Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

 


Muốn để “dân biết”, điều cốt yếu đầu tiên là phải cung cấp thông tin cho nhân dân; việc cung cấp thông tin phải chân thực, kịp thời và công khai. Có công khai thì mới có dân chủ, vì công khai là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hành dân chủ. Bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nên công khai là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, là một biểu hiện quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Dân bàn” là xu hướng tất yếu sau khi nhân dân đã được cung cấp thông tin đầy đủ, công khai. Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp phải biết lắng nghe các ý kiến của quần chúng nhân dân, nắm bắt dư luận xã hội trong nhân dân một cách nghiêm túc, phân tích nội dung các ý kiến của nhân dân một cách khoa học để nắm bắt chính xác, kịp thời tâm trạng, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Muốn thực hiện tốt phương châm “dân bàn”, phải tạo các điều kiện thuận lợi (phương tiện, diễn đàn, cơ chế) để nhân dân có thể nói lên suy nghĩ thật của mình, được bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề mà mình đang quan tâm, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ và vì sự phát triển chung của mỗi địa phương, của đất nước. Chính quyền các cấp không được phép thờ ơ trước những sáng kiến của quần chúng nhân dân để tránh tình trạng sáng kiến của người dân trong chế độ dân chủ trở thành đặc quyền của một thiểu số người với mục tiêu vụ lợi.

Dân làm” cần được hiểu chủ yếu theo nghĩa của sự chuyển hóa từ nhận thức thành những hành động, việc làm cụ thể của nhân dân. Từ chỗ được cung cấp thông tin một cách công khai, trung thực, kịp thời, thông qua bàn bạc, trao đổi ý kiến để tìm ra tiếng nói chung, người dân sẽ tự giác tuân thủ, thực hành các quyền dân chủ theo quy định của pháp luật.

Để “dân kiểm tra”, Nhà nước phải có cơ chế bảo đảm cho nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được trao những quyền hạn nhất định để quản lý, điều hành một số công việc của Nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế “dân kiểm tra” đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với các mặt hoạt động của chính quyền cấp xã ở tất cả các địa phương, của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; chất vấn những cán bộ, công chức có thẩm quyền về những vấn đề người dân quan tâm và quyền nghe trả lời những chất vấn đó, đặc biệt là những vấn đề về đất đai, xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị, nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng,...



[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.112

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét