Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

NHẬN DIỆN NHỮNG NGUY CƠ, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN NINH VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG QUÁ TRÌNH TOÀN CẦU HÓA

 


Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang bước vào xu thế tất yếu của thời đại - xu thế toàn cầu hóa kinh tế một cách chủ động. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, An ninh văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nó là một bộ phận không tách rời của an ninh quốc gia, được coi là “sức mạnh mềm” trong quan hệ đối ngoại. Nhận thức tính quy luật hai mặt của toàn cầu hóa, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện rõ những nguy cơ thách thức đối với đất nước Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, bảo vệ sự phát triển bền vững của văn hóa, tư tưởng xã hội chủ nghĩa và truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ nhất, toàn cầu hóa với nguy cơ đề cao văn hóa ngoại lai, xem nhẹ tính kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc trong bộ phận cán bộ, nhân dân.

Thông qua toàn cầu hóa, các nước tư bản tích cực truyền bá các giá trị phương Tây và tạo ra trong lòng xã hội trào lưu "cách tân", xem nhẹ và quay lưng lại với các giá trị truyền thống và coi thường tính kế thừa, từng bước hủy hoại sức sống của văn hóa dân tộc. Theo thống kê của Tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), hiện nay hãng Thông tấn Liên bang và hãng Thông tấn Hợp chủng quốc của Mỹ sử dụng hơn 100 thứ tiếng, phát tin 24/24 giờ nhằm vào trên 100 quốc gia. Trên mạng In-tơ-nét toàn cầu, số lượng bài viết truyền bá các giá trị Mỹ và phương Tây với khoảng 7 triệu chữ được tung lên hằng ngày… Chúng khai thác và khuyến khích phát triển tâm lý hưởng lạc vật chất tầm thường của một bộ phận dân chúng và cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị làm thay đổi quan niệm của họ về giá trị văn hóa truyền thống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chỉ rõ: Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Nếu chúng ta không tỉnh táo nhận diện đúng các nguy cơ, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, sẽ vô tình trở thành những “cánh tay nối dài” tuyên truyền những tư tưởng, văn hóa độc hại, phá hoại an ninh tư tưởng - văn hóa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng.

Thứ hai, nguy cơ đồng hóa văn hóa bởi cái gọi là giá trị của "thế giới tự do"

Thế giới tự do trong toàn cầu hóa luôn được ngụy biện bởi các cuộc xung đột văn hóa trên thế ở thế kỷ XXI, nó bộc lộ một cách rất rõ ý đồ của các nước tư bản thông qua toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia. Bởi vì, sự thật là chẳng có bất cứ một cuộc xung đột nào giữa các nền văn minh cả, bản chất của các nền văn hóa dù có khác nhau ở một số đặc trưng nào đó nhưng đều là những di sản, tài sản chung của nhân loại. Có thể thấy rằng, chủ nghĩa thực dân mới đang tác động vào hệ thống các quan điểm về đạo đức, tâm lý, phá vỡ thuần phong, mỹ tục vốn đã được gìn giữ hàng nghìn năm của dân tộc, dần tiến tới mục tiêu đồng hóa văn hóa. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong xã hội các nước đang phát triển hiện nay, văn hóa phương Tây đang xâm nhập, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, tạo ra nguy cơ đẩy văn hóa truyền thống lùi về phía sau.

Thứ ba, nguy cơ đe dọa từ chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch chống CNXH.

Các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa và chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước ta để thực hiện âm mưu phá hoại về văn hóa - tư tưởng chủ yếu thông qua con đường "diễn biến hòa bình". Chúng tập trung tấn công vào tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, tạo tâm lý thiếu tin tưởng dẫn đến hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bản chất của "Diễn biến hòa bình", trước hết là sự tạo ra tình trạng tự diễn biến về văn hóa - tư tưởng. Đó là quá trình khuyến khích sự truyền bá phổ biến các giá trị tư sản trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa, lấn lướt các giá trị ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa và tinh hoa văn hóa dân tộc. Không ngừng xuyên tạc sự thật về công cuộc xây dựng xã hội mới, vu cáo Đảng, Nhà nước, kêu gọi lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. "Diễn biến hòa bình" đang tạo ra nguy cơ thẩm thấu, gặm nhấm các giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho người ta quên đi các nghĩa vụ, quên đi gốc gác của mình, tìm cách tạo ra các mâu thuẫn xã hội, kiên trì tấn công "gột rửa" tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động nhằm dẫn đến sự nhạt phai lý tưởng, khủng hoảng tư tưởng, đánh mất phương hướng; kích động tâm lý cực đoan, bất mãn hoặc sự ấu trĩ về chính trị của một số người trong xã hội; cổ súy hoạt động khủng bố của các tổ chức phản động cũ ở nước ngoài nhằm gây áp lực với Đảng và Nhà nước ta...

Nhận diện những nguy cơ thách thức đối với văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa là yêu cầu cấp bách, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế và đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng và nhân dân Việt Nam đang xây dựng.


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét