Không gian mạng là mạng lưới
kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet,
mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở
dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi
không gian và thời gian. Với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm
vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet, mạng xã hội trở thành môi trường
cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin, đem lại những lợi ích
to lớn, từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, tác động
một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác
động đến sự phát triển của toàn xã hội. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng
bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó đối với đời sống văn hóa xã hội và sự
phát triển của đất nước.
Ngày
nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mỗi chúng ta đều dễ
dàng có được những phương tiện để truy cập internet, mạng xã hội. Với
lượng thông tin lớn, người truy cập đa dạng về lứa tuổi, giới tính, trình độ học
vấn, do đó khó phân biệt được hết cái tốt, cái xấu; với tính tò mò, thích khám
phá cái mới, lạ, không được định hướng cũng như chưa biết tự kiểm soát, dễ dàng
bị hấp dẫn và hòa nhập theo những lời nói, hành vi - biểu hiện “lệch chuẩn về
văn hóa” đi ngược lại những giá trị, nét đẹp của văn hóa dân tộc ta.
Hoạt động đấu tranh phản bác biểu
hiện “lệch chuẩn về văn hóa” trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, có ý
nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội cần tập trung làm
tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường quán triệt
sâu sắc Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018,
của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” tới mọi
người dân. Qua đó, xác định tốt chức trách, nhiệm vụ, nâng cao ý thức,
trách nhiệm của công dân trong tham gia mạng xã hội, tuyên truyền giá trị tốt đẹp
của văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, cần nhận diện, tích cực đấu tranh
với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp ấn phẩm văn hóa đồi trụy,
hành vi bạo lực, lối sống vô văn hóa, phi vô sản. Theo đó, cần quán triệt những yêu cầu của Đảng: “Tiếp tục đổi mới mạnh
mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp
thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục
trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan
điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đẩy mạnh tổng kết
thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới,
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[1], để có cái nhìn toàn diện,
đầy đủ, sâu sắc hơn về những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp. Đặc biệt, những vấn
đề tiêu cực trên internet, mạng xã hội đã và đang tác động không nhỏ đến nhận
thức, tư tưởng, tâm lý, lối sống của nhân dân nếu họ không có mục tiêu, lý tưởng
phấn đấu rõ ràng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, không đủ khả năng phát hiện,
phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, tiến bộ - lạc hậu ...
Hai
là, phát huy trách nhiệm
của gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn công
dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhận biết được đúng, sai, điều chỉnh hành
động một cách đúng đắn. Hiện nay, vẫn còn tình trạng gia đình, nhà trường và
các tổ chức đoàn thể chưa thật sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc giáo
dục, dìu dắt, chỉ bảo đối với thế hệ
trẻ. Nhiều gia đình vì mải mê kiếm
sống mà sao nhãng, bỏ qua việc giáo dục con. Nhiều trường học chỉ chú trọng
phần học “văn” mà bỏ qua phần “lễ”, coi trọng giáo dục kiến thức mà xem nhẹ
giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Vẫn còn nhiều tổ
chức đoàn thể hoạt động theo phong trào, bề nổi lấy thành tích, chưa tạo ra
những hoạt động thực tiễn, theo chiều sâu có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các em
tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, chưa định hướng lý tưởng trong các
hoạt động văn hóa, xã hội cho giới trẻ. Do đó, sự kết hợp giữa gia đình, nhà
trường, các đoàn, hội trong công tác giáo dục, định hướng công dân là việc làm
cần thiết và mang tính cấp bách. Cơ
quan báo chí phải chú trọng công tác in ấn, xuất bản, phát hành tin
bài theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước, định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng
bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu; báo chí không chỉ mô tả, phản
ánh các vụ việc, hành vi văn hóa, mà phải phân tích thấu đáo, từ đó đưa ra
khuyến nghị về phong cách ứng xử, lối sống có văn hóa trong xã hội cho người
dân.
Ba là, tăng cường công tác quản lý hệ thống mạng xã
hội, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi “lệch chuẩn về văn hóa”. Toàn
xã hội cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc. Các
cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin
“lệch chuẩn về văn hóa”; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm. Các cấp, các
ngành và toàn xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật an ninh mạng và các văn bản
pháp luật liên quan đến hoạt đông tham gia mạng xã hội để nâng cao ý thức,
trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngành giáo
dục và đào tạo chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền về tác hại của
việc sử dụng internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên mạng hiệu
quả; cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội nhằm tuyên
truyền, đăng tải, bình luận các thông tin, vấn đề, sự kiện nhằm mục đích trục
lợi.
Bốn
là, tích cực trong công
tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho nhân dân, nhất là thanh
thiếu niên. Công tác giáo dục đạo đức, bồi đắp niềm tin cho quần chúng nhân
dân, đặc biệt là thanh niên giữ vai trò vô cùng cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh
trước lúc đi xa còn căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo
đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa
xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một
việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trước sự hội nhập về văn hóa toàn cầu,
tuổi trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm văn hóa độc hại, cổ súy lối sống lai căng, tư
tưởng lệch lạc. Trong bối cảnh ấy, chúng ta càng phải quan tâm chăm lo giáo
dục, rèn luyện thế hệ thanh niên có đủ đức, tài, niềm tin, khát vọng để xứng
đáng với vị thế, trọng trách cao cả của mình đối với dân tộc và Tổ quốc.
Tóm lại, nhận
diện, đấu tranh phản bác biểu hiện “lệch chuẩn về văn hóa” trên không gian mạng
là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, then chốt trong xây dựng nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, mỗi biện
pháp nêu trên có vị trí, vai trò, nội dung và yêu cầu thực hiện khác nhau, song
có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Sự quyết tâm thực hiện một số biện pháp nêu trên sẽ
góp phần tăng cường công tác giữ gìn an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh ngăn
chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
trên không gian mạng, chỉ rõ vấn đề, giúp nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng
thành công nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị
quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr. 181.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét