Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Điểm nghẽn cơ chế trong trọng dụng nhân tài

 Nhiều nhân tài “mắc kẹt” bởi thái độ hẹp hòi và điểm nghẽn cơ chế

Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý mến, trọng dụng nhân tài. Nhiều bậc đế vương anh minh của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xuống “Chiếu cầu hiền” chiêu mộ nhân tài, tổ chức các kỳ thi khắt khe để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách phát hiện, thu hút, ứng xử, đối đãi rất khéo léo, đúng mực đối với các nhân tài. Tuy nhiên, nhiều bài học về thu hút, trọng dụng nhân tài của các bậc tiền nhân lại chưa được chúng ta vận dụng, phát huy một cách thấu tình đạt lý để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong khi Đảng ta yêu cầu: “Hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì dưới con mắt của không ít cán bộ lãnh đạo, nhân tài chỉ là nhà khoa học, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ làm chuyên môn thuần túy. Đáng nói hơn, thái độ ứng xử với nhân tài cũng thiếu khoa học. Nhiều tổ chức, cơ quan và người lãnh đạo vẫn coi trọng bằng cấp hơn thực học, thực tài, thực nghiệp. Cách xem xét, đánh giá như vậy là sai bản chất, vì họ coi trọng hình thức hơn nội dung, làm trái quy luật của triết học biện chứng là “nội dung quyết định hình thức”.

Nguy hại hơn, trong công tác cán bộ thì lại chú trọng chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa thân hữu. Từ tháng 2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo và yêu cầu ngăn chặn tình trạng: “Trong công tác cán bộ thì “thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”. 

Trí tuệ là giá trị cốt lõi của nhân tài, thế mà bị đẩy lùi ra phía sau cùng thì làm sao nhân tài mặn mà với vận mệnh sơn hà xã tắc? “Khi chúng ta hành xử không đúng mực với nhân tài, để họ đứng ra ngoài hành trình của đất nước, thì đất nước sẽ khó phát triển”.

Trong khi đó, chính sách trọng dụng nhân tài còn bất cập: Thực trạng “chảy máu chất xám” đã, đang là vấn đề cấp bách. Chính phủ có đề án nhằm hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong đó nhiều lưu học sinh được Chính phủ cấp học bổng đi du học hay cấp kinh phí để cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Song hiện nay chưa đủ 50% số người được cử đi học về nước cũng bởi một phần nguyên nhân là do chính sách đãi ngộ nhân tài còn vênh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có nhiều rào cản khiến không ít nhân tài của Việt Nam không muốn trở về nước để cống hiến, như: Môi trường làm việc gò bó, cơ hội phát triển ít, thu nhập không thỏa đáng, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân tài. Vì vậy, nhiều tài năng của đất nước tìm cách ở lại hoặc lựa chọn những quốc gia phát triển để làm việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét