Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên-nơi từng là địa điểm thứ ba, cũng là vị trí cuối cùng đặt cơ quan đầu não của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, hơn 70 năm về trước, được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân, cùng tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Mường Phăng thay màu áo mới

Du khách tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), tháng 4-2024. 

Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ hơn 30km, đường đến Mường Phăng bây giờ là hai tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trải nhựa phẳng lỳ. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói khang trang xen lẫn những nếp nhà sàn đã nhuốm màu thời gian. Quả thật, vào Mường Phăng hôm nay, ít ai nghĩ cách đây hơn 70 năm, nơi này từng là khu vực rừng sâu, núi thẳm. Theo lời kể của các cụ già ở Mường Phăng, những năm đầu giải phóng Điện Biên, đường giao thông đến Mường Phăng quanh năm nắng bụi, mưa lầy, thôn bản cách xa nhau cả quả đồi, đi lại hết sức khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, 100% nhà tranh vách đất. Ông Lò Văn Ắm, 78 tuổi, ở bản Co Mận nhớ lại: “Mường Phăng sau giải phóng Điện Biên nghèo khổ lắm. Khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài ăn chống đói. Sau nhờ có bộ đội hướng dẫn khai hoang, cấy lúa nước một vụ, người dân mới dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn để ăn thay củ mài, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đói lúc giáp hạt”.

Giờ đây, dọc trung tâm xã Mường Phăng là đường đôi 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo giao thông đầy đủ. Những nét văn hóa truyền thống của dân bản vẫn được đồng bào gìn giữ, từ mỗi nếp nhà, nết ăn ở, văn hóa giao lưu, trình diễn. Hiện Mường Phăng đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân tộc Thái cổ độc đáo, ít nơi có được như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen; trang phục, tín ngưỡng, lễ hội với điệu múa xòe, nhảy sạp; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ dân tộc... Đây cũng là những đặc điểm thu hút du khách đến với Mường Phăng.

Đặc biệt, hơn 7 thập kỷ đã đi qua với bao thăng trầm của thời gian nhưng toàn bộ Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ với hệ thống đường hầm, lán ở, nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn được đồng bào các dân tộc ở Mường Phăng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Người dân ở Mường Phăng trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ trong Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện khu di tích có hơn 80ha rừng đặc dụng với nhiều nhóm gỗ quý, có những cây cổ thụ có chu vi bằng cả mấy người ôm. Chứng kiến quê nhà đổi thay từng ngày, ông Lò Văn Nụi, nay đã ngoài 80 tuổi không giấu được niềm vui: Ngày xưa, đồng bào Mường Phăng vất vả, đói khổ bao nhiêu thì giờ đây, cuộc sống ấm no, sung túc bấy nhiêu. Sự đổi thay của mảnh đất này bắt đầu từ những ruộng lúa hai vụ, chấm dứt những ngày đồng bào phải ăn củ sắn, củ mài thay cơm. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho Mường Phăng.

Cách đây tròn 20 năm, sau chuyến thăm lại Mường Phăng, thấy người dân vùng căn cứ địa cách mạng phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về việc xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Không lâu sau đó, hồ Loọng Luông hoàn thành và được đưa vào khai thác, cấp nước tưới cho hơn 150ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng. Bà Lò Thị Phanh, bản Che Căn, xã Mường Phăng nhớ lại: “Ngày xưa, bà con làm ruộng được một vụ, khi giáp hạt toàn phải ăn sắn, ăn khoai thay cơm; trẻ con cũng ít được đi học. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Đại tướng, tháng 5, tháng 6, người dân Mường Phăng không lo thiếu gạo, thiếu ngô, dân được ấm no rồi”.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng xã nông thôn mới Mường Phăng, đồng chí Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng phấn khởi thông tin: Những năm gần đây, xã Mường Phăng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. UBND xã đã rà soát, lựa chọn và xây dựng điểm 3 bản văn hóa, du lịch cộng đồng gồm: Bản Che Căn, bản Khá (dân tộc Thái), bản Loọng Luông 2 (dân tộc Mông). Toàn xã có 2 homestay, 10 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống và hơn 30 hộ dân làm dịch vụ lưu trú. Dù mới triển khai, song du lịch cộng đồng đang từng bước thu hút khách du lịch, góp phần tăng thu nhập cho bà con, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nhờ vậy, toàn xã Mường Phăng hiện chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,03%), phấn đấu hết năm 2024, xã không còn hộ nghèo.

“Trước đây, người dân Mường Phăng từng đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nay bà con nguyện tiếp tục giữ gìn Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch, đoàn kết xây dựng TP Điện Biên Phủ ngày càng phát triển, đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ cả nước”, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng quả quyết.

Chị Cà Thị Ún, chủ homestay Cầm Trường, xã Mường Phăng chia sẻ, sau gần một năm đi vào hoạt động, những ngày cuối tháng 4 là thời điểm gia đình chị đón lượng khách đông nhất, hầu như ngày nào cũng có khách ghé thăm. Homestay Cầm Trường không những đáp ứng được phòng nghỉ đủ điều kiện theo quy định của tỉnh mà còn có thể phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu ăn uống với các loại thực phẩm sạch, tươi sống do dân bản tự nuôi trồng. Khách du lịch khi đến Mường Phăng, mỗi người dân trong xã đều sẵn sàng trở thành một hướng dẫn viên, một sứ giả văn hóa, giới thiệu đến khách tham quan những nét đẹp về phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây; quyết làm nên một “Chiến thắng Điện Biên Phủ" trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở vùng căn cứ địa cách mạng...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

nguồn báo quân đội nhân dân