Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

NHÌN NHẬN ĐÚNG VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN

 

Nếu như trước đây trong giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước ta (1958 - 1960), kinh tế tư nhân, hay nói cách khác chế độ tư hữu bị lên án, bị xem là biểu hiện của phương thức sản xuất lạc hậu, không tương thích với chủ nghĩa xã hội. Thậm chí cho đến sau ngày đất nước thống nhất (sau năm 1975) tư tưởng đó vẫn còn rất nặng nề, dẫn tới tình trạng kinh tế tư nhân gần như không có “đất diễn” trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thay vào đó là sự phát triển của phong trào đưa nông dân vào hợp tác xã, quốc hữu hóa nền kinh tế quốc dân. Kết quả thì dường như chúng ta đã thấy, đó là sự phát triển chậm chạm của nền kinh tế với sức ỳ quá lớn dẫn tới tình trạng kém phát triển. Đó chính là bài học đắt giá cho cái nhìn phiến diện, một chiều đối với vai trò của kinh tế tư nhân, phủ định sạch trơn những giá trị to lớn mà kinh tế tư nhân mang lại. Điều đó đã khiến chúng ta đã phải trả những giá rất đắt. Vì vậy, tại Đại hội VI của Đảng (1986) Đảng ta đã phải thừa nhận những thiếu sót này.

Như vậy, từ chỗ chưa được chấp nhận, đến nay kinh tế tư nhân đã có một vị trí, một chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính sự xuất hiện của kinh tế tư nhân đã tạo động lực rất lớn để phát triển nền kinh tế quốc dân. Điều này đã được Đảng ta khẳng định tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, đó là “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều này được khẳng định lại trong Nghị quyết Đại hộ XIII của Đảng.

Nhờ sự khơi thông về mặt lý luận và mở đường về đường lối, cơ chế, chính sách mà kinh tế tư nhân nước ta đã được phát triển với tốc độ khá cao, trở thành một trong những lực lượng kinh tế chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

Để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển nền kinh tế, không còn tâm lý kỳ thị, cần thống nhất về mặt nhận thức và hành động những quan điểm của Đảng và Nhà nước những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao.

Thứ hai, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực, có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “quan hệ, lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi.

Thứ ba, kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích các hình thức các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thứ tư, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, mở rộng thị trường.

Thứ năm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành phát luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét