo ra nhận thức lệch lạc, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là tội ác mới, cần phải bị vạch trần và lên án.

76 năm qua kể từ năm 1947, vào mỗi dịp 27-7, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và của quần chúng nhân dân; của thế hệ hôm nay và cả mai sau. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc. Không thể xuyên tạc được chính sách đối với người có công hợp lý, hợp tình, hợp pháp và hợp lòng dân của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét