Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

 VIỆT NAM CẦN TỪ BỎ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG “BỐN KHÔNG”?

Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng về mặt an ninh trên thế giới liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh khu vực (an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, khai thác tài nguyên bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nghề cá...) cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn. Chính vì vậy mà các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề này để kích động tâm lý bài xích Trung Quốc, kêu gọi Việt Nam tham gia liên minh quân sự và từ bỏ chính sách quốc phòng “bốn không”. Có thể kể đến như, ngày 18/4/2024, trên trang blog Bauxite Việt Nam tán phát bài “Thế trận an ninh mới ở Á Châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?”, nội dung đưa ra các dự báo về tình hình trên Biển Đông nhằm gây hoang mang trong dư luận, kích động mâu thuẫn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia trong khu vực và trên thế giới; kêu gọi Việt Nam “thúc đẩy sự hiện diện của hải quân các nước trên Biển Đông” và “từ bỏ” chính sách quốc phòng bốn không.

Các quan điểm trên là hoàn toàn sai trái, không phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chính sách quốc phòng “hòa bình, tự vệ” của Việt Nam và đặc điểm tình hình thế giới hiện nay.

Là một quốc gia đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nên Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Đồng thời, Việt Nam cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của mình. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Chính sách quốc phòng “bốn không” thể hiện rõ tính chất nhân văn, hòa bình, tự vệ của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Chính sách quốc phòng “bốn không” bao gồm: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, không tham gia liên minh quân sự 

Việt Nam nhất quán “thêm bạn, bớt thù”. Một khi tham gia liên minh quân sự, chúng ta sẽ phải gắn với một bên, phải san sẻ trách nhiệm tài chính, nhân lực; có thể phải nhân nhượng một số lợi ích, sẽ phải hy sinh một phần nhất định chủ quyền quốc gia, có thể phải đối đầu với bên khác, tức là “chuốc” thêm kẻ thù. Do đó, Việt Nam chỉ chọn đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mặt khác, hiện nay, các nước đều đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, mỗi nước phải tự bảo vệ lợi ích quốc gia mình, không thể trông chờ và sẽ không có quốc gia nào bảo vệ lợi ích thay cho nước khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải duy trì quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực Biển Đông.

Thứ hai, không liên kết với nước này để chống nước kia

Nguyên tắc này giúp Việt Nam có vị thế phù hợp để đối thoại với các nước hay tham gia vào các cơ chế đối thoại an ninh, quan sát viên các hội nghị, các cuộc tập trận ở khu vực. Việc thực hiện nguyên tắc này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực hiện nay. Nếu Việt Nam liên minh với bên ngoài, ưu tiên dùng biện pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp, bất đồng thì sẽ khó được các nước khác ủng hộ.

Thứ ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác

Việt Nam khẳng định rõ ràng với thế giới là không chấp nhận cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba. 

Với quân cảng Cam Ranh, chúng ta xác định đây là căn cứ riêng của hải quân Việt Nam; đồng thời, Việt Nam đã cho xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu của không ít quốc gia muốn cho tàu chiến được ghé đậu quân cảng này. Như vậy, hoạt động của tàu chiến nước ngoài tại cảng quốc tế Cam Ranh không vi phạm nguyên tắc “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại nước khác”.

Thứ tư, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Chủ trương này làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình trong chính sách quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình. 

Sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mà chính đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ đều đang hướng tới. Vì vậy, chúng ta chủ trương không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tránh những va chạm không cần thiết, không để các đối tượng nước ngoài khiêu khích, kích động, thỏa hiệp xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc lôi kéo, khống chế, gây sức ép với nước khác phát động chiến tranh.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế. Nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược. Đây là vấn đề rất quan trọng, để xây dựng lòng tin, là cơ sở để đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Trật tự thế giới đa cực hiện nay, các mối quan hệ quốc tế trở nên phức tạp hơn bao giờ hết; ranh giới giữa đối tượng và đối tác luôn luôn tồn tại và đan xen lẫn nhau. Trong cùng một chủ thể có những khía cạnh là đối tác để chúng ta tranh thủ hợp tác cùng phát triển, nhưng cũng có khía cạnh là đối tượng để đấu tranh. Việc nghiêng vào bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào cũng không phải là lựa chọn thích hợp. Chỉ có phát huy sức mạnh độc lập, tự chủ mới là cách thức tối ưu nhất để bảo vệ Tổ quốc./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét