Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SÁNG LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO CẢ DÂN TỘC GIÀNH THẮNG LỢI VĨ ĐẠI

 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là một tất yếu khách quan từ thực tiễn đấu tranh của Nhân dân ta chống sự nô dịch đế quốc. Sự ra đời của Đảng cũng gắn liền với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thực hiện sứ mệnh lịch sử sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, với những sáng tạo lý luận xuất sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, xem người ta làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình. Và Người phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa.
Cuối năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp. Tại Đại hội này, Người đã tán thành theo Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Ở các nước tư bản phát triển, như V.I.Lênin đã nói: Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước nông nghiệp thuộc địa nửa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển, vào đầu những năm 1920, giai cấp công nhân Việt Nam tuy đã ra đời, nhưng còn rất nhỏ bé. Bằng kinh nghiệm của bản thân mình: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi tới một sáng tạo lớn là đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từng bước đi tới chuẩn bị thành lập một Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Bằng nhiều hoạt động, trong giai đoạn 1921-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.
Về chính trị: Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Đầu năm 1927, tập Đề cương bài giảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, 1925-1927, được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do Người sáng lập, xuất bản thành sách với nhan đề Đường Kách mệnh. Tác phẩm Đường Kách mệnh được bí mật đưa về trong nước và sớm trở thành tài liệu căn bản để tuyên truyền giác ngộ chính trị theo chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng dẫn các mặt hoạt động của Hội Thanh niên. Tác phẩm chỉ ra vấn đề then chốt có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới.
Về tư tưởng: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích đưa hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Đồng thời, Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với Nhân dân thuộc địa, Nhân dân Việt Nam và đề ra cho Nhân dân Việt Nam con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về tổ chức: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu, Trung Quốc để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng.
Ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 01/1930). Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Nhiệm vụ đó đặt lên vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu của lịch sử là thống nhất các tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long - Hồng Kông, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất được tiến hành dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong Hội nghị hợp nhất, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình: Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm Cộng sản Đông Dương. Với sự nhất trí cao, Hội nghị đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, sự nghiệp cách mạng nước ta đã giành những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết, đồng lòng đánh thắng các thế lực thù địch. Những chiến công đã đi vào lịch sử như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới, càng chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thắng lợi to lớn đó đã chứng minh một chân lý: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, cho dân tộc ta một di sản vô giá - Tư tưởng Hồ Chí Minh, một tấm gương trong sáng, mẫu mực mà mỗi công dân Việt Nam cần phải noi theo. Sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng là ngọn đuốc soi đường cho Nhân dân Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thịnh vượng và phát triển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét