Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn
hóa thế giới, trên cơ sở kế thừa những tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhận
thức rất rõ vị trí, vai trò của trí thức trong xã hội chủ nghĩa.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm
việc", Người đã đưa ra định nghĩa: "Trí thức là hiểu biết. Trong thế
giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học
tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội.
Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó không có trí thức nào khác”. Trên
cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của trí thức đối
với cách mạng Việt Nam. Người coi “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân
tộc”; là “một phần tương lai của dân tộc”; “có đầu óc dân tộc và đầu óc
cách mạng”, “có học thức, dễ có cảm giác chính trị,… dễ tiếp thu sự giáo dục
cách mạng và cùng đi với công nông”. Do vậy, Đảng là phải có biện pháp lôi kéo
trí thức đi theo và ủng hộ để tăng sức mạnh cho mình. Người căn dặn: “Đảng
phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, thanh niên, Tân Việt,.. để kéo
họ đi vào phe vô sản giai cấp”.
Vai trò to lớn của trí thức được thể
hiện cả trong cách mạng giải phóng dân tộc, cả trong cách mạng xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Người xác định: "Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan
trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân
chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội". Trí thức trong cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân, có vai trò tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng
những tư tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù
địch.
Theo Người, người trí thức chân chính
phải là người trí thức hoàn toàn, nghĩa là phải biết vận dụng tri
thức của mình phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Người
viết: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết
cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc
khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí
thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn
toàn. Y muốn thành một người trí thức toàn toàn, thì phải biết đem trí thức đó
áp dụng vào thực tế"(27). Cho nên điều quan trọng là phải biết
vận dụng ri thức vào cuộc sống, vào phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của trí thức trong công
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng,
Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để lôi cuốn, thu hút và phát
huy vai trò của trí thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét