Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

ĐỘC LẬP TỰ CHỦ LÀ NGUYÊN TẮC KHÔNG THAY ĐỔI, HỘI NHẬP QUỐC TẾ LÀ KIẾN THIẾT ĐẤT NƯỚC

 

 

Ngay từ rất sớm, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và là nguyên tắc cơ bản định hình các hoạt động đối ngoại từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam đến nay. Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc của mình trước mọi tác động của tình hình, trước những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đối ngoại Việt Nam.

Độc lập có nghĩa là chúng ta tự “điều khiển lấy mọi công việc” của mình, “không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Không để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta là nguyên tắc cốt lõi của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở nội lực, thực lực của đất nước, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam “trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”, kiên trì chính sách độc lập, tự chủ gắn bó chặt chẽ với thực hiện phương châm tích cực và chủ động trong công tác đối ngoại, với “chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức, khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước”. Đó là quan điểm, phương cách giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Thông qua hội nhập quốc tế, nhân dân Việt Nam đã tranh thủ được sức mạnh của thời đại, phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất lúc đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn thành bài học lịch sử: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại”, vận dụng linh hoạt bài học đó, Đảng đã gắn kết và phát huy được sức mạnh tổng hợp ở trong nước của mọi tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đưa cách mạng dân tộc, dân chủ Việt Nam đi từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 và sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ là cơ sở, là cái quyết định để hội nhập thành công, và chính hội nhập lại giúp chúng ta tranh thủ được sức mạnh của thời đại để củng cố độc lập tự chủ của dân tộc. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết lại: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới có tự do. Song, chúng ta cũng nhận thức rõ ràng là độc lập tự chủ không đồng nghĩa với biệt lập hoặc cô lập mà phải đi đôi với việc chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở xử lý đúng đắn quan hệ giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc tế. Điều này luôn luôn thể hiện rõ nét trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, khi nhìn vào toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: gắn chủ nghĩa yêu nước, với cuộc đấu tranh giai cấp, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc. Dân tộc - giai cấp - nhân loại là một chỉnh thể không đối lập trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh cũng như trong đường lối cách mạng của Người.

Độc lập tự chủ là điểm tựa vững chắc, là sức mạnh khi ta tham gia hội nhập quốc tế. Càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì càng cần có độc lập tự chủ để chúng ta có thể tự quyết định con đường phát triển và hướng đi của tiến trình hội nhập sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của quốc gia. Đồng thời, vị thế độc lập càng củng cố và các giá trị quốc gia càng được nâng cao khi cộng đồng thế giới đánh giá cao và đặt niềm tin vào các quốc gia có bản lĩnh, có bản sắc văn hóa độc lập. Vì vậy, độc lập tự chủ còn là “chiếc neo về bản sắc”; hội nhập càng sâu rộng, ý thức về bản sắc càng cao và nhu cầu gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc càng lớn. Ngược lại, hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện để tăng cường khả năng giữ vững độc lập tự chủ thông qua tiếp cận, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài và làm tăng vị thế quốc tế của đất nước. Hơn nữa, hội nhập quốc tế tạo ra các mối ràng buộc và đan xen lợi ích giữa quốc gia với các đối tác. Điểm ưu việt và sáng tạo trong tư duy chính trị của Đảng ta là ở chỗ Đảng coi độc lập tự chủ gắn liền với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các kỳ Đại hội của Đảng gần đây luôn nhấn mạnh: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đó là đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại đó, những năm gần đây, đối ngoại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là: Thứ nhất, củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Thứ hai, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thứ ba, quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam trên thế giới, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Thứ tư, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Thứ năm, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, mà Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “Về hội nhập quốc tế” đã xác định. Báo giới và dư luận trên thế giới đánh giá cao và tích cực uy tín, vị thế đang lên của Việt Nam trong những năm gần đây. Ngay sau khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 6/2019, những lời chúc mừng từ các nước đã được gửi đến Việt Nam bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ tới. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng tăng lên là một thực tế khách quan, phản ánh Việt Nam thực sự có “giá trị” và có thể gọi là “giá trị chiến lược” trong quan hệ quốc tế.

Đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, phù hợp. Những thành tựu của chúng ta đạt được từ việc nhất quán thực hiện đường lối, chính sách đó là rất quan trọng, được các tầng lớp nhân dân phấn khởi, tự hào và tin tưởng, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Đó là thực tế sáng rõ mà không ai có thể phủ nhận.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét