Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN QUAN HỆ LIÊN MINH GIAI CẤP Ở VIỆT NAM

 


                                                                                               

Hiện nay, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc quản lý trên không gian mạng trong thời kì này luôn là thách thức đối với mỗi quốc gia. Đất nước ta cũng không ngoại lệ, trước sự chống phá ngày càng mạnh mẽ của các thế lực thù địch, chúng luôn tiến hành những âm mưu, thủ đoạn phi truyền thống và nhất là trên không gian mạng, thì vấn đề đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng luôn được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tuy nhiên, đất nước ta càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, các thế lực thù địch, phản động lại càng hằn học tìm mọi cách để chống phá. Lợi dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đi vào chiều sâu đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn rất mới, trước đây chưa từng có, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị tăng cường chống phá chúng ta.

 Mới đây, trên trang “Baotiengdan”, Nguyễn Thông đăng bài viết “Đội quân chủ lực bị bỏ rơi”. Trong đó có nội dung:...Thương nhất nông dân, hoàn toàn không được nhà nước quan tâm, họ bị gạt ra trong sự thờ ơ, lạnh lùng của hệ thống chính trị, cái hệ thống mà chính họ là đội quân chủ lực, là lực lượng nuôi dưỡng, bảo vệ nó”. Đây là một trong những luận điệu phản động, xuyên tạc, không có căn cứ của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ khối liên minh giai cấp ở Việt Nam, điều đó được thể hiện qua những luận điểm sau:

Thứ nhất, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giai cấp nông dân Việt Nam - lực lượng rất to lớn của dân tộc. Người, đánh giá rất cao vai trò của giai cấp nông dân, với tư cách là lực lượng cách mạng, là lực lượng có sức mạnh “long trời lở đất”, nếu như được tổ chức lại dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản; đồng thời, Người phân tích rõ, nhấn mạnh nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. Trong lịch sử dân tộc, giai cấp nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hồ Chí Minh cho rằng “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”.

Thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nông dân nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của thực dân Pháp, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân. Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho các điền chủ nông gia Việt Nam: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Thứ hai, Liên minh giai cấp Công nhân - Nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, giai cấp nông dân phải có giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất - lãnh đạo, dẫn dắt thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực hiện cho được liên minh công - nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Người đã phân tích rất sâu sắc về liên minh công - nông, nhấn mạnh liên minh quần chúng nông dân đông đảo với giai cấp công nhân là cơ sở chủ yếu để có thể lập ra một mặt trận dân tộc rộng rãi và vững chắc.

Nhận thức và đánh giá đúng phong trào của nông dân đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Người chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Khi đất nước lầm than, phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc.

Thứ ba, Ngay từ những ngày đầu tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”. Người cho rằng muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để chỉ đạo và triển khai thực hiện trong thực tiễn nhằm giúp nông dân và hỗ trợ nông nghiệp phát triển, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết 26- NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bộ mặt của nông thôn được thay đổi, ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. Có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy từ khi có Đảng đến nay và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam đã cùng với giai cấp Công nhân và các tầng lớp xã hội khác của dân tộc đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ thành công, bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, đồng thời giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp Nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Truyền thống của dân tộc ta đã được chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” hay trước những khó khăn thử thách thì nhân dân luôn là nguồn sức mạnh to lớn cho Đảng và Nhà nước ta vượt qua như lời chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” đã cho thấy tầm quan trong của nhân dân nhất là giai cấp nông dân. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chăm lo đời sống cho nhân dân với mục tiêu: “Không một ai bị bỏ lại phía sau” đã thể hiện lên những điều đó qua nhưng khó khăn, gian nan trong thời bình, nhất khi phải đối đầu với thiên tai, dịch bệnh thì nhân dân luôn được ưu tiên lên hàng đầu.

Từ những luận điểm trên, chúng ta khẳng định mọi lý lẽ mà Nguyễn Thông đưa ra là hoàn toàn sai trái, bịa đặt, không đúng sự thật, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, đây chỉ là một trong những luận điệu xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch, vì vậy chúng ta phải có nhận thức đúng đắn trước những thông tin trên mạng xã hội và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái đó./.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét