Ngẩng mặt hướng về phía dòng sông Cấm xuôi ra cửa biển, tôi nhớ những vần thơ dạt dào cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: “Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ/ Tựa cột mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn/ Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác/ Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn..." (Thao thức Trường Sa).

Chờ cho những cảm xúc của tôi vơi lắng, chờ tôi chụp xong bức hình kỷ niệm, Thượng tá Nguyễn Trần Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 131 mới cất lời. Anh mời tôi về phòng khách.

Trên quãng đường vài trăm mét, dưới nắng thu vàng như nghệ phủ đều trên thảm cỏ long lanh những hạt sương mai, anh Nam rỉ rả, công trình cột mốc chủ quyền có tỷ lệ và kích thước đúng bằng cột mốc ở đảo Trường Sa và được khánh thành hồi tháng 6-2024. Nó không chỉ làm đẹp thêm không gian văn hóa mà còn là biểu tượng giáo dục tình yêu biển, đảo quê hương cho thế hệ trẻ. Trong Quân chủng hiện nay, cũng đã có một số đơn vị xây dựng công trình tương tự, nhưng tỉ mỉ và đường nét "mang tính con nhà nghề" thì chỉ có ở Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân.

Từ cột mốc chủ quyền Trường Sa

Lữ đoàn 131 Hải quân khánh thành công trình cột mốc chủ quyền Trường Sa. Ảnh: XUÂN DŨNG

- Khi xây dựng công trình này, ngoài những gì như anh đã thuyết minh thì dường như còn mục đích nào đó xa hơn thì phải?

- Đúng đấy, chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều khi quyết định xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa tại đây.

Không để tôi chờ đợi lâu, Thượng tá Nguyễn Trần Nam kể:

- Nhân chuyến công tác lên vùng cao, một đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề xuất ý tưởng nên có công trình để ghi dấu mối quan hệ kết nghĩa đã tạo dựng nhiều năm qua với Lữ đoàn. Nhận thấy đây là ý tưởng hay nên lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 131 đã bàn bạc và thống nhất triển khai. Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định thông báo ý tưởng này đến một số địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã gắn bó với Lữ đoàn nhiều năm. Thật mừng là chỉ cần nói ý tưởng thôi, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận. Thế nên, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Quận đoàn Hai Bà Trưng (Hà Nội) và một số doanh nghiệp, cùng với tâm huyết, trí tuệ và công sức của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã xây dựng lên công trình này. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn coi cột mốc chủ quyền Trường Sa như là biểu tượng, điểm đến của tình đoàn kết quân dân đã được vun đắp, xây dựng suốt mấy chục năm qua.

Câu chuyện mà Lữ đoàn trưởng Nguyễn Trần Nam kể giúp tôi hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp của những người “kê cao thềm Tổ quốc”. Với họ, hoạt động phân tán, thực hiện nhiệm vụ ở nhiều tỉnh, thành phố mà đa phần là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã là lẽ thường. Ấy nhưng lạ là, dù hoạt động phân tán dài ngày, dù gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ và thiếu thốn, dù phải vật lộn với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, song họ vẫn trẻ trung, tràn đầy năng lượng, như con thuyền buồm no gió băng băng vượt lên bão tố, phong ba.

Từng công tác từ khi còn là Trung đoàn 131 nên tôi khá am tường, thậm chí thân thiết với đội ngũ chỉ huy của Lữ đoàn hiện nay. Một trong những người tôi quý trọng là Thượng tá Nguyễn Trần Nam. Anh là gương mặt cán bộ tiêu biểu, đại diện cho Lữ đoàn thời hiện tại. Bởi trong tâm tưởng của tôi, anh là người rất trọng việc, dám nghĩ, dám làm và nhiều sáng kiến. Tôi phục anh ở chỗ đã xây dựng cho mình thói quen mắt quan sát, tai lắng nghe, đầu nghĩ, miệng nói, tay làm và làm triệt để.

Nguyễn Trần Nam quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Anh chỉ huy nhiều công trình trọng điểm và có thời gian làm bạn với cát, đá, xi măng, sắt, thép nhiều hơn với người bạn đời của mình hiện đang ở TP Hải Phòng.

Cuối năm 1997, Thiếu úy Nam xách ba lô về đơn vị và làm Trung đội trưởng Trung đội Xe-máy của Đại đội 8 (Tiểu đoàn 883, Trung đoàn 131). Trung đội do anh quản lý có 18 quân nhân, nhưng có tới 23 đầu xe-máy. Nhận thấy việc bảo dưỡng chưa chuẩn mực, đúng bài, hiệu quả thấp nên anh Nam rất trăn trở. Sau nhiều đêm suy tính, cuối cùng anh bắt tay vào soạn giáo án chi tiết, đồng thời tổ chức huấn luyện cho bộ đội. Ngay lập tức, Thiếu úy Nam vấp phải những ý kiến không đồng thuận từ một số đồng chí là nhân viên chuyên môn kỹ thuật và các cán bộ kiêm nhiệm; có những suy nghĩ, hoài nghi về sự thành công. Nhưng rồi thấy Trung đội trưởng Nam nhiệt tình, say mê và trách nhiệm với công việc nên họ cũng ủng hộ. Những đồng chí quân nhân chuyên nghiệp lớn tuổi gương mẫu thực hiện trước để chiến sĩ trẻ noi theo. Tiếng lành đồn xa, rồi giáo án huấn luyện của Nguyễn Trần Nam được lấy làm chuẩn cho Trung đoàn. Đến nay, bộ giáo án ấy đã được chỉnh lý cho phù hợp với các quy định mới, nhưng điều đáng nói là tinh thần huấn luyện và bảo dưỡng xe-máy ở Lữ đoàn 131 vẫn được duy trì đều đặn.

Chuyện về cột mốc chủ quyền Trường Sa giữa chúng tôi lan sang vấn đề sáng tạo của Lữ đoàn 131 và nhiều nhất là trong xây dựng công trình.

Anh Nam kể, khi làm khung trưởng xây dựng một công trình, không may chiếc máy húc bị lầy và ngập sâu trong nước thủy triều, Lữ đoàn lệnh cho anh trong hai ngày phải đưa được lên để bảo dưỡng, sửa chữa. Trong điều kiện phương tiện cứu kéo rất thiếu thì việc di chuyển chiếc máy nặng mấy chục tấn là không thể khả thi.

Sau khi dân chủ lắng nghe ý kiến tập thể, anh Nam quyết định sử dụng các téc trữ nước ngọt làm phao nổi để nâng chiếc máy lên và dùng những phương tiện hiện có để kéo ra khỏi vũng lầy. Khi thủy triều rút, anh cho bộ đội cố định thân téc vào thân máy xúc. Khi thủy triều lên, những chiếc téc đã trở thành phao nổi kéo chiếc máy khỏi vị trí. Chưa đầy hai ngày, chiếc máy đã được kéo lên và vận chuyển về bờ. Cũng vẫn phương pháp này, anh đã tổ chức cứu kéo thành công một chiếc máy xúc khác.

Một trong những công trình ghi đậm thương hiệu “Công binh 131” là thi công đường tuần tra biên giới tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2014. Anh Nam kể, thời tiết ở Quan Sơn rất thất thường, ban ngày nắng đến rát mặt, nhưng ban đêm lại khá lạnh. Bộ đội đến làm nhiệm vụ cơ bản ở vùng ven biển nên khó tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhiều anh em sợ tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, sợ đêm tối. Khi đó sóng điện thoại ở đấy tậm tịt nên mỗi lần báo cáo về chỉ huy Lữ đoàn phải đi “hứng sóng” cả giờ đồng hồ. Có cuộc đàm thoại gián đoạn cả chục lần... Việc tiếp phẩm là cực kỳ khó khăn và vô cùng đắt đỏ. 10 ngày đầu, anh Nam phải sử dụng cả một trung đội vừa gánh vừa vác đi bộ 15km mang thực phẩm về cho bộ đội. Ký hợp đồng với người dân làm tiếp phẩm thì giá cao gấp rưỡi, gấp đôi so với dưới huyện.

Trong một lần rà phá bom, mìn, vật nổ phục vụ cắm tuyến, mở đường tuần tra biên giới, trên đường về, một tổ bị lạc trong rừng. Anh Nam đã chỉ huy bộ đội vận dụng mọi kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết về địa hình quân sự để tổ chức tìm kiếm suốt đêm. Anh chia anh em làm nhiều tổ, mỗi tổ có một chỉ huy và rà theo các ô đánh dấu trên bản đồ. Rất may, đến gần sáng thì tìm thấy anh em và đưa về lán an toàn. Anh tâm sự, ở cương vị mới, tuy không được cùng bộ đội lăn lộn ngoài công trường, không thường xuyên đối chọi với sóng gió biển khơi nhưng tinh thần hướng về bộ đội thì không đổi.

Hiện nay, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 131 chủ trương lấy “công trường làm thao trường”, gắn huấn luyện với thi công. Việc này đã đáp ứng hai mục tiêu, vừa rèn bộ đội vừa xây dựng công trình đạt tiến độ vừa hiệu quả và chất lượng. Việc bố trí ca, kíp và xoay vòng hợp lý; tăng cường kèm cặp giữa người có tay nghề cao với người có tay nghề thấp, giữa người có kinh nghiệm và người mới đã cho những kết quả rất khả quan.

Tính đến tháng 10-2024, tiến độ thi công trên các công trường của Lữ đoàn đều đạt kế hoạch, bảo đảm chất lượng, bền vững và an toàn tuyệt đối. Đây là thành tích tạo đà cho Lữ đoàn hướng tới những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn hơn trong thời gian tới.

Tôi tin, sức trẻ ở Lữ đoàn 131 sẽ tiếp tục được phát huy. Rồi đây, họ sẽ gặt hái được nhiều thành tích xứng đáng hơn nữa.

Bút ký của MẠNH THẮNG

nguồn báo quân đội nhân dân