Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá
nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng.
Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm
ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá
nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Chức
vụ lãnh đạo phải gắn liền với uy tín
Mỗi cán bộ, đảng
viên, nhất là người quản lý, lãnh đạo
phải thực sự tiêu biểu về trình độ, năng lực, đạo đức, uy tín trước tập thể.
Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, không phải cứ có chức vụ là mặc nhiên
đã có uy tín tương xứng. Đương nhiên, khi một cán bộ, đảng viên được bổ nhiệm
chức vụ thì tổ chức và cấp trên đã xem xét, cân nhắc năng lực, uy tín của người
đó. Song, trên thực tế đã có những trường hợp cán bộ được cất nhắc mà uy tín
chưa hẳn đã tương xứng. Nghĩa là, uy tín đó chưa chắc đã được hình thành từ
những phẩm chất, năng lực và sự dày công phấn đấu thực sự, nó trái ngược
với uy tín chân thực, nhưng lại được ngộ nhận là uy tín. Do uy tín giả tạo khéo
được che đậy, cho nên họ cũng được “tiền hô hậu ủng”, thậm chí được cấp dưới,
tập thể và dư luận tung hô, tán thưởng. Thế nhưng, đến khi những câu chuyện sai
phạm, tiêu cực bị phanh phui thì dư luận lại quay lưng chê bai, miệt thị. Khi
đó, các thế lực thù địch sẽ thừa cơ chĩa mũi nhọn vào xuyên tạc và quy chụp
thành bản chất của Đảng, của chế độ.
Về nguyên tắc, uy tín phải tương xứng
với chức vụ để người cán bộ có thể làm tròn chức phận của mình. Bởi vì nếu uy
tín không tương xứng với vị trí công tác thì không thể tác động, thuyết phục,
cảm hóa người khác phục tùng một cách tự giác. Khi đó, tất yếu sẽ dẫn đến sự
trì trệ trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Cho nên uy tín của cán bộ, đảng viên
phải được hình thành từ chính những phẩm chất, năng lực của từng người. Uy tín
đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, đặc biệt là từ thực tiễn công
tác.
Mặc dù là uy tín giả tạo, song không
phải ai cũng có đủ dũng khí để thẳng thắn chỉ mặt, gọi tên và đấu tranh ngăn chặn
nó. Thực tế, có không ít người từng lầm tưởng rằng, khi được giao nắm giữ chức
vụ là bản thân mình đã có uy tín tuyệt đối. Tiếp cận dưới góc độ tâm lý học, uy
tín của người lãnh đạo là kết quả của sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, từ đó lan
tỏa và thuyết phục người khác. Quá trình này bao giờ cũng tuân theo những quy
luật chung, quy luật đặc thù về sự hình thành và phát triển nhân cách. Trong
đó, hoạt động thực tiễn quản lý, lãnh đạo có vai trò quyết định. Đó là uy tín
đích thực của người cán bộ, đảng viên và khác hoàn toàn về chất với uy tín giả.
Củng cố, giữ gìn uy tín chân thực là ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Cho dù uy tín giả
được hình thành bằng con đường nào, biểu hiện của nó ra sao thì cũng đều trái
với những giá trị xã hội đích thực. Vì vậy, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi uy tín
giả là cuộc chiến chống giặc nội xâm-chống kẻ địch bên trong rất nguy hại.
Song, việc nhận diện và tẩy trừ nó là quá trình làm trong sạch nội bộ kiên trì,
bền bỉ, thậm chí lâu dài, cùng với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quá
trình đó trước hết phải được vận hành ở ngay trong từng cán bộ, đảng viên. Cũng
trong bài phát biểu tại phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày
13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ
tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên
trong”. Uy tín giả được ngụy tạo bằng nhiều thủ thuật khác nhau. Cho nên phòng,
chống, loại bỏ nó ra khỏi đời sống chính trị, xã hội phải bằng nhiều biện pháp,
cách thức.
Trước hết, đối với mỗi cán bộ, đảng
viên, cần đề cao hàng đầu tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Quán triệt,
thực hiện nghiêm túc văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao ý thức tu dưỡng,
rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan
điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức”. Vì những hành
vi đó cũng là nguyên nhân tạo ra các biến thể độc hại của uy tín giả. Cho nên,
chống chủ nghĩa cá nhân, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng cũng là đẩy
lùi uy tín giả. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng giáo dục, phát
huy tinh thần “7 dám”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức. Đây cũng là
khâu “then chốt của then chốt”, là lấy xây dựng, bảo vệ uy tín đích thực để
phòng, chống uy tín giả. Vì vậy, chúng ta cần có quyết tâm cao trong việc
"gạn đục khơi trong" bộ máy từ cơ sở. Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
cũng chính là nội dung, biện pháp phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực
hiện nay.
Trước những yêu cầu về phẩm chất, năng
lực của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành
Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán
bộ. Quy định này chỉ rõ: Kiên quyết chống "độc đoán, chuyên quyền, quan liêu,
xa dân... đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân
khác”. Cho nên độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân là những điều cần phải
ngăn chặn. Từ đó củng cố, giữ gìn uy tín của người lãnh đạo, quản lý và uy tín
của Đảng. Một trong những nội dung, biện pháp thiết thực để ngăn chặn, đẩy lùi
uy tín giả là các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện triệt để nguyên tắc tự phê
bình và phê bình. Vì nguyên tắc này sẽ trực tiếp củng cố, giữ gìn uy tín của
cán bộ, đảng viên; đồng thời là công cụ hữu hiệu để phát hiện, loại trừ những
biểu hiện giả danh uy tín, đạo đức từ trong nội bộ và ở ngay trong từng cá
nhân.
Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải
tránh nể nang, khoan nhượng và thỏa hiệp với những biểu hiện của chủ nghĩa cá
nhân, uy tín giả hiệu. Tự phê bình và phê bình phải được cấp ủy, tổ chức đảng
tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, đi vào thực chất, tránh hình thức. Cùng với
đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng từ cơ sở. Đây là
bước đi chủ động, góp phần ngăn chặn từ xa, xử lý từ sớm những biểu hiện tiêu
cực, thúc đẩy sự hoàn thiện uy tín của cán bộ, đảng viên. Trong đó cần tập
trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, các bước của công tác cán bộ. Đại
hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ,
gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”. Từ đó chúng ta loại bỏ được các hiện tượng giả
danh uy tín, đồng thời bố trí, sử dụng được cán bộ có đủ đức, tài và uy tín đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tóm lại, uy tín giả có thể ví như một
loại virus nguy hiểm ở những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân. Do đó,
nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu và mạnh dạn sửa chữa khuyết điểm để loại
bỏ uy tín giả, tự làm trong sạch mình luôn là nét đặc trưng về bản chất, truyền
thống của Đảng. Song, nhận diện, đẩy lùi uy tín giả phải hết sức quyết liệt,
tỉnh táo và tinh tường. Chống uy tín giả cũng là xây dựng, củng cố, bảo vệ uy
tín đích thực của cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng. Từ đó góp phần xây
dựng, bảo vệ vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét