Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Những khuynh hướng phổ biến đối với vấn đề dân tộc


Độc lập dân tộc gắn với chủ quyền quốc gia đang là một xu thế của thế giới. Mỗi quốc gia dân tộc, dù lớn hay nhỏ, đều cố gắng khẳng định giá trị dân tộc, như quyền tự quyết định chế độ xã hội, kinh tế, đường lối phát triển đất nước, khẳng định sự bình đẳng giữa các quốc gia trong sinh hoạt quốc tế. Lợi ích quốc gia được các nước đặt lên hàng đầu trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Chính phủ các nước đều coi trọng việc xác lập, bảo vệ và củng cố các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, thực thi nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội tích cực, cố gắng tạo lập sự hài hòa lãnh thổ, vùng miền, sắc tộc nhằm hướng tới sự đồng thuận, gắn kết quốc gia.

Về mặt đối ngoại, ranh giới ý thức hệ, tôn giáo, lý tưởng cùng chung chế độ xã hội không còn nhiều ý nghĩa mà thay vào đó là các điểm tương đồng về lợi ích quốc gia dân tộc và được xem là cơ sở để lựa chọn và xây dựng các mối quan hệ song phương cũng như đa phương. Lợi ích quốc gia dân tộc đôi khi được đánh đổi bằng các cuộc chiến tranh xâm lược hay các cuộc đàn áp đối phương.

Các thế lực cường quyền toàn cầu triển khai nhiều học thuyết và hành động bất chấp chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của các nước trên thế giới. Đây vừa là quá trình mở rộng thị trường cho các tập đoàn tư bản độc quyền, vừa là thủ đoạn áp đặt các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới trên cơ sở thủ tiêu chủ quyền, độc lập của các quốc gia dân tộc đang phát triển. Các cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Li-bi, Xy-ri... là những minh chứng rõ nét cho những đường lối can thiệp thô bạo đó.

Xuất hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi trong đời sống quốc tế. Xu thế phát triển đa cực của thế giới cùng những mâu thuẫn của quá trình toàn cầu hóa kết hợp sự cuồng tín tôn giáo đã nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Hơn nữa, chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, bành trướng, bá quyền cũng thừa cơ trỗi dậy đe dọa sự ổn định của quốc tế và khu vực. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét