Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh về tính tất yếu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

 


Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen, do điều lịch sử quy định nên các ông chưa bàn nhiều đến vấn đề “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, song các ông đã nêu ra những quan điểm khoa học về tính tất yếu phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ năm 1845, Ph.Ăngghen khẳng định: “Xin quý vị lưu ý rằng, khi xảy ra chiến tranh và đương nhiên chỉ có thể là chiến tranh chống lại các quốc gia chống cộng sản thì mỗi thành viên xã hội phải bảo vệ tổ quốc chân chính, mái nhà chân chính, do đó sẽ chiến đấu với tinh thần hăng hái, tính cương nghị và lòng dũng cảm khiến cho quân đội hiện đại được huấn luyện một cách máy móc phải tan”[1]. Như vậy, tổ quốc mà Ph.Ăngghen đề cập ở đây là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trên tinh thần ấy, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển thành học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền, thành lập nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đặt ra một cách trực tiếp, cấp bách. Bởi vì, chiến tranh, xâm lược, nô dịch là “bạn đường” của chủ nghĩa đế quốc, là trở lực lớn nhất trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị”[2]. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Kể từ ngày 25 tháng Mười năm 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[3].

V.I.Lênin tuyên bố: “Nước Cộng hòa liên bang xô - viết Nga nhất trí lên án những cuộc chiến tranh ăn cướp, từ nay nhận thấy mình có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống lại tất cả các cuộc xâm lược có thể xảy ra do bất kỳ một cường quốc đế quốc chủ nghĩa nào gây ra”[4]. Trong tác phẩm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định: “1) Tất cả mọi lực lượng, mọi tài nguyên của đất nước đều phải dành cho công cuộc bảo vệ cách mạng. 2) Tất cả các Xôviết và các tổ chức cách mạng có trách nhiệm phải bảo vệ từng vị trí cho đến giọt máu cuối cùng”[5]. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc kể từ ngày 25 tháng Mười năm 1917. Điều này tôi đã nói nhiều lần một cách hoàn toàn dứt khóat, và các anh cũng không dám bác lại. Chính vì lợi ích “củng cố mối liên hệ” với chủ nghĩa xã hội quốc tế nên nhất thiết phải bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[6].

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính tất yếu phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là quy luật sinh tồn của dân tộc trong tiến trình lịch sử và là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Người đã chỉ ra “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”[7]. Trong Tuyên ngôn độc lập (1945) và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”; “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[8]. Như vậy, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam là nhiệm vụ chiến lược đặt trong mối quan hệ biện chứng với nhiệm vụ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trong Cương lĩnh (2011), Đảng ta khẳng định: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[9]. Đến Văn kiện Đại hội XIII, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được khẳng định ngay trong chủ đề của Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[10].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 2, “Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ” (1845), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,1995, tr.725.

[2] V.I.Lênin toàn tập, Tập 30, “Cương lĩnh quân sự của cách mạng vô sản” (1916), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.173.

[3] V.I.Lênin toàn tập, Tập 36, “Nhiệm vụ chủ yếu của thời đại chúng ta” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.102

[4] V.I.Lênin toàn tập, Tập 36, “Đại hội IV bất thường các Xôviết toàn Nga” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.153

[5] V.I.Lênin toàn tập, Tập 35, “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.435.

[6] V.I.Lênin toàn tập, Tập 36, “Về bệnh ấu trĩ “tả khuynh” và tính tiểu tư sản” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.358.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, “Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại đền Hùng (Phú Thọ) (1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.59.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.63.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.14.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét