Cơ hội chính trị và bất mãn chính trị là hai khái niệm cùng loại, cùng bậc, xếp vào một hàng, có quan hệ chặt chẽ với nhau, đều biểu hiện thái độ và tư tưởng chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước ta, đều nguy hại đối với việc xây dựng đoàn kết, thống nhất và củng cố chính trị nội bộ!
Vạch trần bản chất của những kẻ lươn lẹo “hai mặt”
Cơ hội chính trị tinh vi ứng biến với thời cuộc, diễn biến tình hình để lợi dụng “mặt tích cực” và né tránh “bất lợi” đối với bản thân; luôn mang trong mình mưu mô, toan tính và yếu tố bất mãn chính trị; ngược lại, bất mãn chính trị theo đuôi, đồng lõa với cơ hội chính trị và có thể chuyển hóa thành cơ hội chính trị. Xu hướng chung của các phần tử này là câu kết với nhau, dựa vào nhau và gắn bó chặt chẽ với các thế lực thù địch, hoặc bị các thế lực thù địch tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, hà hơi, tiếp sức nhằm chống đối, cản trở cái tiến bộ, tích cực; thậm chí biến thành kẻ phản bội, phản động, đứng hẳn về phía đối lập, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, ở nước ta, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được tăng cường, bước đầu đạt những kết quả quan trọng, nhiều vụ án đã được đưa ra ánh sáng, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng một số thiếu sót, khuyết điểm của cuộc đấu tranh này hoặc xuyên tạc, dựng chuyện để kích động, lôi kéo những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước ta. Các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã và đang nhận được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực phản động để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phao tin đồn nhảm, tung tin xấu độc trên internet, mạng xã hội nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Dưới đây là một số biểu hiện của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị ở nước ta hiện nay.
Có quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị không vững vàng, luôn ba hoa, ba phải, lươn lẹo, dễ dao động, thiếu niềm tin, hoài nghi, bi quan, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, không tin vào tương lai, tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Do bản chất cơ hội, lập trường mơ hồ, thiếu kiên định cho nên khi cách mạng gặp khó khăn, bất lợi thì hoang mang, thỏa hiệp, phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch, quay lại chửi thề, phản ứng, chống phá Đảng, Nhà nước và chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhưng khi nhận thấy tình thế đã đổi khác, thì theo đuôi, a dua "nói leo, ăn theo", ra sức tung hô, ủng hộ cách mạng, nói, viết như “đúng rồi” để che đậy dã tâm xấu xa của mình.
Biết chọn thời điểm, thời cơ viết bài, tung tin, phát ngôn và lợi dụng triệt để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, chủ tâm thu vén, vơ vét cho bản thân và gia đình. Họ thường che giấu bộ mặt thật, ít bày tỏ quan điểm, chính kiến rõ ràng, thái độ chính trị lờ mờ, trung dung, thỏa hiệp, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, dĩ hòa vi quý, chỉ làm việc gì thấy có lợi cho bản thân; lợi dụng hạn chế, khuyết điểm của đồng đội để đồn thổi, “bé xé ra to”, biến “con muỗi thành con voi”; từ đó lồng ý kiến cá nhân vào phê bình, tự phê bình để nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng, thậm chí sử dụng biện pháp triệt hạ đối phương.
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc bị kỷ luật, không còn giữ chức vụ, không có điều kiện để phô trương thanh thế, cho nên nảy sinh nhiều tâm tư, bất mãn, chán chường, bị thế lực cơ hội, bất mãn tác động, lôi kéo, mua chuộc, họ đã theo đuôi kẻ xấu. Hầu hết những phần tử này có tham vọng chính trị, chức quyền và khi tham vọng không được đáp ứng thì sinh ra bất mãn, thoái chí, phát ngôn thiếu trách nhiệm, không còn ý thức xây dựng cơ quan, đơn vị, chống đối những người đã ngồi vào ghế của mình. Họ lợi dụng xu thế dân chủ hóa, internet, mạng xã hội, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn để thực hiện mưu đồ xấu xa, chống lại sự lãnh đạo của Đảng, cản trở sự tiến bộ xã hội.
Hám lợi, hám danh, thực dụng về kinh tế, đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền và muốn thể hiện mình trước tổ chức, tập thể, thích nổi danh trên mạng xã hội và trước đám đông; không thừa nhận ai, nhất là cán bộ trẻ. Họ cố tình móc nối, liên kết với một số cán bộ, nhân viên “có ơn huệ với mình” để moi tin, truyền tin, xuyên tạc bản chất sự việc; sẵn sàng rẽ theo con đường khác, kể cả sai trái, miễn là có lợi ích kinh tế, thỏa mãn ý chí cá nhân. Họ thường tự coi là người có học, hiểu biết, tỏ ra nổi trội, luôn tự cho mình có công trạng, có đóng góp cho cách mạng, cho cơ quan, đơn vị nhưng bị bạc đãi, thiếu sự tôn trọng. Vì vậy, họ muốn “nổi sóng”, đưa ra “phát kiến” mới rồi lôi kéo, tổ chức, gây thanh thế, cốt để “đánh bóng tên tuổi” mình, gây khó dễ nhằm triệt hạ đối phương và những người mình không ưa thích. Khi mục đích không đạt được, vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến họ bức xúc, không thể kìm nén, đã phát ngôn thiếu trách nhiệm, xuyên tạc sự thật. Khi ý kiến, góp ý, kiến nghị của họ không được chấp nhận, hoặc mối quan hệ không trong sáng bị phát hiện, ngăn chặn, các phần tử này lập tức thể hiện thái độ chống đối, tìm mọi cách hạ thấp uy tín, danh dự của các cán bộ lãnh đạo cấp trên.
Đây chỉ là phác thảo ban đầu nhưng chỉ chừng ấy biểu hiện xấu đã khiến chúng ta phải đề cao cảnh giác, hết sức đề phòng sự phản trắc của những phần tử “hai mặt”, cơ hội chính trị này.
Kiên quyết đấu tranh đối với những kẻ “hai mặt”, cơ hội chính trị
Để đấu tranh, chặt đứt “cái vòi”, “chân tay”, “râu ria” của những kẻ cơ hội và bất mãn chính trị một cách hiệu quả, cần có các giải pháp toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, cơ chế, chính sách, pháp luật với quyết tâm cao. Muốn vậy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, thực hiện kiên quyết, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; không bị mắc mưu vào các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Đây là biện pháp cơ bản, toàn diện và bao trùm trong đấu tranh với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ở nước ta hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư cấp ủy phải quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp. Cần phải nêu gương thật sự trong lời nói, hành động, công việc, cuộc sống và thực hiện nghiêm chế tài giám sát, kiểm soát sự nêu gương ấy.
Hai là, chăm lo xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất đoàn kết. Thực hiện có nền nếp và chất lượng việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, chủ động ngăn chặn, ngăn ngừa xu hướng cơ hội, bất mãn chính trị. Đặc biệt là cần chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nội bộ, kịp thời đấu tranh và xử lý cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là, chủ động, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện của tư tưởng cơ hội và bất mãn chính trị trong cơ quan, đơn vị và các quan điểm sai trái, thù địch. Đề cao cảnh giác với các phần tử cơ hội chính trị muốn luồn sâu, leo cao vào bộ máy công quyền các cấp. Phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm phân loại và phát hiện kịp thời, đấu tranh hiệu quả với hoạt động phá hoại của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Bốn là, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị, cần bám sát vào quan điểm, chủ trương, đường lối, kết luận, chỉ thị và hướng dẫn của Đảng và các cơ quan chức năng Trung ương. Dựa trên cơ sở khoa học xác đáng, với luận điểm đúng đắn, luận cứ rõ ràng, luận chứng sắc bén, có tính thuyết phục cao, nhất là đấu tranh bảo vệ chính trị nội bộ, không để lộ, lọt thông tin, bí mật Nhà nước, tình hình nội bộ của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin truyền thông, nhất là internet và mạng xã hội; kiểm soát, tổ chức tốt việc thu hồi tài liệu, ấn phẩm mà các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị phát tán để xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc bản chất âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đặc biệt là những biểu hiện chống phá tinh vi, lươn lẹo của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Trên cơ sở đó có biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả, không để chúng “tác oai tác quái”, cản trở chúng ta thực hiện sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Khuyết danh ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét