Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

 

KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ KHOA HỌC CHÍNH TRỊ VÀ KHOA HỌC LÃNH ĐẠO - NHÂN TỐ QUAN TRONG ĐỐI VỚI QÚA TRÌNH NÂNG CAO VĂN HÓA CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ LÃNH ĐẠO HIỆN NAY


Chính trị là một lĩnh vực khách thể rất phức tạp, nếu không được trang bị những tri thức căn bản để hiểu rõ bản chất và quy luật vận động của đời sống chính trị thì các chủ thể hoạt động chính trị rất dễ trở thành nạn nhân của những ảo tưởng chính trị. Muốn giải quyết đúng đắn những vấn đề chính trị thực tiễn hết sức phức tạp hiện nay, chính trị cần phải dựa chắc chắn trên những luận cứ chính xác của khoa học,... “Các cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được trang bị những kiến thức khoa học, có hệ thống về chính trị, chứ không thể bằng lòng với tầm hiểu biết ở trình độ kinh nghiệm... Nhiều khi do thiếu hiểu biết lý luận, thiếu tri thức cơ bản và hệ thống về khoa học chính trị, thiếu văn hóa chính trị, chúng ta có thể phạm những sai lầm đáng tiếc”.

Khoa học chính trị đưa lại cho các chủ thể chính trị sự nhìn nhận tự giác, bao quát, hệ thống với tất cả sự phong phú của đời sống chính trị trong nước và quốc tế từ lịch sử đến hiện đại. Trên cơ sở đó mà có nhận thức sâu sắc về bản chất của chính trị, của các khuynh hướng chính trị, của sự vận động và phát triển xã hội trên phương diện đời sống chính trị, tổ chức và hoạt động chính trị. Khoa học chính trị đem lại cho các chủ thể chính trị ở nước ta mà trước hết là các chủ thể lãnh đạo một hệ thống tri thức cả lý luận và kinh nghiệm chính trị một cách tương đối hoàn chỉnh như là cơ sở trực tiếp cho việc hình thành những quan điểm cơ bản và phương pháp chính yếu cho việc giải quyết các vấn đề chính trị đang đặt ra. Bằng những nhận định có cơ sở khoa học về các xu thế vận động cơ bản, những vấn đề chính trị lớn của quốc gia và quốc tế, Chính trị học cung cấp dữ liệu khoa học cho các chủ thể lãnh đạo chính trị trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và sách lược chính trị. Với những kiến thức về Chính trị học của mình, người cán bộ lãnh đạo có thể nhìn nhận được rõ hơn, từ đó giữ vững và kiên định con đường đi lên CNXH của đất nước, có khả năng nhận xét, phê phán và ứng xử thích hợp đối với các quyết sách chính trị hay các phong trào chính trị trong nước và trên thế giới.

Đi đôi với yêu cầu trang bị những kiến thức về Chính trị học đối với người cán bộ lãnh đạo là yêu cầu  trang bị những kiến thức về Khoa học lãnh đạo (chủ yếu là Khoa học lãnh đạo chính trị) với tư cách là một khoa học chính trị đặc thù ở cấp độ ứng dụng liên quan trực tiếp đến quy trình hoạt động của người cán bộ lãnh đạo.

Khoa học lãnh đạo phải trang bị kiến thức và kỹ năng cho người cán bộ nắm bắt và phân tích kịp thời những sự kiện, quá trình và tình huống chính trị cụ thể, khả năng phân tích tâm trạng, thái độ, phản ứng chính trị ở các đối tượng khác nhau trong những thời điểm khác nhau để có những quyết sách phù hợp và kịp thời. Thực tế là, thiếu những kiến thức và kỹ năng hành động chính trị cụ thể do Khoa học lãnh đạo đem lại, người cán bộ chính trị có thể rất lúng túng trước các tình huống phức tạp và tế nhị đòi hỏi phải ứng xử nhanh nhạy, chính xác.

Khoa học lãnh đạo chính trị cần được phát triển vì yêu cầu đi sâu vào nghiên cứu các nội dung: bản chất và mục đích của lãnh đạo; các yếu tố cơ bản và quan hệ qua lại trong hoạt động lãnh đạo; chức năng và tác dụng của hoạt động lãnh đạo; những vấn đề xã hội - tâm lý của công tác lãnh đạo; người lãnh đạo và con đường hình thành các phẩm chất thiết yếu; quá trình và cơ chế của hoạt động lãnh đạo; phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo; chế định và thực thi chiến lược; quyết sách khoa học; chọn người tài và dùng người; giải quyết công tác chính trị tư tưởng; đối thoại chính trị; giao tiếp chính trị; người lãnh đạo tổ chức lao động của mình...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét