Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

 


Trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, quấy rối tư tưởng, chính trị từ phía bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong. Các phần tử này xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Đồng thời móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo lực lượng chống phá từ bên trong. Trong đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước. Lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội,... nhằm gây hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân nói chung và cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

          Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Do vậy, để đấu tranh phòng, chống các thủ đoạn quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần thực hiện tốt các nội dung, biện pháp sau:

          Một là, tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chủ thể các cấp về mạng xã hội, ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ ở đơn vị cơ sở trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ ở đơn vị cơ sở về mạng xã hội, bản chất, những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội. Tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, giúp mỗi cán bộ, sĩ quan hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, góp phần kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai trái, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.

Hai là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội trong tình hình hiện nay. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội không chỉ giúp cán bộ, sĩ quan ở đơn vị cơ sở lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng một cách tích cực, sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ trải nghiệm thực tiễn ứng xử trên không gian mạng. Theo đó, cần thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức bồi dưỡng thường xuyên như: tổ chức trao đổi, tọa đàm về mạng xã hội; thành lập và tổ chức hoạt động câu lạc bộ đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng; các hội thi tìm hiểu về kỹ năng ứng xử trên các trang mạng xã hội; kết hợp tổ chức các hoạt động trao đổi, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm theo từng loại hình ứng xử trên mạng xã hội với giáo dục thái độ, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở trong đấu tranh phòng chống thủ đoạn quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội. Đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở là đối tượng đồng thời là chủ thể trong hoạt động ngăn chặn các hoạt động chống phá trên mạng xã hội. Do đó, cần: tích cực học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên mọi lĩnh vực; chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy, ứng xử, làm việc, sinh hoạt… theo phong cách Hồ Chí Minh, để nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh trên không gian mạng.

Bốn là, tăng cường quản lý xây dựng môi trường giáo dục và các điều kiện đảm bảo cho người dùng tham gia, sử dụng hiệu quả mạng xã hội. Chú trọng xây dựng các mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp, tinh thần nhân ái, tương trợ giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, học tập và công tác nhằm tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng internet nói riêng, nhất là các cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của cán bộ, sĩ quan trong đơn vị. Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, sĩ quan trước các thông tin xấu độc, các hiện tượng mạng, tội phạm công nghệ cao…giúp cán bộ, sĩ quan có cách ứng xử phù hợp. Đảm bảo tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho cán bộ khai thác, sử dụng mạng trong môi trường an toàn; sử dụng các trang thiết bị hiện đại tạo tình huống giả định giúp cán bộ bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội sát với tình huống thực tiễn ở đơn vị và trong xã hội hiện nay.

Đấu tranh phòng, chống hoạt động chống phá trên mạng xã hội của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; phải luôn xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch trên không gian mạng./.

 

 

 

 

 

 

 



 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét