Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

 

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, ngoại trừ quân xâm lược phương Bắc ít sử dụng đường biển, còn các thế lực khác đều mở đầu tiến công xâm lược nước ta bằng đường biển. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), nhiều khả năng hướng biển vẫn sẽ là hướng tiến công chủ yếu của địch. Vì vậy, nghiên cứu đánh địch đổ bộ đường biển đối với một quốc gia biển như Việt Nam (cả trên phương diện lý luận và thực tiễn) là việc rất cần thiết.

Trước đây, chúng ta đã có nhiều nghiên cứu về đánh địch đổ bộ đường biển và từng bước hình thành hệ thống lý luận về vấn đề này. Gần đây, cũng có một số công trình khoa học tiếp tục nghiên cứu về đánh địch đổ bộ đường biển trong tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến phòng thủ chiến lược và trong tác chiến chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển, nhưng chưa có kết luận và chưa hình thành hệ thống tài liệu để huấn luyện trong toàn quân. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), với các điều kiện tác chiến mới, nhất là khả năng tác chiến của Quân đội ta có bước phát triển đáng kể, khi mà lực lượng Hải quân, Không quân tiến thẳng lên hiện đại, Lục quân cũng đã và đang được đầu tư, phát triển thì tác chiến nói chung, đánh địch đổ bộ đường biển nói riêng tiếp tục có bước phát triển mới, cần được đầu tư nghiên cứu sâu, kỹ hơn. Bài viết xin trao đổi một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

1. Dự báo về địch

Trong tương lai, khi tiến hành xâm lược nước ta từ hướng biển, địch có thể tổ chức chiến dịch tiến công đổ bộ đường biển với thành phần chủ yếu là sư đoàn hải quân đánh bộ cùng lực lượng chi viện và bảo đảm. Lực lượng này sẽ đánh chiếm một số địa bàn ven biển để bộ binh, bộ binh cơ giới triển khai tiến công sâu vào nội địa, hướng đến mục tiêu chiến lược chủ yếu. Khi đổ bộ, địch chủ yếu vận dụng phương pháp đổ bộ tàu - bờ, nghĩa là: địch cơ động lực lượng trên biển bằng tàu lớn, đến khu vực đổi tàu chuyển quân xuống các phương tiện đổ quân để vào bờ, đến tuyến xung phong, bộ binh, xe tăng sẽ rời phương tiện đổ bộ để lên bờ. Tuy nhiên, tùy tình hình và điều kiện cụ thể, địch cũng có thể sử dụng phương pháp đổ bộ từ ngoài đường chân trời (thường vận dụng cho đổ bộ các lực lượng đầu tiên), tập kết phương tiện đổ bộ ở xa (ngoài) khu vực đổi tàu, sử dụng tàu đệm khí chở quân với tốc độ cao lao thẳng lên bờ, tạo bất ngờ cho ta. Quá trình cơ động và đổ bộ, địch coi trọng hoạt động chi viện hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa, phương tiện bay không người lái (UAV), xuồng không người lái, cố gắng làm chủ vùng biển, vùng trời trong thời gian diễn ra các hoạt động đổ bộ.

2. Đánh địch đổ bộ đường biển

Những năm trước đây, do khả năng tác chiến và bảo đảm của ta còn có những hạn chế nhất định, nhất là khả năng tác chiến của hải quân, không quân, pháo binh, tên lửa và một phần nào đó là lục quân,... nên việc đánh tiêu diệt địch trên biển rất hạn chế, đánh tiêu diệt lớn quân địch ở tuyến mép nước cũng có nhiều khó khăn. Để tránh hỏa lực mạnh của địch ở khu vực ven biển, ta thường xác định đánh địch trên biển và ở tuyến mép nước, nhưng thực hiện ở mức độ nhất định, còn chủ yếu là tập trung lực lượng đánh địch đổ bộ bám bờ và lên bờ cùng với đánh địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển. Tuy nhiên, khi quân địch đổ bộ lên bờ, ta sẽ không đánh được chỗ yếu của chúng như khi chúng còn đang cơ động trên mặt nước, song do khả năng còn có những hạn chế nhất định nên việc đánh địch như vậy cũng là giải pháp hợp lý.

Trong giai đoạn hiện nay, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta đã được nâng lên đáng kể, lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, Lục quân cũng được đầu tư khá mạnh. Cùng với đó, thế trận chiến tranh nhân dân được chuẩn bị từ thời bình, thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược được xây dựng vững chắc, nhất là thế trận chiến tranh nhân dân trên biển được quan tâm đầu tư và xây dựng. Nếu chiến tranh xảy ra, ta sẽ đánh địch trên chính địa bàn của mình, còn quân địch tiến công từ bên ngoài vào, nên chúng ta có thể làm chủ được vùng biển, vùng trời trong những thời điểm cần thiết, có lợi cho tác chiến. Với khả năng như vậy, đánh địch đổ bộ đường biển hiện nay và trong tương lai (nếu xảy ra chiến tranh), chúng ta có thể đánh địch có hiệu quả từ khu vực đổi tàu trở vào. Thực hiện được các đòn đánh trên biển, có thể là trận then chốt, then chốt quyết định trên biển (nếu mở chiến dịch); đánh tiêu diệt lớn quân địch đổ bộ ở tuyến mép nước, bằng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và thực hiện trận then chốt tiếp theo của chiến dịch; tiến hành các trận đánh, trận đánh quyết định tiêu diệt quân địch bám bờ, đổ bộ lên bờ và địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển, v.v.

3. Đánh địch trên biển

Về thời cơ (đánh địch từ khu vực đổi tàu vào bờ), khi quân địch bắt đầu chuyển quân từ các tàu vận tải xuống các phương tiện đổ bộ và quá trình cơ động vào bờ. Mục tiêu chủ yếu lúc này là các tàu (phương tiện) chở quân đổ bộ; mục tiêu quan trọng là các tàu chi viện hỏa lực, tàu rà phá vật cản. Về sử dụng lực lượng, chủ yếu sử dụng cụm lực lượng Hải quân, gồm: tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm, tên lửa bờ, đặc công Hải quân, UAV, xuồng không người lái và không quân của Hải quân. Ngoài ra còn sử dụng lực lượng không quân tiêm kích, tiêm kích bom, trực thăng vũ trang, UAV của Quân chủng Phòng không - Không quân; pháo binh, tên lửa của Lục quân; các lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, như: cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển, v.v.

Về cách đánh, chúng ta có thể tổ chức các đòn đột kích trên biển, đột kích đồng thời hoặc đột kích lần lượt. Theo đó, đột kích đồng thời là tiến hành đòn đánh của tất cả hoặc phần lớn các lực lượng vào mục tiêu, cụm mục tiêu đã lựa chọn; đột kích lần lượt là tiến hành lần lượt các đòn đánh của từng lực lượng vào mục tiêu, cụm mục tiêu đã xác định, thông thường mở đầu là đòn đột kích của tàu chiến đấu mặt nước, kế tiếp là đòn đánh của tên lửa bờ, không quân, tàu ngầm, xen kẽ là các hoạt động của đặc công Hải quân, UAV, xuồng không người lái và các lực lượng khác. Tiến hành các đòn đột kích trên biển, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng đổ bộ của địch, làm suy yếu đáng kể sức mạnh của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng đánh địch khi chúng đổ bộ lên bờ.

4. Đánh địch ở tuyến mép nước

Thời cơ có lợi nhất trong đánh địch đổ bộ đường biển là khi quân địch xung phong vào bờ và bám bờ (tuyến mép nước); bởi chúng từ thế trận dưới nước tiến công lên bờ - bối thủy công kiên, lúc này tổ chức chỉ huy, hiệp đồng không được chặt chẽ, chi viện hỏa lực khó đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, ta có điều kiện phát huy khả năng tác chiến của các lực lượng, nhất là hỏa lực pháo binh, tên lửa, không quân và hỏa lực từ các loại vũ khí của lục quân bố trí trên bờ. Mục tiêu là các phương tiện đổ bộ (cách bờ từ 03 đến 05km), quân đổ bộ lên bờ, các tàu chi viện hỏa lực, máy bay trực thăng vũ trang, UAV;... trong đó, các phương tiện đổ bộ, bộ binh, xe tăng rời phương tiện xung phong vào bờ, bám bờ là mục tiêu chủ yếu. Về cách đánh ở tuyến này là, tổ chức trận đánh hiệp đồng quân, binh chủng nhằm tiêu diệt lớn quân địch khi chúng cơ động, triển khai đổ bộ, bộ binh, xe tăng rời phương tiện xung phong vào bờ, bám bờ và thực hành đánh địch đổ bộ bằng tất cả khả năng hỏa lực của các lực lượng, nhất là lực lượng phòng thủ, phòng ngự ven biển.

Về sử dụng lực lượng, trước đây do khả năng tác chiến của ta có hạn, đánh địch ở tuyến mép nước chỉ thực hiện được mức độ nhất định, chủ yếu sử dụng lực lượng vũ trang địa phương là chính. Ngày nay và trong tương lai, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta đã mạnh hơn, có thể đánh tiêu diệt lớn quân địch ở tuyến mép nước. Do vậy, ở các trọng điểm trên tuyến mép nước nên sử dụng các trung đoàn bộ binh chủ lực của quân khu phòng ngự bờ biển, còn các khu vực khác thì sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp sử dụng pháo binh, tên lửa, UAV, xuồng không người lái, hỏa lực của xe tăng, lực lượng phòng không (bố trí trên bờ biển), tiêm kích bom, máy bay trực thăng để đánh địch. Thực hiện đánh địch ở tuyến mép nước với khả năng hỏa lực cao nhất có thể, coi trọng kiềm chế pháo binh, tên lửa, bắn máy bay, làm chủ vùng biển, vùng trời trong những thời điểm có thể. Lực lượng trên biển còn lại của địch, sử dụng cụm lực lượng Hải quân, tập trung đánh vào các phương tiện chở quân đổ bộ các đợt tiếp theo, các tàu chi viện hỏa lực, tàu chỉ huy, bảo đảm.

5. Đánh địch đã đổ quân lên bờ và đánh địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển

Hiện nay và trong tương lai gần, với sức mạnh tác chiến hiện có, ta có thể đánh địch đổ bộ đường biển hiệu quả cao hơn ở trên biển và tuyến mép nước song chưa đủ khả năng đánh đòn quyết định để đánh bại quân địch đổ bộ đường biển. Vì vậy, các trận đánh (khi mở chiến dịch), các chiến dịch đánh địch khi chúng đã đổ quân lên bờ và đánh địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển giữ vai trò quyết định để đánh bại địch đổ bộ đường biển.

Về mục tiêu và thời cơ đánh địch, phải nghiên cứu, lựa chọn các mục tiêu chủ yếu, quan trọng là các sở chỉ huy, lực lượng bộ binh, xe tăng (tập trung), trận địa hỏa lực,… trong đội hình địch đã đổ quân lên bờ và quân địch đổ bộ đường không chưa liên kết được các bãi đổ bộ với nhau; bởi lúc này, công sự, trận địa của địch sơ sài, đội hình chưa ổn định, chỉ huy, hiệp đồng thiếu chặt chẽ, chi viện hỏa lực chưa thực sự hiệu quả, đứng chân chưa vững. Về cánh đánh, trong trường hợp ta chưa tổ chức chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển, có thể tổ chức các trận đánh cấp trung đoàn và sư đoàn hoặc các chiến dịch phản công, tiến công đánh địch đã đổ quân lên bờ và địch đổ bộ đường không với quy mô nhỏ là chủ yếu. Khi tổ chức chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển thì tiến hành các trận đánh ở các quy mô thích hợp để đánh địch đã đổ quân lên bờ và địch đổ bộ đường không, trong đó có các trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Về sử dụng lực lượng, chủ yếu là các sư đoàn chủ lực cơ động của quân khu có biển và chủ lực cơ động của Bộ; lực lượng xe tăng, thiết giáp, pháo binh, tên lửa, các binh chủng khác của quân khu và của Bộ; lực lượng vũ trang địa phương của các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân (tập trung đánh địch đổ bộ đường không); các lực lượng trong thành phần cụm lực lượng Hải quân (tiếp tục đánh địch trên biển), khi có điều kiện có thể sử dụng Hải quân đánh bộ đánh chiếm lại các đảo, v.v.

6. Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

Hiện nay còn có những nhận thức khác nhau về đánh địch đổ bộ đường biển, có ý kiến cho rằng đánh địch đổ bộ đường biển là một giai đoạn của đánh địch tiến công đường bộ. Tuy nhiên, đánh địch đổ bộ đường biển là một trong những hoạt động tác chiến rất khác so với đánh địch tiến công đường bộ, từ đối tượng, mục tiêu, môi trường tác chiến đến sử dụng lực lượng và phương pháp tác chiến, v.v. Nếu coi đánh địch đổ bộ đường biển là một giai đoạn của đánh địch tiến công trên bộ, sẽ không phản ánh đúng bản chất của các hoạt động tác chiến và sẽ không làm rõ được các vấn đề cơ bản của đánh địch đổ bộ đường biển. Vì thế, nên xác định đánh địch đổ bộ đường biển là một hoạt động tác chiến riêng, có mối quan hệ chặt chẽ với đánh địch tiến công đường bộ, nhưng không phải là một giai đoạn của đánh địch tiến công đường bộ.

7. Về tổ chức chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển

Hiện nay, chúng ta đã triển khai nghiên cứu các đề tài về đánh địch đổ bộ đường biển trong tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến phòng thủ chiến lược và chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển, nhưng chưa có hội thảo và kết luận về chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển. Các loại hình chiến dịch ta đang huấn luyện hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tác chiến với đối tượng là địch đổ bộ đường biển về chiến dịch, bởi chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển có nội dung rất khác so với các chiến dịch truyền thống, như: đối tượng tác chiến chiến dịch, mục đích, nhiệm vụ, thời gian, không gian, thế trận, tổ chức sử dụng lực lượng, chia đợt chiến dịch, các trận then chốt chiến dịch và tổng quát là phương pháp tác chiến chiến dịch. Vì vậy, cần nghiên cứu về chiến dịch đánh địch đổ bộ đường biển (hoặc có thể gọi là chiến dịch phòng thủ bờ biển) để tổ chức chiến dịch ở một số trọng điểm nhằm đánh bại các chiến dịch đổ bộ đường biển của địch.

Trong tương lai, khi Quân đội được xây dựng hiện đại, có thể tổ chức chiến dịch tác chiến liên hợp đánh địch đổ bộ đường biển. Tác chiến liên hợp là tác chiến hiệp đồng của các quân chủng (có ít nhất 02 quân chủng trở lên); trong đó, các quân chủng sử dụng lực lượng đủ mạnh, có thể giữ vai trò là lực lượng trung tâm trong các giai đoạn, nhiệm vụ của chiến dịch. Đánh địch đổ bộ đường biển được tiến hành ở địa bàn tác chiến chủ yếu là trên biển và ven biển, chiến dịch có thể sử dụng hiệu quả lực lượng lớn các quân chủng, nhất là các quân chủng có môi trường tác chiến để có thể giữ vai trò là lực lượng trung tâm trong các giai đoạn, nhiệm vụ chiến dịch. Cụm lực lượng Hải quân là lực lượng trung tâm trong đánh địch trên biển, thực hiện trận then chốt chiến dịch trên biển. Lục quân là lực lượng trung tâm trong đánh địch ở tuyến mép nước và đánh địch đổ quân lên bờ, đánh địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển, thực hiện các trận then chốt chiến dịch. Lực lượng Phòng không - Không quân có thể giữ vai trò là lực lượng trung tâm trong đánh địch tiến công hỏa lực trực tiếp và khi có điều kiện, có thể giữ vai trò là lực lượng trung tâm đánh địch đổ bộ đường không trong đổ bộ đường biển của địch. Trong phạm vi, tính chất của vấn đề, bài viết không thể nêu đầy đủ và có vấn đề không thể nêu cụ thể, rất mong được cùng nghiên cứu, trao đổi.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét