NHẬN DIỆN NHÓM ĐỐI TƯỢNG
________________
Đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là âm mưu thâm độc nằm trong chiến lượt "diễn biến hòa bình", là chiến lược tổng hợp của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch dùng biện pháp “phi vũ trang” là chủ yếu để chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nhận diện rõ những đối tượng đứng sau âm mưu đòi “phi chính trị hóa” giúp ta hiểu rõ bản chất và mưu đồ của chúng. Qua đó trả lời được câu hỏi, tại sao chúng không tiếc tiền của, công sức, thời gian, nhân lực để chống phá chúng ta hàng ngày, hàng giờ? Có thể tổng hợp và phân loại một cách tương đối những đối tượng đó vào các nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất, đế quốc và chủ nghĩa đế quốc, những cơ quan đặc biệt được các nhà nước tư sản lập ra để chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Những đối tượng thuộc nhóm này có thể coi là kẻ thù truyền kiếp của chủ nghĩa xã hội, với mưu đồ chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại nói chung và các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng, các quốc gia tư sản đã bỏ ra nhiều tiền của, thành lập các cơ quan đặc biệt với mưu đồ thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm vào các quốc gia đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam. Mũi tấn công mà nhóm này thực hiện là nhằm triệt tiêu hoàn toàn bản chất giai cấp và tính nhân dân của các lực lượng vũ trang. Trong đó, âm mưu đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang đã được các thế lực này thực hiện thành công tại Liên Xô. Thời gian gần đây, chủ thể này không chỉ là các cơ quan đặc biệt do tư sản lập ra mà còn là các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ, bá quyền. Theo đó, động cơ thực hiện âm mưu xuyên tạc, chống phá đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang không chỉ là đấu tranh ý thức hệ mà còn chống phá vì lợi ích dân tộc cục bộ. Nói cách khác, nếu trước đây âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang được thực hiện bởi chủ nghĩa tư bản thì nay, những quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bá quyền cũng tiến hành thực hiện âm mưu này.
Nhóm thứ hai, những kẻ phản bội Tổ quốc, thành phần của chế độ cũ, những kẻ thoái hóa, biến chất về tư tưởng, chính trị, bộc lộ rõ bộ mặt chống đối Đảng, Nhà nước. Nhóm này thường tập hợp thành những tổ chức phản động lưu vong, hoạt động chống phá từ nước ngoài và chỉ đạo thành viên thực hiện các hoạt động chống phá trong nước. Với âm mưu lật đổ chế độ nên xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và Công an luôn là mục tiêu mà chúng nhắm tới. Các tổ chức này hoạt động có bài bản, đầu tư nhiều tiền bạc, núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, “kênh phản biện”, “xã hội dân sự” để cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Việc “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là một bước quan trọng để chúng có thể tiến tới tranh giành quyền lực chính trị. Có thể kể đến các tổ chức như “Việt Tân”, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Hội anh em dân chủ”, “Thanh niên công giáo”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, v/v. Chúng tạo lập, duy trì các trang web, blog, fanpage để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức. Ngoài ra, còn móc nối, tạo lập cơ sở, liên lạc, chỉ đạo thực hiện chống phá ta từ bên trong.
Nhóm thứ ba, những đối tượng núp bóng dưới các chiêu bài đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự, hoặc núp bóng tôn giáo, dân tộc thiểu số. Nhóm này thường sử dụng đa dạng cộng cụ công nghệ thông tin để rêu rao, tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, phản khoa học nhằm mục đích đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Đồng thời, chúng cũng tung ra những tin xấu, độc, không rõ nguồn nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín các lãnh tụ Đảng, tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang; chia rẽ khối đoàn kết trong nội bộ lực lượng vũ trang, chia rẽ khối đoàn kết của các lực lượng vũ trang với nhân dân. Chúng cổ súy các tư tưởng dân chủ, tự do chính trị trong Quân đội, Công an như “lực lượng vũ trang toàn dân”, “lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Hiến pháp” hay “Quân đội là của nhà nước, của dân tộc” để tạo sự thu hút của đông đảo người hiếu kỳ, tham gia bình luận, chia sẻ, gây ra tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm lung lay tư tưởng của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Dưới vỏ bọc là các nhà “dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền”, “nhà bình luận”, “facebooker”, “bloger”, “youtuber”, “nhà báo”, “người bảo vệ công lý” chúng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do thông tin báo chí để truyền bá, tung hê các quan điểm, học thuyết tư sản vào Việt Nam. Đây chính là phương thức đấu tranh phi vũ trang, một dạng đấu tranh ý thức hệ trong điều kiện mới.
Nhóm thứ tư, những đối tượng có nhận thức kém về chính trị, tư tưởng, dễ bị lợi dụng lôi kéo như sinh viên, công nhân, cán bộ hưu trí, một số thành phần bất mãn chính trị. Nhóm này thường có nhận thức kém về tư tưởng, chính trị và cả trình độ văn hóa, dễ bị lợi dụng, kích động và bị mua chuộc, hùa theo những quan điểm đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang khi các đối tượng thù địch tung ta. Khác các nhóm kể trên, động cơ của nhóm đối tượng này khá đa dạng: Do bất mãn chính trị; vì lợi ích vật chất, tiền bạc; vì danh tiếng, muốn “tạo nổi bật”; vì cơ hội định cư nước ngoài. Lợi dụng các vụ việc, điểm nóng liên quan đến an ninh trật tự, các đối tượng tung tin thất thiệt, vu khống rằng Công an, Quân đội đàn áp nhân dân, chúng xuyên tạc rằng các lực lượng vũ trang do Đảng lãnh đạo sẽ không phục vụ nhân dân. Mục đích đa phần đều nhắm tới chia rẽ khối đoàn kết của quân dân, từ đó đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang. Đặc biệt, còn phải kể đến những kẻ đã từng công tác trong lực lượng vũ trang, bị tác động bởi mặt trái cơ chế thị trường, cơ hội, thoái hóa, biến chất hoặc vi phạm khuyết điểm, chịu kỷ luật sinh ra tư tưởng bất mãn. Những đối tượng này gây dư luận bằng thủ đoạn: Mặc quân phục livetream, nói xấu lãnh đạo đơn vị, kích động chia rẽ nội bộ; đốt thẻ Đảng, thẻ ngành; đòi bỏ công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội và Công an. Tuy số lượng những đối tượng này rất ít nhưng lại gây ra ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận, dễ dàng tạo cớ cho các đối tượng thù địch khác lợi dụng để chống phá ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét