Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 


 

Nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng bộ về chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự đồng thuận trong xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận và thực tiễn hiện nay. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:

Một là, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu coi kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Cần khẳng định ngay rằng, việc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và sai lầm; đồng thời, coi kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn không đúng; bởi kinh tế thị trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, có thể tồn tại ở các chế độ xã hội khác nhau. Vì thế, việc đồng nhất một kiểu tổ chức kinh tế với một chế độ xã hội là thứ tư duy máy móc, phiến diện. Trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự đúc rút kinh nghiệm phát triển nền kinh tế thị trường trên thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện tư duy, quan điểm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hai là, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu xuyên tạc, cho rằng: không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là một; đã lựa chọn kinh tế thị trường thì không có định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự khác biệt giữa kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về bản chất, đặc trưng và hình thức thể hiện; sự kết hợp giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa tập trung ở những nội dung cơ bản sau: Về người làm chủ, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa do giai cấp tư sản làm chủ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ, Nhà nước đại diện quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Về mục đích phát triển: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân lao động và mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới tiến bộ, phù hợp trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có mục đích tạo ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản, duy trì vai trò thống trị của giai cấp tư sản và sự bền vững của chế độ tư bản chủ nghĩa. Về cơ sở kinh tế - xã hội, đó là sự khác biệt về chế độ sở hữu. Nền kinh tế nước ta tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất giữ vai trò thống trị, các công ty tư bản độc quyền chi phối đến sự phát triển của nền kinh tế.

Về thành phần kinh tế và vai trò của các thành phần kinh tế, được xác định qua sự khác biệt về thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo. Ở nước ta, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, về lâu dài kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; trái lại, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, kinh tế tư bản tư nhân và các tổ chức độc quyền giữ vai trò chủ đạo. Về chế độ quản lý kinh tế, ở Việt Nam, đó là sự quản lý, điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhà nước tư sản và các tổ chức độc quyền quản lý, điều tiết nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản và các tổ chức độc quyền. Về chính sách phân phối, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện nhiều hình thức phân phối, trong đó lấy phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo tài sản và vốn. Về tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, Nhà nước Việt Nam chủ động giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ là phương tiện mà còn là mục tiêu của chế độ xã hội mới. Đối với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vấn đề công bằng xã hội chỉ được xem như là phương tiện nhằm đạt mục đích ngày càng nhiều giá trị thặng dư để duy trì và củng cố chế độ tư bản chủ nghĩa mà thôi.

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, “cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là minh chứng sinh động về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét