BÀI 3: CHIẾN SĨ KIÊN CƯỜNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG!
(Tiếp theo và hết)
Bên bàn trà, dưới những nếp nhăn trên khuôn mặt Thượng tướng Võ Tiến Trung là sự kiên định và trí tuệ mẫn tiệp của một người đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Không chỉ là một người lính dũng mãnh trên chiến trường, ông còn là một nhà ngoại giao khéo léo và một chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ sự thật lịch sử. Trên con đường đất nước vươn mình hội nhập và đối mặt với những thách thức mới, Thượng tướng Võ Tiến Trung tiếp tục dành phần đời còn lại để bảo vệ những giá trị cốt lõi của dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bản lĩnh và sự sắc sảo của một vị tướng
Một buổi sáng mùa thu năm 2011, tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, không khí trang trọng bao trùm hội trường lớn. Hơn 200 tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa Kỳ cùng các nhà báo đều đang chờ đợi bài giảng của một vị tướng đến từ Việt Nam-Trung tướng Võ Tiến Trung. Đây là lần đầu tiên một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam được mời đến giảng bài tại ngôi trường này.
Trong bộ quân phục chỉnh tề, Trung tướng Võ Tiến Trung bước lên bục giảng với ánh mắt tự tin và bình thản. Ông bắt đầu bằng một giọng trầm ấm: "Thưa các quý vị, hôm nay tôi xin trình bày về lịch sử đấu tranh giữ nước của Việt Nam và chính sách quốc phòng hiện tại của chúng tôi".
Theo yêu cầu của Ban tổ chức, ông chuẩn bị bài giảng trong 180 phút, nhưng khi ông bắt đầu, đại diện nhà trường đề nghị ông chỉ thuyết trình trong 60 phút, thời gian còn lại dành cho đối thoại trực tiếp. Không hề bị bất ngờ, ông diễn thuyết đúng 59 phút, chính xác đến từng giây, khiến cả hội trường ngạc nhiên và thán phục. Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ ngắn ngủi, ông đã khéo léo tóm lược hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ những cuộc chiến chống ngoại xâm đến những nỗ lực xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hiện đại. Ông nhấn mạnh vào tinh thần yêu nước, sự kiên cường và lòng nhân đạo-những giá trị đã giúp Việt Nam vượt qua bao thử thách.
Sau bài giảng, một loạt câu hỏi được đặt ra. Những câu trả lời của ông đều hết sức khéo léo, sâu sắc, được cả hội trường chăm chú lắng nghe và nhiều người tán đồng. Trong những câu trả lời của ông, có nhiều câu khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
- Ngài bị họ tuyên truyền thế nào mà mới 11, 12 tuổi đã cầm súng đánh chúng tôi rồi?
- Không! Tôi không bị tuyên truyền mà chính các ngài tuyên truyền tôi đánh các ngài! - Trung tướng Võ Tiến Trung khẳng định.
Cả hội trường ngơ ngác.
- Các ngài đâu có hiểu được! - Ông nói tiếp.
Rồi ông kể chuyện tuổi thơ trong tù như thế nào, mẹ ông bị tra tấn ra sao...
- Chính các ngài đã đưa súng vào tay tôi và tạo cho tôi lòng căm thù để tôi đánh các ngài, chẳng có ai tuyên truyền cả!
Một sĩ quan Mỹ lại đặt câu hỏi: "Ông từng chiến đấu nhiều trận với quân đội Hoa Kỳ, ông có nhận xét gì về vũ khí của chúng tôi?". Ông trả lời: "Cả thế giới đều biết hỏa lực của các ngài rất hiện đại và chính xác. Nhưng sức mạnh quân sự của Việt Nam là sự hòa quyện giữa con người và vũ khí. Mà nhân tố con người chỉ có được khi những người lính có niềm tin sắt đá vào tính chính nghĩa của chiến tranh. Vì thế mà chúng tôi chiến thắng"... Những câu trả lời của ông khiến nhiều người suy ngẫm. Họ thừa nhận bắt đầu nhìn nhận cuộc chiến từ một góc độ khác, hiểu hơn về đối thủ mà họ từng đối mặt.
Sau buổi giảng bài, nhiều sĩ quan Mỹ đến bắt tay và trò chuyện với Trung tướng Võ Tiến Trung. Họ không chỉ thán phục kiến thức và sự thông thái của ông, mà còn cảm nhận được sự chân thành và cởi mở trong từng lời nói.
Một giai thoại vui khi Trung tướng Võ Tiến Trung sang thăm Mỹ là khi ông đi qua cửa an ninh, máy kiểm tra an ninh rú lên, mặc dù ông đã bỏ hết đồ kim loại ra bên ngoài. Các nhân viên an ninh ập tới. Ông liền bảo với họ:
- Các ngài biết làm thế nào để máy dừng kêu không? Những mảnh đạn của các ngài vẫn còn trong người tôi, nếu các ngài lấy lại được hết những mảnh kim loại ấy thì máy sẽ hết reo!
Nhiều người cười ồ lên, nhưng cũng có một vài người ngại ngùng rồi mời ông qua cửa.
Bảo vệ lịch sử để xây dựng tương lai
Vài năm trước khi nghỉ hưu, Thượng tướng Võ Tiến Trung nhận thấy những dấu hiệu chủ nghĩa xét lại ở một số người trong giới sử học muốn "viết lại lịch sử". Một số người bắt đầu đưa ra những quan điểm sai lệch, phủ nhận các giá trị cốt lõi mà bao thế hệ đã hy sinh để xây dựng.
Đó là một buổi chiều năm 2014, khi những tia nắng cuối ngày còn le lói, Thượng tướng Võ Tiến Trung, lúc này là Giám đốc Học viện Quốc phòng đang ngồi trong phòng làm việc. Ông cảm thấy lo lắng trước thông tin đề xuất để môn Lịch sử thành môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông. Với ông, lịch sử không chỉ là những trang sách cũ kỹ, lịch sử là linh hồn của dân tộc, là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thượng tướng Võ Tiến Trung quyết định phải hành động. Ông tìm gặp các lãnh đạo cấp cao, bày tỏ những lo ngại của mình: “Nếu chúng ta để Lịch sử trở thành môn học tự chọn thì thế hệ trẻ sẽ mất đi cơ hội hiểu về cội nguồn, về những hy sinh to lớn của cha ông. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng yêu nước và tinh thần dân tộc”.
Có lần, một người bạn khuyên ông:
- Anh đã cống hiến cả đời cho đất nước rồi, giờ nghỉ hưu thì nghỉ ngơi đi. Việc đấu tranh, hãy để lớp trẻ tiếp tục.
- Như thế thì tinh thần đảng viên của mình ở chỗ nào? Mình đã không quản gian khổ, hy sinh để giành độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nay mình phải tiếp tục tham gia chứ. Tôi còn sức ngày nào thì còn tham gia ngày ấy. Còn người ta có hiểu lầm, chửi bới, nói tôi là tay sai của chỗ này chỗ kia, tôi cũng kệ!
Nhờ sự kiên trì của Thượng tướng Võ Tiến Trung và sự đồng lòng của nhiều người, trong đó có các tướng lĩnh Quân đội đã nghỉ hưu, cuối cùng, môn Lịch sử vẫn được giữ lại là môn học bắt buộc. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục cuộc chiến chống lại những quan điểm xét lại lịch sử khi một số nhà nghiên cứu đề xuất công nhận "Việt Nam cộng hòa" là một chính thể hợp pháp và loại bỏ thuật ngữ "ngụy quyền Sài Gòn" khỏi sách giáo khoa. Ông cảm thấy đây là một sự xúc phạm lịch sử, xúc phạm những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc...
Cuộc đấu tranh tư tưởng để bảo vệ các giá trị lịch sử tuy âm thầm nhưng rất gay go, quyết liệt. Ông dành trọn thời gian nghỉ hưu để nghiên cứu lịch sử, củng cố các căn cứ khoa học, đồng thời trực tiếp đấu tranh với các biểu hiện xét lại lịch sử trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Ông dùng chính bản lĩnh, uy tín cá nhân của mình để gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin và đề nghị các đồng chí có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Gặp các đồng chí lãnh đạo cấp cao, ông thẳng thắn: "Chúng ta không thể phủ nhận lịch sử. Việc công nhận "Việt Nam cộng hòa" là một chính thể hợp pháp không chỉ sai về mặt lịch sử mà còn làm tổn thương hàng triệu gia đình có người thân đã ngã xuống vì độc lập dân tộc".
Thượng tướng Võ Tiến Trung nhắc lại những bài học từ lịch sử thế giới. Sự sụp đổ của một số quốc gia không chỉ bắt nguồn từ những sai lầm về đường lối kinh tế hay đường lối chính trị, mà còn từ việc xuyên tạc và xét lại lịch sử. Khi người dân mất niềm tin vào những giá trị cốt lõi, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì nguy cơ "tự chuyển hóa" là rất lớn.
Vậy là ông tiếp tục lên tiếng. Ông viết bài và tham gia các cuộc hội thảo, dù gặp phải sự "tấn công" của không ít người mang danh nhà khoa học. Quả thật, một số người đã chỉ trích ông, thậm chí gọi ông bằng những từ ngữ không hay khi ông thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ của Việt Nam với một số nước lớn. Nhưng ông vẫn kiên định với những quan điểm ấy, bởi ông hiểu rằng, trong bối cảnh phức tạp của quan hệ quốc tế, cần phải nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, toàn diện; kiên định lợi ích dân tộc là tối thượng. Theo ông, "chúng ta cần học từ quá khứ để xây dựng tương lai. Nếu chúng ta không bảo vệ lịch sử, không truyền đạt đúng đắn cho thế hệ sau, thì mọi cố gắng của cha ông sẽ trở nên vô nghĩa".
Trong cuộc gặp gỡ với người bạn thân một buổi chiều nọ, người đó hỏi ông:
- Anh có mệt mỏi không khi phải đối mặt với nhiều chỉ trích, thậm chí miệt thị như vậy?
- Tôi không mệt mỏi, chỉ buồn thôi. Buồn vì một số đồng chí chưa thấy hết tầm quan trọng của việc bảo vệ lịch sử. Nếu chúng ta không bảo vệ sự thật lịch sử thì nền tảng tư tưởng của Đảng, của dân tộc sẽ bị lung lay.
Khi gặp một lãnh đạo cấp cao khác, ông tiếp tục thẳng thắn bày tỏ: "Chúng ta đang tập trung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là đúng đắn. Nhưng nếu chúng ta quên việc bảo vệ lịch sử, để những quan điểm sai trái lan truyền, thì nền tảng ấy cũng sẽ bị đe dọa". Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh rằng, việc xuyên tạc lịch sử không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho tương lai. Khi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ mất niềm tin vào lịch sử của dân tộc, họ sẽ dễ dàng bị lôi kéo bởi những tư tưởng sai lệch, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của đất nước. Những lời nói chân thành và tâm huyết của ông đã chạm đến trái tim nhiều người. Họ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ lịch sử và ủng hộ ông trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Một lần khác, khi quyển sách "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử" ra đời, trong đó có những thông tin sai lệch về lịch sử, ông lại cùng một số đồng đội tiếp tục đấu tranh. Họ gặp gỡ các lãnh đạo, trình bày những sai sót trong quyển sách và yêu cầu thu hồi. "Chúng ta phải bảo vệ sự thật lịch sử. Những thông tin sai lệch sẽ gây ra hiểu lầm và chia rẽ trong xã hội", ông nói.
Nhờ sự quyết liệt của Thượng tướng Võ Tiến Trung và những người cùng chí hướng, cuốn sách này đã bị thu hồi, tránh được những hậu quả tiêu cực. Ông cũng thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với các lãnh đạo địa phương, bộ, ngành, đề xuất việc tăng cường giáo dục lịch sử trong nhà trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và thế giới.
Những hoạt động không biết mệt mỏi của ông và đồng đội đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và lắng nghe. Tháng 3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp và lắng nghe ông trình bày về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là tính phức tạp trong việc bảo vệ các giá trị lịch sử của dân tộc. Thượng tướng Võ Tiến Trung đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ một người lính can trường, ông trở thành một nhà lãnh đạo sắc sảo, luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước sâu sắc. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh và trong công cuộc bảo vệ lịch sử, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, lệch lạc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu ai hỏi về một tấm gương sáng về lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi sẽ không ngần ngại khẳng định: Đó là Thượng tướng Võ Tiến Trung!
Ảnh: Thượng tướng Roberto Legrá Sotolongo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng nước Cộng hòa Cuba thăm bạn chiến đấu - Thượng tướng Võ Tiến Trung - nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2023.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét