Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

 

VĂN HÓA CHÍNH TRỊ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN - NHÂN TỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI  QUÁ TRÌNH NÂNG CAO VĂN HÓA CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ LÃNH ĐẠO HIỆN NAY

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một nguyên tắc hoạt động chính trị: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”[1]. Trình độ văn hóa chính trị của nhân dân là một thước đo về hiệu quả hoạt động chính trị của những người lãnh đạo cộng sản hết lòng vì quyền lợi của quần chúng lao động. Mặt khác, chỉ trên một nền tảng được bảo đảm về văn hóa chính trị của nhân dân lao động thì việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo mới có cơ sở thực tế để tiến hành. Hơn nữa, khi trình độ văn hóa chính trị của nhân dân lao động được nâng cao sẽ tạo ra những thách thức cần thiết đòi hỏi người cán bộ  phải có bước trưởng thành cao hơn, vì tư cách của họ là chủ thể lãnh đạo mang tính tiên phong, dẫn đường. Một quốc gia dân tộc có một nền văn hóa chính trị cao biểu hiện trước hết là trình độ văn hóa chính trị phổ quát của nhân dân lao động và chiều cao văn hóa trí tuệ của những đại biểu ưu tú xuất hiện trên cái nền tảng phổ quát ấy.

 Nâng cao văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân lao động là nhằm lôi cuốn mọi công dân vào hoạt động chính trị - xã hội, phát triển ở họ tính tích cực chính trị, sự phản xạ và sự hưởng ứng nhanh chóng với những hiện tượng chính trị, những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra. Theo tinh thần của Lênin thì CNXH phải phát huy được tối đa tính tích cực chính trị công dân, lúc đó “những bà nội trợ cũng tham gia vào công việc nhà nước”, mọi người sẽ quen với việc chấp hành các quy tắc cơ bản, tự nguyện lao động và cống hiến theo khả năng của mình. Sự sáng tạo lịch sử của con người ngày càng mở rộng và sâu thì cái khối quần chúng dân cư vốn là người sáng tạo ra lịch sử một cách có ý thức cũng phải tăng lên.

Nâng cao văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân sẽ khơi dậy được sự sáng tạo của các nguồn lực xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước. Trình độ văn hóa chính trị là điều kiện đảm bảo cho người dân nắm bắt và thực hành dân chủ. Và chỉ như thế, chế độ chính trị - xã hội mới đạt được sự ổn định và bền vững, tạo ra được lợi thế so sánh phát triển. Hồ Chí Minh viết: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”[2].

Điều quan trọng là khi trình độ văn hóa chính trị được nâng cao, quần chúng nhân dân sẽ có khả năng góp phần quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ. Đồng thời cùng với sự lớn mạnh của các thể chế, người dân có thể thường xuyên gây sức ép thay đổi những người nắm vị trí lãnh đạo một khi họ không còn tỏ ra xứng đáng. Khi trình độ văn hóa chính trị được nâng cao, người dân sẽ hoàn thiện khả năng hiểu biết và sử dụng tổng thể các quy phạm pháp luật mang giá trị dân chủ để tự bảo vệ các lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân. Biết dùng pháp luật như một công cụ hữu hiệu để đấu tranh không khoan nhượng chống mọi hành vi phạm pháp, trực tiếp là tham nhũng, quan liêu, lộng quyền và lạm quyền trong hoạt động thực thi quyền lực chính trị.

Càng có trình độ văn hóa chính trị cao, con người càng nhận thức sâu hơn về những giá trị xã hội, về quyền và nghĩa vụ của mình cũng như khả năng độc lập đánh giá và suy lý về những tiến trình chính trị đang xảy ra. Với một trình độ văn hóa chính trị cao, những công dân bình thường có thể thường xuyên ở trong sự diễn tiến của những sự kiện quan trọng, nhanh chóng nhận biết những hành vi và tư cách của các chủ thể lãnh đạo. Điều đó như nhà Chính trị học và Luật học Pháp B.Săngtơbu viết: Nó rút ngắn khoảng cách giữa một công dân bình thường với một vị đại diện chính quyền, làm giảm đi những sự nghiêng theo một cách huyễn hoặc trước những nhà lãnh đạo hay những nhà chuyên chế, và trong nhiều trường hợp làm tăng niềm tin của mọi người vào khả năng tác động lên tiến trình của những sự kiện chính trị[3].



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.298.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.592
[3] Nguyễn Xuân Tế: Nhập môn khoa học chính trị,Nxb TP Hồ Chí Minh, 2002, tr.147.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét