Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Xứ ủy Nam Bộ, từ năm 1957, hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp.
Tháng 1-1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc bằng phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang”.
Để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, giành lại độc lập toàn vẹn cho dân tộc, thống nhất đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) khẳng định: “Xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”. Quán triệt chủ trương của Đại hội, tháng 1-1961, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) ra Chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức tuyên bố thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tư lệnh, của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; được sự chi viện đắc lực, kịp thời của hậu phương miền Bắc, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên những chiến công xuất sắc, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó.
Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, công lao đóng góp của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng; là kết tinh của tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ; là sự đóng góp, đùm bọc của đồng bào trên mọi miền đất nước; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Sự kiện thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý Chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng; là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là một tất yếu của lịch sử, đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Về danh nghĩa, đây là đội quân do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập ra, có tên gọi, màu cờ, sắc áo riêng, nhưng thực chất là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, hoạt động trên chiến trường miền Nam.
Đây chính là sự sáng tạo của Đảng trong tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng, bởi việc thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hóa giải được quy định “lực lượng quân sự chính quy phải tiến hành tập kết” của Hiệp định Geneva. Vậy nên, về mặt pháp lý, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có vị thế tương đối độc lập với Quân đội nhân dân Việt Nam. Song về thực chất, đây là lực lượng nòng cốt của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, chịu sự lãnh đạo tối cao từ trên xuống của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tư lệnh, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền - Bộ Tư lệnh Miền. Nhiệm vụ của đội quân này được thể hiện rõ ràng trên tên gọi “Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Tên gọi này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các lực lượng hòa bình, độc lập, dân chủ trên thế giới, tăng thêm sức mạnh từ hậu phương quốc tế để tiến hành chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Với tên gọi “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”, chúng ta đã tập hợp được các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam, nhanh chóng phát triển về quy mô, tổ chức, chỉ huy thống nhất, tạo nên sức mạnh làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo nên nét đặc sắc về sử dụng lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu giành chiến thắng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam càng khẳng định sự sáng tạo tài tình của Đảng. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam lập nên những chiến công chói lọi, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng phát triển với ba lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong đó, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cả về biên chế, tổ chức và vũ khí, trang bị. Từ 5 trung đoàn của năm đầu tiên thành lập, bộ đội chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng phát triển, được trang bị hiện đại, có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, từ tiến hành các trận đánh quy mô nhỏ và vừa trong những năm đầu thành lập, tiến lên lên hình thành các sư đoàn đứng chân ở các vị trí chiến lược. Cùng với đó là sự phát triển rộng khắp của các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân, du kích, là cơ sở để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy mạnh tác chiến tập trung, kết hợp với tác chiến rộng khắp quy mô vừa và nhỏ của lực lượng dân quân du kích, tạo nên phương pháp tác chiến tổng hợp để thắng ngay trận đầu, giành thắng lợi từng bước, tiến tới làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Từ những chiến thắng đầu tiên như Vạn Tường, Plei Me năm 1965... khẳng định khả năng đánh được Mỹ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát triển thế tiến công giành thắng lợi trong hai mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, tạo tiền đề để Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Để hỗ trợ cho phái đoàn đàm phán, hiện thực chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” của Đảng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã vượt qua tổn thất, mất mát, hy sinh, phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, chủ động mở nhiều chiến dịch phản công và tiến công địch, giành những thắng lợi quan trọng như: Bu Prăng - Đức Lập, Phước Bình - Bù Đốp, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào; Chiến dịch Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Nguyễn Huệ,...; đánh bại các cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71”, “Quang Trung 4”, “Lam Sơn 720”, “Quyết Thắng 20” của quân đội Sài Gòn, góp phần xoay chuyển cục diện chiến trường, cùng với thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân về nước.
Để đi đến thắng lợi hoàn toàn, vượt qua rất nhiều khó khăn của những ngày đầu thi hành Hiệp định Paris, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đập tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền và quân đội Sài Gòn; tập trung phát triển lực lượng, hình thành nên những quân đoàn chủ lực, liên tiếp mở và giành thắng lợi ở các chiến dịch: Đường số 2 Bà Rịa - Long Khánh; Đường số 7 Bến Cát - Rạch Bắp; Nông Sơn - Thượng Đức; La Sơn - Mộ Tàu; Đường 14 - Phước Long... tạo thêm thế và lực để phát triển thế tiến công, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những chiến công đó là kết tinh của tinh thần bất khuất, gan dạ, ý chí chiến đấu kiên cường, để lại những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.
Những dấu ấn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng như những bản hùng ca, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khẳng định vị trí, vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét